Giấy phép con vẫn nhiều quá!

(SGGPO).- Chiều 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Đại diện Bộ Công Thương tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã thống nhất hầu hết các vấn đề quan trọng nhất được báo cáo với UBTVQH.Nâng cao vị trí, vai trò của hiệp hội ngành hàng

(SGGPO).- Chiều 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Đại diện Bộ Công Thương tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã thống nhất hầu hết các vấn đề quan trọng nhất được báo cáo với UBTVQH.

Nâng cao vị trí, vai trò của hiệp hội ngành hàng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, một nội dung đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo luật là về vai trò của hiệp hội ngành hàng trong nhiều nội dung của dự thảo Luật như: trong điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và trong ứng phó các biện pháp phòng vệ của nước ngoài; tham gia các biện pháp phát triển ngoại thương; giải quyết tranh chấp các biện pháp quản lý ngoại thương của nước ngoài…

Trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương cũng đã được cụ thể hóa thêm theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương “chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về ngoại thương; quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương và làm rõ việc phân cấp cho chính quyền địa phương liên quan đến một số lĩnh vực như quy định về cơ chế điều hành hoạt động thương mại biên giới, về phát triển ngoại thương”.

Về thẩm quyền áp dụng tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo quy định giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu trong một số trường hợp; giao Chính phủ quy định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu , quy định “trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác” nhằm bảo đảm sự thống nhất với các luật khác có liên quan.

Trên cơ sở lấy ý kiến hoặc có ý kiến đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa và chịu trách nhiệm về quyết định của mình tại khoản 1 Điều 14 của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành quan điểm nêu trên.

Về quản lý hoạt động ngoại thương đối với các nước có chung đường biên giới dự thảo đã bổ sung quy định UBND tỉnh biên giới quyết định, công bố danh mục các cửa khẩu, địa điểm khác là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính có thể áp dụng biện pháp ưu tiên xuất khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa nhằm giải quyết trường hợp hàng hóa bị ách tắc tại cửa khẩu…

Doanh nghiệp kêu giấy phép “con” nhiều quá

Phản ánh lời phàn nàn của doanh nghiệp về việc vẫn còn quá nhiều loại giấy phép con; việc kiểm tra hàng hóa cũng phức tạp, chi phí lớn, nhất là chi phí không chính thức đang làm biến dạng môi trường kinh doanh…, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt đề nghị rà soát giảm bớt giấy phép, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hạn chế “xin - cho”…

Theo ông Vũ Hồng Thanh, dự thảo Luật đã quy định giao Chính phủ quy định cụ thể các thủ tục hành chính. “Tại Điều 29 của dự thảo Luật đã nêu rõ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có thể được quản lý theo giấy phép hoặc theo điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu, nhập khẩu mà không kèm theo yêu cầu về cấp giấy phép. Về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, Điều 30 của dự thảo Luật đã nêu rõ nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước, của thương nhân và phải tuân thủ hình thức, trình tự, thủ tục và thời hạn cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo Quy chế của Thủ tướng Chính phủ ban hành”, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế giải thích rõ.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục