1 giờ 30 chiều ngày 18-1, đại giảng đường A - Trường Đại học Y Dược TPHCM (ĐH Y Dược) đông hơn thường lệ. Bên cạnh những sinh viên y khoa, thầy cô giáo còn có cả những thân nhân và người tình nguyện hiến thi thể. Tất cả đều hướng lên bàn thờ lớn đặt trang trọng giữa giảng đường. Không khí đông đúc nhưng tĩnh lặng, đâu đó vang lên vài đoạn kinh ngắn rồi chìm vào làn khói hương mờ ảo. Cách đó không xa lắm, những thi hài được phủ kín bằng tấm vải trắng, xếp ngay ngắn trong dãy phòng thực tập giải phẫu. Sự hiện diện của họ tại đây mang một ý nghĩa khác…
Từ những lá thư đặc biệt
Có mặt tại buổi lễ tri ân những người hiến xác cho y học - Macchabée năm 2012 từ khá sớm, cụ Lê Thị Hoàng Oanh (66 tuổi) cùng em chồng của mình lần giở từng tấm ảnh kỷ niệm về chồng (cụ Hoàng Văn Nhân). Cụ cho biết mình là người Campuchia, năm 18 tuổi đi theo cách mạng. Sau giải phóng, được điều về công tác tại bộ phận văn thư, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Văn phòng phía Nam. “Chứng kiến người bạn thân mất trong một vụ tai nạn, chúng tôi về nhà và suy nghĩ rất nhiều về sự sống - cái chết. Trải qua cuộc chiến tranh gian khổ, qua làn bom B52 của kẻ thù mà vẫn sống được. Vậy tại sao giờ không chọn cái chết thật sự có ý nghĩa? Thế là vợ chồng tôi đã tình nguyện viết thư xin hiến xác mình cho y học”, cụ Oanh nhớ lại. Và cách đây chừng 2 năm, chồng bà qua đời, thi hài của ông được Đại học Y Dược TP giữ lại như mong muốn để phục vụ công tác giáo dục.
Đứng lặng lẽ ở một góc phòng từ khá lâu, đưa mắt nhìn kỹ từng khuôn mặt những thi hài đã sẫm màu nằm trên giá đỡ, anh Trần Quốc Huy (25 tuổi) bùi ngùi xúc động: “Đã 2 năm nay tôi luôn có mặt tại buổi lễ này, thắp nén nhang tri ân những hy sinh thầm lặng của họ. Dù biết rằng vài năm nữa tôi cũng sẽ trở thành một phần trong số người vinh dự được nằm tại đây, hiến thể xác mình cho nền khoa học nước nhà”.
Không rủ mà đến, không hẹn mà gặp, những con người có cùng lý tưởng sống, cùng một mục đích cao cả có mặt tại buổi lễ. Mỗi người một tâm trạng, nhưng có lẽ, để vượt qua văn hóa về sự toàn vẹn của thể xác không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong đó, có cả sự phản đối của con cháu và những lời thị phi của một số người trong xã hội.
Chuyện những người giữ xác
Từ phòng thực tập giải phẫu, đi dọc theo lối hành lang chừng 30m, được trang trí đầy hoa và hạt giấy, chúng tôi đến phòng bảo quản thi hài. Tại đây, đang lưu giữ những thi hài còn nguyên vẹn. Mệt nhoài với các công tác chuẩn bị buổi lễ từ gần một tuần nay, anh Đỗ Thành Nhân, đội trưởng đội tiếp nhận thi hài vui vẻ hướng dẫn các thân nhân tìm đúng vị trí thi hài người thân của mình. Xét về thâm niên ở đây, anh Nhân không phải người lâu năm nhất dù anh đã gắn bó với nghề gần 15 năm. Anh cho biết: “Ông tôi, cha tôi đã làm công việc này từ nhiều năm trước. Và tôi cũng tiếp nối cái nghề của gia đình. Do đặc thù công việc thường xuyên phải tiếp xúc với thi hài nên muốn tìm người theo việc không dễ. Có lẽ vì thế nên trong số 8 thành viên của đội, hết 7 thành viên là anh em trong gia đình”.
Anh kể: Thi hài sau khi nhận về, được tắm rửa sạch sẽ, tiêm formone, đồng thời ướp trong bồn dung dịch formone pha loãng. Điều này giúp xác mềm mại, vừa chống phân hủy. Xác được bảo quản chừng 2 năm có thể phục vụ giảng dạy. Tuy nhiên, đối với những xác tươi, phải xử lý trước 8 tiếng và đưa vào tủ đông âm 30°C. Khi sử dụng phải rã đông hết sức phức tạp. Vì thế, nhiều hôm đội phải ở lại làm việc, ngủ qua đêm tại phòng. Còn với những trường hợp ở các tỉnh xa như Cà Mau, Bạc Liêu, Ninh Thuận… đội của anh gần như phải chạy đua với thời gian để không phụ lòng người hiến tặng.
Công việc áp lực thế, nhưng anh cho biết ngoài mức lương theo quy định chỉ được trợ cấp độc hại 10.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, nhờ yêu nghề, tự hào về công việc đang làm, anh và các thành viên trong đội ngày ngày vẫn tiếp tục công việc. Chưa kể, đứa con trai của anh vừa xuất ngũ trở về cũng theo anh vào làm chung trong đội.
Tri ân và trăn trở
Theo BS Phan Bảo Khánh, Phó Trưởng khoa Y, những thi hài ở đây được tập thể sinh viên, thầy thuốc, cán bộ nhà trường kính trọng và yêu mến như báu vật. Dù họ im lặng nằm đó, nhưng đã dạy cho sinh viên nắm vững giải phẫu, để trở thành thầy thuốc có kiến thức và vững tay nghề. Họ chính là những người “Thầy im lặng”. Trên thế giới, lễ Macchabée đã được coi là ngày gắn liền với những người học tập và công tác trong lĩnh vực y khoa. Từ 1990, với sự khởi xướng của cố GS Chủ nhiệm bộ môn giải phẫu Nguyễn Quang Quyền, lễ Macchabée đã được tổ chức đều đặn hàng năm nhằm tri ân những nghĩa cử cao đẹp của người hiến thi thể, vừa giáo dục ý thức cho các sinh viên.
Và cũng từ đó, trước ngày lễ Macchabée mỗi năm, toàn thể sinh viên dồn hết tâm sức cho công tác chuẩn bị. “Giữa sách vở và cấu tạo mô, xương, thần kinh… của con người thực tế vẫn có chênh lệch nhất định. Và có những điều sách vở không thể nào dạy hết được. Nếu không có họ, tụi em sẽ không thể trở thành những y, bác sĩ giỏi tay nghề. Những việc làm nhỏ bé của tụi em hôm nay chỉ mong đáp lại một phần những đóng góp của người hiến xác”, bạn Phạm Thị Ngọc Tiên, sinh viên năm nhất Khoa Y, tâm sự.
Còn PGS-BS Lê Văn Cường, Trưởng bộ môn giải phẫu trăn trở, đến nay, người hiến xác vẫn chưa được hỗ trợ bất kỳ quyền lợi tài chính, vật chất cụ thể nào. Trăn trở nhiều nhưng không biết xoay xở nguồn kinh phí từ đâu. Nhà nước chưa quy định, nhà trường cũng không có đủ. Vì thế, vào những dịp lễ tri ân này, mỗi sinh viên, thầy thuốc chỉ có thể nghiêng mình biết ơn những nghĩa cử đó. Nhờ họ mà những mầm sống khác lại tiếp tục được gieo.
| |
Tường Hân