Dưới những mái nhà tre lá đơn sơ, dụng cụ mộc mạc, bên các loại bếp củi, bếp than, bếp rơm, các cô chú cựu chiến binh, dân công, chị nuôi, anh nuôi, giao liên một thời… đã cùng biểu diễn nấu nướng và phục vụ các món ăn thời kháng chiến. Hàng trăm bạn trẻ đã có dịp hòa mình vào không khí ấm áp tình quân dân, tình đồng đội. Sinh hoạt này do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức ngày 7-6 khiến các bạn trẻ ngạc nhiên và thích thú.
Cốm mẹ quê hương và trứng rồng rô ti…
Hàng trăm bạn trẻ đã túm tụm tại mái lá của nữ tù chính trị Ngô Thị Cẩm Tiên để xem bà biểu diễn chế biến các món ăn trong thời kháng chiến. Ngoài các món dân dã như khoai mì, khoai lang nướng, cơm nắm muối mè, tôm, cá nướng trui, nhiều món ăn thời đó được các chị nuôi đặt tên rất mỹ miều: cốm mẹ quê hương, kim châm xào, trứng rồng rô ti…
“Bếp được tái chế từ nhôm phế liệu, củi là quần áo rách của chiến sĩ cuộn lại, bên ngoài có quấn bịch ni lông để dễ châm lửa. Muốn tắt lửa, chỉ cần lấy khăn nhúng nước chụp lấy thanh “củi” này là lửa tắt mà không có khói, tránh bị địch phát hiện”, bà Cẩm Tiên giải thích.
Vì sao lại có những món ăn mỹ miều như cốm mẹ quê hương, trứng rồng rô ti? Bà cười cười, bật mí: Thật ra, đặt tên gọi như thế để ăn cảm giác ngon, chứ thời kháng chiến gian khổ và thiếu thốn trăm bề, làm gì có cốm với trứng rồng. Nói rồi bà múc muỗng trứng rồng cho một bạn trẻ “đấy, trứng rồng rô ti chỉ là đậu phộng rang với chút gia vị cho mằn mặn thế này, con ăn thử xem”.
Còn món cốm mẹ quê hương (còn gọi là mì giòn) hoàn cảnh ra đời cũng chẳng khác là mấy, “đó là cơm khô hòa cùng chút gia vị rồi rang lên để có thể ăn chắc bụng và giữ được lâu ngày vậy mà”, bà Cẩm Tiên vừa quệt mồ hôi vừa kể.
Làm nên sức mạnh tinh thần
Rất đông du khách đã phải dừng lại trầm trồ với tài gói bánh tét của nữ chiến sĩ biệt động võ trang Dương Thị Cang và nữ giao liên Phạm Nguyệt Thu. Những đòn bánh tét chắc nịch, ngút khói được vớt ra khỏi nồi, nhanh chóng được tét thành từng khoanh để du khách thưởng thức.
Bà Nguyễn Thị Khỏi, cựu dân công hỏa tuyến bùi ngùi nhớ lại: “Khoảng 22 giờ 30 đêm 15-6-1968, đoàn dân công gồm 55 người được lệnh tải thương, vượt bưng láng sấu xuống Đức Hòa, Long An và tải đạn về Sài Gòn. Đoàn ra tới giữa đồng bưng thì bị máy bay Mỹ phát hiện và xả đạn. Sau trận oanh kích, 32 người (trong đó có 25 nữ) đã hy sinh, 23 người sống sót và bị thương tật. Tôi và bà Phạm Thị Nàng là 2 trong số những người sống sót”. Bà vừa kể vừa gói bịch cơm nắm muối tiêu cho một du khách.
“Tôi thật bất ngờ và xúc động khi được xem những hình ảnh ý nghĩa này. Những câu chuyện bình dị, gần gũi nhưng với lớp trẻ chúng tôi đó là bài học quý báu và đáng tự hào. Chúng tôi hiểu rằng, những nắm cơm, củ khoai và hạt cơm nhỏ nhoi ấy đã góp phần làm nên sức mạnh tinh thần to lớn trong kháng chiến”, bạn Nguyễn Thùy Trang, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM bày tỏ.
MINH AN