“Giáp lá cà” chống thuốc lá

Dùng biểu tượng cảnh báo
“Giáp lá cà” chống thuốc lá

Cuộc chiến chống thuốc lá toàn cầu đang bước vào giai đoạn quyết liệt hơn bao giờ hết, khi mà các nước muốn hạn chế thuốc lá và các tập đoàn thuốc lá khổng lồ đều chuyển sang “chiêu thức” mới để tấn công nhau. Nếu như một bên tăng cường sử dụng hình ảnh và biểu tượng rùng rợn cảnh báo về sức khỏe khiến cho người hút thuốc lá phải suy nghĩ về thói quen xấu của họ, thì “bên kia” cũng đã đẩy mạnh chiêu thức kiện cáo.

Dùng biểu tượng cảnh báo

Trong một báo cáo vừa đưa ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chiến dịch chống hút thuốc lá do WHO phát động đã thành công khi ngày càng nhiều nước trên thế giới tích cực thông qua các luật bắt buộc in những thông tin cảnh báo tác hại của thuốc lá trên vỏ bao thuốc để cảnh báo người sử dụng.

Trong 2 năm qua, có 23 nước đã thực hiện ít nhất một chiến dịch thông tin đại chúng lớn chống thuốc lá tác động đến hơn 1,9 tỷ người. Chiến dịch này được thực hiện song song với các biện pháp chống thuốc lá khác cũng được sử dụng rộng rãi như giám sát sử dụng thuốc lá, hỗ trợ người hút từ bỏ thuốc lá, cấm quảng cáo và tăng thuế đối với thuốc lá, bảo trợ các hoạt động chống thuốc lá...

Đây là báo cáo thứ ba trong năm 2011 về hiện trạng sử dụng thuốc lá toàn cầu được WHO công bố. Báo cáo của WHO khẳng định các biểu tượng cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe là một trong những biện pháp hiệu quả nhất làm giảm ham muốn hút thuốc lá.

Trên thế giới, số lượng các nước in cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá ngày càng tăng. Đã có 44 nước in bằng hình ảnh, nhiều nước đang trong quá trình soạn thảo quy định này. Có quốc gia còn quy định diện tích cảnh báo rất lớn như Uruguay (80% cả hai mặt trước và sau), Mauritius (60% mặt trước và 70% mặt sau), New Zealand (30% mặt trước và 90% mặt sau), Philippines (60% cả hai mặt trước và sau).  Canada và Uruguay còn sử dụng đồ họa.

Gây choáng váng nhất cho các tập đoàn thuốc lá khổng lồ có lẽ là quy định thay đổi hình ảnh trên bao thuốc lá vừa được Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) vừa công bố hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Thay cho những dòng chữ nhỏ cảnh báo việc hút thuốc có hại cho sức khỏe, những thiết kế mới dưới dạng hình ảnh lớn chiếm một nửa mặt trên của bao thuốc (ảnh) đi kèm những dòng chữ cảnh báo “Thuốc lá gây ung thư”, “Thuốc lá làm hại con của bạn”, “Thuốc lá có thể giết chết bạn”... đến năm sau thì quy định này mới được áp dụng.

Các hãng thuốc lá phản công

Đương nhiên các hãng thuốc lá khổng lồ không chấp nhận đầu hàng. Gần đây, tòa án khắp nơi trên thế giới đã nhận được đơn kiện của các công ty thuốc lá. Tại Mỹ, quy định in ảnh mang nội dung phòng chống hút thuốc lên 50% diện tích các bao thuốc lá bán ra đang vấp phải sự phản đối từ nhiều công ty lớn trong nước.

Reynolds American, công ty sản xuất thuốc lá thương hiệu Pall Mall, Camel và Công ty Lorillard (thương hiệu Newport) cho rằng, việc quy định in những tấm hình gây sốc lên bao thuốc của chính phủ là không phù hợp với luật pháp và dọa sẽ đâm đơn kiện.

Riêng Philip Morris, sở hữu nhãn hiệu Malborro và Chesterfield, đã kiện chính quyền Ireland và Na Uy về các quy định hạn chế bày bán thuốc lá ở các cửa hàng và đang xúc tiến hồ sơ kiện chính phủ Australia vì Canberra đang triển khai chiến dịch chống thuốc lá được đánh giá là cứng rắn nhất thế giới khi bắt buộc tất cả các gói thuốc lá sẽ phải có màu xanh ô liu tối và phải dán những cảnh báo tác hại đối với sức khỏe.

