Gió tiếp tục đổi chiều trên Biển Đen

Ngày 10-10, Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông Bidzina Ivanishvili lãnh đạo đảng đối lập “Giấc mơ Gruzia” sau khi đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội nước này để bàn việc chuyển giao quyền hành pháp trong chính phủ. Đây là cuộc làm việc chính thức đầu tiên giữa hai người đối đầu trong thời gian vận động tranh cử quốc hội.

Có thể Tổng thống Saakashvili-một luật sư học từ Mỹ về  không thể tưởng tượng được ngày này, khi một nhân vật thẳng thừng tuyên bố nếu thắng cử sẽ không chỉ  bình thường hóa mà còn thiết lập mối quan hệ đặc biệt với Nga, sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ của mình. Tại Mỹ, quốc gia ủng hộ hết mình cho cuộc cách mạng Hoa hồng lật đổ Tổng thống Shevarnadze và tất cả những gì còn “vương vấn” với Liên Xô và nước Nga, có lẽ nhiều người cũng không khỏi lo lắng.

Đây là “đòn ngã ngựa” thứ hai của các lực lượng thân Mỹ trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng với Nga trong khu vực các nước thuộc Liên Xô cũ. Những năm đầu thế kỷ 21, dư luận thế giới chứng kiến những cuộc cách mạng lật đổ các nhà lãnh đạo thân Nga hay còn “gốc gác” từ Liên Xô ở Gruzia, Ukraine và còn dự báo những quân cờ domino tiếp theo. Sau đó là những tuyên bố, những chính sách đoạn tuyệt với người từng là anh em trong Liên bang Xô Viết.

Đối với Mỹ, giành được ảnh hưởng trong vùng Biển Đen, mà các triều đại Sa Hoàng của Nga từ Peter Đại đế đã từng đổ xương máu mới mở được đường ra vùng biển chiến lược này, quả là thắng lợi không nhỏ. Chưa đầy 10 năm sau, tại Ukraine ông Victor Yanukovich thân Nga đã vượt qua các lực lượng cách mạng Cam để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Chiến thắng của ông Ivanishvili và đảng Giấc mơ Gruzia cũng tiếp tục làn gió đang đổi chiều trong vùng Biển Đen-bình thường hóa quan hệ với người láng giềng Nga.

Tedo Japaridze, cố vấn của Ivanishvili nhận định thất bại của ông Saakashvili bắt nguồn từ việc ông áp dụng nguyên mẫu mô hình dân chủ mà cựu Tổng thống Mỹ  G.W.Bush đã giới thiệu trong chuyến thăm Gruzia năm 2005.  Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Washington đang “chờ xem” những diễn biến tiếp theo ở Gruzia và đất nước này vẫn còn nhiều điều cần làm để tiến tới một nền dân chủ. Nước Mỹ, đất nước thường lấy  tiêu chí mà họ gọi là dân chủ để đánh giá đối tác, không chấp nhận thực tế là nền dân chủ kiểu Mỹ mà ông Saakashvili đang rập khuôn ở Gruzia đang thất bại.

Theo các chuyên gia phân tích, ông Ivanishvili có vẻ nhận thức được việc đoạn tuyệt với nước Nga giúp Gruzia có thêm một số đồng minh, trong đó có Mỹ, nhưng đó là thảm họa của Gruzia. Gruzia, từng mấy mươi năm kề vai sát cánh với Nga trong Liên bang Xô Viết cũng thấm câu ngạn ngữ Nga: một người bạn cũ tốt hơn hai người bạn mới.

Tuy vậy, Ivanishvili dường như cũng không muốn đối đầu với phương Tây khi ông nói muốn Gruzia phải là chiếc cầu nối chứ không phải là “Bức tường Berlin” giữa Nga và phương Tây như Tổng thống Gruzia Saakashvili từng gọi.

Dù Ivanishvili vẫn còn là con số bí ẩn đối với dư luận thế giới, nhưng nhận thức của ông có vẻ phù hợp với xu thế của thời đại mới: hợp tác thay đối đầu. Và trên hết đó là vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự thịnh vượng của đất nước, chứ không phải vì những cái nhìn thiển cận hay thế giới quan cực đoan. Bằng chứng về sự thất bại của đảng cầm quyền thân Mỹ tại Gruzia cũng cho thấy người dân Gruzia đang thực sự muốn thay đổi như nhận định của Thủ tướng Nga Medvedev.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục