Hơn một tháng qua, kể từ khi Thông tư 25 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành miễn thủ tục kiểm dịch các loại trứng gia cầm và sản phẩm từ trứng (trứng bắc thảo, trứng muối, trứng lộn, trứng ăn liền…), trên thị trường đã xuất hiện nhiều luồng dư luận trái chiều.
Ngay cả các doanh nghiệp (DN) có sự đầu tư bài bản, với quy mô lớn cũng có những ý kiến không đồng nhất. Người thì cho rằng, Thông tư 25 là một bước tiến trong bối cảnh mức độ lây lan dịch bệnh thông qua trứng gia cầm là không cao. Hơn nữa, tình hình dịch cúm cũng đã được kiểm soát tốt nhiều năm qua, nhưng người chăn nuôi chịu cảnh một quả trứng phải “cõng” thêm quá nhiều phí, thuế cùng các hình thức kiểm dịch khác là hoàn toàn không cần thiết. Và thêm nữa, việc kinh doanh trứng gia cầm bị cản trở nhiều, để được cấp giấy kiểm dịch nhanh, DN phải “làm thân” với cán bộ thú y mới có thể kịp tiến độ giao hàng, không thì phải chờ cả buổi mới được thông hàng. Do vậy, việc bãi bỏ thủ tục kiểm dịch là điều cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng không ít DN cho rằng, khi không còn kiểm dịch thì trứng gia cầm của các DN đầu tư bài bản, được xử lý qua công nghệ hiện đại sẽ đánh đồng với trứng bán xá ngoài thị trường. Bởi lẽ, tại thời điểm xảy ra dịch cúm gia cầm trên diện rộng, Nhà nước khuyến khích các DN đầu tư dây chuyền xử lý trứng gia cầm để cung cấp trứng sạch ra thị trường. Nhiều DN hưởng ứng, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để có thiết bị xử lý hiện đại, giờ bỏ kiểm dịch thì sản phẩm từ những trang trại nuôi gà đẻ trứng tự động, cho đến dây chuyền sạch này sẽ chẳng khác những sản phẩm của các cơ sở nhỏ, đầu tư sơ sài hoặc chỉ được xử lý thủ công.
Hơn nữa, thị trường đang tiến tới việc quản lý, phân phối mặt hàng này theo chuỗi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên nếu không còn giấy kiểm dịch mà đội ngũ quản lý thị trường không quản lý tốt sẽ chẳng còn DN nào hứng thú với việc đầu tư quản lý theo chuỗi. Nói cách khác, khi cơ quan thú y không còn vai trò giám sát quả trứng, sự kiểm soát chỉ còn lực lượng quản lý thị trường và cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc kinh doanh trứng gia cầm xem như sẽ trở về thời kỳ trước khi dịch cúm gia cầm bùng phát vào cuối năm 2003. Như vậy, Thông tư 25 không những không tạo sự tiến bộ mà còn bị thụt lùi so với thực tế.
Nói như bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, từ ngày Thông tư 25 có hiệu lực thì lượng trứng bán ra của công ty không giảm. Điều này đồng nghĩa, Công ty Ba Huân không lo việc cạnh tranh không lành mạnh với loại trứng bán xá, không qua xử lý. Nhưng điều khiến bà Huân lo ngại về lâu dài, quả trứng không qua xử lý sẽ mang lại nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh ở bên ngoài vỏ trứng. Thực tế khi trứng không qua xử lý thì vẫn chỉ là trứng nguyên liệu, chưa phải trứng thành phẩm.
Theo quan sát của chúng tôi, tại nhà máy xử lý và chế biến trứng của các công ty Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, khi trứng nguyên liệu được tập kết về nhà máy thì bên ngoài vỏ trứng bị dính khá nhiều tạp phẩm như lông, phân, thức ăn… Đây chính là mầm bệnh. Và khi trứng qua khâu xử lý, tức phải soi, rửa, chiếu xạ và diệt khuẩn, sấy khô, đóng gói… tính ra cũng tới gần 10 công đoạn khác nhau mới cho ra quả trứng sạch, trứng thành phẩm. Nói gì thì nói, với người tiêu dùng việc sử dụng quả trứng sạch vẫn yên tâm hơn là trứng bán xá ngoài thị trường!
Trở lại với Thông tư 25, ngay khi có hiệu lực vào ngày 15-8 vừa qua, thị trường trứng gia cầm tại TPHCM đã có sự khác biệt khá lớn về cách bán. Nếu trước đây, các điểm bán chủ yếu là phân phối các loại trứng được đóng vỉ thì nay là bán xá, không bao bì, nhãn mác. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cũng tăng lượng trứng đưa vào TPHCM nên điểm bán xá trở nên phổ biến hơn. Điều quan trọng, giá bán trứng gia cầm gần như không hạ xuống như nhiều thông tin cho rằng, nếu bỏ kiểm dịch thì giá trứng gia cầm sẽ giảm vì trong quá trình lưu thông đã trở nên thuận lợi hơn.
Với những gì đang diễn ra từ thực tế, chúng tôi cho rằng, với Thông tư 25, việc gia giảm bớt các thủ tục hành chính đối với quả trứng là chẳng đặng đừng. Vấn đề đặt ra là cần một biện pháp liên kết hiệu quả giữa các sở, ngành chức năng của TPHCM và các tỉnh, thành để quản lý hữu hiệu, trong đó việc kiểm tra, giám sát từ các trang trại, các hộ chăn nuôi (tức kiểm tra từ gốc) phải được triển khai nghiêm, chặt chẽ mới có thể tạo sự công bằng trong chăn nuôi. Bằng không, công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố và các DN đổ vốn, tâm huyết vào quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn sẽ bị “trôi sông”. Trong khi chờ đợi các chính sách hoàn thiện, tự thân người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như có cách đối xử văn minh với những sản phẩm sạch, bằng cách chỉ chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Đây cũng chính là cách để chúng ta hỗ trợ, nâng niu những sản phẩm an toàn ngày càng phát triển, còn với hàng hóa không rõ nguồn gốc sẽ phải co lại. “Khách hàng là thượng đế” là vậy!
THÚY HẢI