Câu ca dao cổ nhất của dân tộc Việt viết vào thời chưa có chữ viết, chỉ truyền miệng vào thời Hùng Vương hay sau đó vào ngày giỗ các vua Hùng: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan trong bài khảo cứu mở đầu tập sưu tầm Ca dao và tục ngữ cũng đại ý, câu ca dao có cùng lúc những ngày đầu dân tộc cày ruộng, đắp đê, đánh giặc, giữ nước.
Sách sưu tầm về Phong tục lễ hội xưa của Sở Văn hóa Phú Thọ ghi rõ, ngày lễ Thánh Gióng, ngày lễ thần Tản, cờ xanh đỏ, cờ đuôi nheo, cờ vuông bay, cờ giải thả, hình dài như mây, bóng rợp như khói, đỏ đồng, đỏ núi, xanh sông, xanh đồi. Và trống lớn bằng chiếc nong trang lúa, trống nhỏ bằng nồi ba nồi bảy nấu bánh chưng bánh giầy. Khi gióng lên vang bốn phương trời, khi lặng xuống như sấm rền Âu Lạc. Đó cũng là ngày cờ gọi, trống gọi trong ngày giỗ Tổ từ ngày đầu trên đất Phong Châu nhắc dân tộc nhớ về ngày dựng nước giữ nước.
Ngày nay về dự lễ hội giỗ Tổ, 4.000 năm vẫn là núi sông, trời đất, hòa khí 4 mùa, vượng khí anh linh của ngày giỗ Tổ. Trong thời đại Hồ Chí Minh, câu thơ của Tố Hữu viết trong ngày giỗ Tổ mùa xuân năm 1968 giữa những ngày đánh Mỹ, ta vẫn thấy rõ của sức sống “Bốn nghìn năm ta lại là ta”. Trên ý nghĩa nhắc nhớ lịch sử, nhắc nhớ nước non, năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên đường từ Việt Bắc về Thủ đô, Bác Hồ dừng lại trước đền Hùng. Lên đỉnh ngồi bên thềm đá 220 bậc, Bác thanh thản, hiền dịu nói với anh em chiến sĩ: “Ngày xưa vua Hùng ta có công dựng nước, nay Bác cháu ta phải ra công giữ nước”.
Cũng vào những ngày đầu hoạt động cách mạng thời bí mật ở Cao Bằng năm 1942, Bác sáng tác bài diễn ca dài Lịch sử nước ta, theo thể lục bát gồm 210 câu in thành sách phát xuống cơ sở. Nội dung chủ yếu ca ngợi những trang sử vẻ vang của dân tộc với một giá trị đặc biệt quan điểm khoa học lịch sử về thời vua Hùng nằm trong tiến trình dài 4.000 năm dựng nước, giữ nước: Hồng Bàng là Tổ nước ta/Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang/Thiếu niên ta rất vẻ vang/Trẻ con Phù Đổng tiếng ran muôn đời/Tuổi tuy chưa đến chín mười/Ra tay cứu nước diệt loài vô lương/An Dương Vương thế Hùng Vương/Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.
Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là ngày tưởng niệm công lao các tướng quân đánh giặc ngoại xâm, đánh giặc thiên nhiên để giữ nước trong thời đại các vua Hùng. Sử sách còn ghi dù có ai cho đó là huyền thoại, hay truyền thuyết, nhưng hương khói, đền thờ, tên đất, tên làng, tên người, tên cây cỏ vẫn cứ là rờ rỡ lịch sử của một dân tộc. Cây tre Gióng, quả cà Gióng, chiếc nôi Gióng, ngựa sắt Gióng, cái làng Gióng, bà mẹ Gióng, cậu bé Gióng, đức Thánh Gióng, đấy chẳng lẽ không là máu thịt, không là tổ tiên của dân tộc. Trên ý nghĩa thiêng liêng đó, nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm 1968, nhà thơ Huy Cận viết trường ca Phù Đổng Thiên Vương nhớ về công đức người anh hùng giết giặc cứu nước: Kiếm vung lòe chớp sấm/Sáng trong tay tướng thần/Một nước phi ba dặm/Chém tơi bời giặc Ân.
Thơ viết về ngày giỗ Tổ là viết về hồn vía, oai linh của ngày xưa, nhưng tinh thần, khí phách và lý tưởng lại là người ngày nay, là bản sắc dân tộc Việt. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp với truyện thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh viết trong ngày giỗ Tổ tháng 3-1935. Nhà thơ tìm về tổ tiên thời Hùng Vương đánh thủy quái vừa vẽ nên bức tranh xưa Tổ quốc oai hùng: Đạp long đất núi, gầm xông xáo/Máu giọt phì reo muôn ngấn hồng/Mây đen hăm hở bay mù mịt/Sấm tan, sét vỡ nổ lòe xanh.
Từ trong thơ ca dân tộc ta nghe hồn giỗ Tổ suốt 4.000 năm qua. Đó là hồn thơ sâu nặng của ca dao. Tư tưởng thơ sâu sắc của Bác Hồ. Tứ thơ sắc sảo của Huy Cận. Ý vị đằm thắm mang đầy phong vị thơ Việt Nam của Nguyễn Nhược Pháp về ngày giỗ Tổ các vua Hùng.
TRÚC CHI