Giao lưu trực tuyến về Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội - Làm sao để không “mất oan” quyền lợi?

Phải chốt sổ BHXH cho người lao động
Giao lưu trực tuyến về Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội - Làm sao để không “mất oan” quyền lợi?

Ngày 23-12, Báo SGGP đã tổ chức giao lưu trực tuyến với lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TPHCM để giải đáp thắc mắc của bạn đọc về chính sách, thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất… Gần 100 câu hỏi do bạn đọc gửi đến đã được trả lời.

Ban biên tập Báo SGGP cùng lãnh đạo BHXH TPHCM trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: TRẦN THANH

Ban biên tập Báo SGGP cùng lãnh đạo BHXH TPHCM trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: TRẦN THANH

Nhiều thắc mắc về chế độ thai sản

Các thắc mắc về chế độ thai sản chiếm đến 30% tổng số câu hỏi gửi đến buổi giao lưu. Bạn đọc tên Hằng (hang...@gmail.com) thắc mắc: “Sau khi nhập viện cấp cứu vì có nguy cơ sinh non, em gái tôi được chuyển xuống khoa sản. Tuy nhiên, y tá bệnh viện nói em tôi phải có giấy chuyển viện mới được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT) đúng tuyến trong khi về nơi đăng ký ban đầu xin giấy chuyển viện thì họ bảo trường hợp nhập viện cấp cứu như em tôi thì không cần xin giấy chuyển viện. Như vậy em tôi phải làm gì để được hưởng quyền lợi BHYT?”.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM trả lời: Trong trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT và chỉ cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện. Riêng trường hợp em của chị Hằng, việc xác định sản phụ sinh thường hay sinh cấp cứu do bác sĩ trực tiếp tiếp nhận sản phụ xác định. Nếu em chị chưa được bệnh viện giải quyết chế độ BHYT thì mang toàn bộ hồ sơ bao gồm: giấy ra viện, biên lai viện phí, toa thuốc, hóa đơn tài chính… và thẻ BHYT có giá trị sử dụng trong thời gian điều trị bệnh đến BHXH TPHCM (117C Nguyễn Đình Chính  P.15 Q.Phú Nhuận) hoặc BHXH gần nơi cư trú để được hướng dẫn làm hồ sơ thanh toán theo đúng quy định. Đồng thời, qua việc giám định hồ sơ BHXH sẽ chấn chỉnh công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện chị Hằng phản ánh.

Cũng liên quan đến vấn đề thai sản, anh Nam (yentao...@yahoo.com.vn) hỏi: “Vợ tôi làm việc tại một công ty TNHH tại quận 10, với mức lương 4 triệu đồng. Trong 4 tháng nghỉ thai sản vợ tôi được công ty trả đủ lương nên không còn trợ cấp nữa. Công ty trên làm như vậy có đúng không?”.

Ông Cao Văn Sang khẳng định: “Trợ cấp thai sản do cơ quan BHXH chi trả. Ngoài trợ cấp thai sản tương ứng 4 hoặc 5 hay 6 tháng lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ sinh, sản phụ còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng 2 tháng lương tối thiểu chung (từ tháng 5-2011 là 830.000 đồng x 2). Công ty trả lời như thế là không chính xác. Đề nghị vợ anh liên hệ cơ quan BHXH nơi đóng BHXH hoặc BHXH TP để biết tổng số tiền trợ cấp thai sản do cơ quan BHXH chi trả”.

Phải chốt sổ BHXH cho người lao động

Liên quan đến chế độ BHXH, bạn đọc Cao Huỳnh (huynh…@yahoo.com.vn) hỏi: “Hiện nay tôi đang làm việc cho một công ty TNHH. Mức lương thực lĩnh của cán bộ công nhân viên khoảng từ 2 - 10 triệu đồng và mức lương đóng BHXH chỉ 1 -1,3 triệu đồng. Công ty chúng tôi đóng BHXH như vậy có đúng không? Đây cũng là nội dung được nhiều bạn đọc đề cập.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Trưởng phòng Thu BHXH TPHCM trả lời: Người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động nhưng phải phù hợp với thang, bảng lương do đơn vị xây dựng và đăng ký và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng. Như vậy, công ty trên đã vi phạm pháp luật về ký hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp nộp BHXH cho người lao động tại BHXH TPHCM.

Doanh nghiệp nộp BHXH cho người lao động tại BHXH TPHCM.

Một số bạn đọc đặt vấn đề về việc công ty cũ chưa chốt sổ BHXH do còn nợ tiền BHXH trong khi người lao động đã chuyển công ty mới, làm thế nào để được chốt sổ BHXH? Theo ông Cao Văn Sang, việc công ty không đóng BHXH để chốt sổ cho người lao động là vi phạm nghiêm trọng pháp luật BHXH. Người lao động cần liên hệ phòng LĐTB-XH quận, huyện hoặc Thanh tra lao động thuộc Sở LĐTB-XH để nhờ can thiệp.

Về trường hợp người lao động đóng BHXH muốn nghỉ hưu sớm, ông Cao Văn Sang cho biết, nếu người lao động có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm sẽ được giải quyết hưu khi đủ 50 tuổi. Nếu không thuộc trường hợp trên, phải giám định y khoa; nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu.

Liên quan đến thắc mắc của bạn đọc về trường hợp chi trả BHXH cho người bị bệnh động kinh điều trị ngoại trú dài ngày, ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng Chế độ BHXH, cho biết bệnh động kinh là một trong những bệnh được nghỉ để điều trị bệnh dài ngày. Trường hợp thắc mắc về bệnh lao, ông Hà cho biết bệnh lao cũng được hưởng các chế độ BHXH.

- Khi đi sinh trường hợp nào là cấp cứu, trường hợp nào là không?

hoavan76@yahoo.com

>> Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Chúng tôi đang cùng các bệnh viện tại TPHCM giải quyết cấp cứu đối với các trường hợp sản phụ đến bệnh viện khi có dấu hiệu sinh và các trường hợp bệnh viện yêu cầu phải nhập viện để theo dõi sinh sau đó.

- Bạn tôi bị tai nạn giao thông (TNGT), khi đưa vào bệnh viện cấp cứu bệnh viện vẫn bắt thanh toán toàn bộ viện phí dù đã xuất trình thẻ BHYT hợp lệ. Bệnh viện bảo phải có biên bản tai nạn giao thông mới thanh toán. Như thế có đúng không?

songlamsg@yahoo.com

>> Bà Lưu Thị Thanh Huyền: Theo quy định, các trường hợp bị TNGT chỉ được thanh toán khi đã xác định không có vi phạm pháp luật về giao thông. Do đó khi bạn điều trị tại bệnh viện mà chưa có xác nhận của cấp có thẩm quyền về TNGT thì bạn vẫn phải nộp toàn bộ viện phí. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật giao thông bạn sẽ được cơ quan BHXH thanh toán lại. Tuy nhiên kể từ ngày 26-12-2011, theo quy định mới, người tham gia BHYT bị TNGT, trong khi chưa có đủ căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra TNGT do người đó gây ra, khi đi khám bệnh, chữa bệnh vẫn được hưởng chế độ BHYT theo quy định.

Hồ Thu

- Gỡ rối nhiều nỗi niềm về Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm xã hội

Tin cùng chuyên mục