Ngoài ra, quy định mới còn yêu cầu xóa bỏ logo của công ty này trên các thuốc lá và thay vào đó là những hình ảnh ghê rợn cảnh báo tác hại của thuốc lá (ảnh của người bị ung thư miệng, những đứa trẻ bệnh tật…). Nhiều nhà sản xuất thuốc lá khác cũng đã dọa sẽ kiện cáo đến cùng vì cho rằng luật trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của họ.

Trước đó, Philip Morris cũng đâm đơn kiện Uruguay và Brazil lên Trung tâm quốc tế giải quyết các tranh chấp đầu tư của Ngân hàng Thế giới ở Washington với cáo buộc các quy định “quá mức” của hai nước này khiến doanh thu của hãng bị tổn thất.

TS Douglas Bettcher, lãnh đạo Sáng kiến không thuốc lá của WHO, cho rằng các công ty thuốc lá đang sử dụng chiêu kiện tụng để đe dọa các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ví dụ như ở Indonesia, có rất ít quy định hạn chế thuốc lá. Tại đây, quảng cáo thuốc lá được xuất hiện trên truyền hình và trước mỗi tập phim, bảng quảng cáo rải rác trên hệ thống đường cao tốc, các hãng thu hút trẻ em thông qua các buổi ca nhạc hay sự kiện thể thao, bao bì được trang trí bằng các nhân vật hoạt hình, hay các cửa hàng được bán thuốc lá cho trẻ em.

Quan chức Indonesia cho biết họ phụ thuộc vào ngành thuốc lá để tạo ra việc làm cũng như nguồn thu từ việc đánh thuế. Chỉ riêng từ Philip Morris International, nước này đã thu về khoảng 2,5 tỷ USD/năm. Theo WHO, các vụ kiện trên điển hình cho nỗ lực của ngành sản xuất thuốc lá gây sức ép lên những nước đang xem xét các điều luật nghiêm ngặt về buôn bán thuốc lá.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”

Không chỉ dùng chiêu kiện cáo, các gã thuốc lá khổng lồ còn dùng tiền và đang tìm cách thao túng bộ máy chính quyền của các nước. Năm ngoái, khi Chính phủ Australia công bố kế hoạch buộc các bao thuốc lá chỉ có màu nâu hoặc trắng nhằm khiến chúng không trở nên hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng, Philip Morris đã tung 5 triệu USD vào chiến dịch truyền thông chống chính phủ trong kỳ bầu cử năm ngoái.

Các hãng British American Tobacco và Imperial Tobacco cũng góp tiền vào chiến dịch này. Philip Morris International và British American Tobacco cũng đang chống lại thuế cao ở Philippines và Mexico, đồng thời đổ hàng tỷ USD vào các chiến dịch vận động chính trị và quảng cáo ở châu Phi, châu Á. Họ còn đổ tiền vào việc soạn thảo luật kiểm soát thuốc lá ở Nga.

Theo New York Times, British American Tobacco cũng đã chi hàng triệu USD cho chiến dịch vận động chống các biện pháp hạn chế thuốc lá của Liên minh châu Âu. Hãng này truyền bá thông điệp tăng thuế và cấm hút thuốc chỉ khiến thị trường chợ đen phát triển.

Theo TS Douglas Bettcher, các công ty thuốc lá đang thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm khách hàng ở các nước đang phát triển nhằm thay thế lượng người hút thuốc ngày càng sụt giảm ở Mỹ và châu Âu. Liên minh phóng viên điều tra quốc tế đã mở cuộc khảo sát ở 6 nước đang phát triển và phát hiện chiến dịch của các tập đoàn thuốc lá đã phá hoại nỗ lực chống khói thuốc ở nhiều nơi.

Đã có 171 nước trên toàn cầu ký và phê chuẩn Công ước khung của LHQ về kiểm soát thuốc lá, đồng thời tích cực thông qua các luật và sắc lệnh về vấn đề này. WHO cam kết sẵn sàng hỗ trợ các nước chống lại những đòn phản công của ngành công nghiệp thuốc lá để loại trừ mọi sự bảo vệ thương mại cũng như công nghiệp của ngành này.

Theo số liệu của WHO, trên thế giới hiện có hơn 1 tỷ người “làm bạn” với khói thuốc lá, trong đó hơn 80% sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. WHO cảnh báo các bệnh liên quan đến thuốc lá như đau tim, đột quỵ, ung thư... là nguyên nhân gây tử vong cho 5 triệu người mỗi năm. Nếu không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hạn chế việc hút thuốc lá, số ca tử vong có thể lên tới 8 triệu từ nay tới năm 2030.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục