Giáo sư người Pháp Alain Ruscio (ảnh) là một trong những nhà sử học rất quan tâm và đi sâu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, về các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Ông đã viết nhiều sách, không chỉ về lịch sử Việt Nam mà còn về thời thuộc địa của một số nước ở châu Phi. Đến nay, ông đã viết trên 15 cuốn sách về chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương và ở Việt Nam, trong đó có 2 cuốn về Điện Biên Phủ. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết mới nhất của ông về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ như lòng chảo ảm đạm. Trong trí tưởng tượng của nhiều người Pháp, thất bại ở miền Bắc Việt Nam gợi nhớ về thất bại ở Alésia, Bouvines hay Waterloo. Cùng với nó, hơn thế, là mặc cảm tội lỗi: Chết tiệt, quân đội Pháp đã nhúng mũi vào chuyện ở tận đầu kia thế giới để làm cái gì?
Năm 1953, chiến tranh Đông Dương đã kéo dài được 7 năm. Lực lượng viễn chinh Pháp đang dần sa lầy. Đối thủ của họ, quân đội nhân dân, mà người Pháp thường gọi là Việt Minh, từ thế khó khăn ban đầu đã dần lấy lại thế chủ động trên tất cả các mặt trận. Tháng 5, chính phủ Pháp chỉ định một Tổng chỉ huy mới- người thứ 7? Hay 8? Người ta chẳng còn đếm nổi nữa - một người đàn ông tài giỏi, Tướng Navarre.
Cũng chính vị tướng này quyết định đảo ngược tình thế bởi một ý tưởng táo bạo. Đó là để quân Pháp chiếm lại trận địa. Và nó diễn ra ở Điện Biên Phủ. Trước khi hàng ngàn quân viễn chinh nhảy dù ngày 21-11-1953, chỉ có các chuyên gia ở Đông Dương mới biết về ngôi làng của người Thái ở phía Bắc Việt Nam này.
Tham vọng của Tổng chỉ huy rất đơn giản: “chặn đường” Lào và “chọc thủng” Việt Minh. Lúc đó, ông ta đã lập nên một mặt trận thật ấn tượng, không nghi ngờ gì, đó là mặt trận mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ II, dựa vào các điểm thành trì được đặt theo những cái tên đầy nữ tính như Anne-Marie, Béatrice, Dominique… Tập trung về đó là những binh sĩ Pháp tinh nhuệ nhất ở Đông Dương, trong đó có trung tá Bigeard nổi tiếng. Chiến trường do đại tá Castries chỉ huy, sau này được phong tướng trong trận đánh.
Ngày nay, người ta chỉ trích ý tưởng này mà quên đi rằng phần lớn giới quân sự và chính khách Pháp đã thông qua nó. “Chỉ huy Pháp chắc chắn sẽ khiến quân Việt Minh thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ. Chúng ta chờ đợi cuộc chiến khó khăn và lâu dài. Chúng ta sẽ chiến thắng”- Tướng Cogny, phó của Navarre tuyên bố (báo Le Figaro, ngày 13-1-1954).
Nhưng, đối mặt với quân đội Pháp lại có những người đặc biệt Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Người từ tốn, người quyết liệt. Trên tất cả, có sự thống nhất của cả dân tộc, vì nền độc lập.
Và đó là quân đội thực sự. Không còn là những đôi chân trần như thời kỳ đầu cuộc chiến mà là những người lính dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo, được trang bị. Quân đội Pháp lúc đó do Mỹ trang bị tới 75%.
Cuộc chiến thực sự chỉ bắt đầu vào tháng 3-1954. Navarre đã chọn địa điểm, nhưng Tướng Giáp đã chọn thời khắc. Navarre đã dựng lên trận chiến ngay giữa lòng chảo, Tướng Giáp đã quét sạch quân của ông ta ra rìa. Thắng lợi một cách chính đáng.
Việt Minh đã gây kinh ngạc ngay từ đợt tấn công đầu tiên. Hai thành trì nổi tiếng bất khả xâm phạm đã nhanh chóng thất thủ. Sau đó, chiến lược dội bom cũng trở nên vô dụng. Từ cái bẫy tưởng như dành cho Việt Minh, lòng chảo mỗi ngày hóa thành cái bẫy dành cho người Pháp.
Và nó đã diễn ra, ngày 7-5. Đây là cuộc điện đàm giữa Tướng Cogny ở Hà Nội và Tướng de Castries ở Điện Biên Phủ:
- Thưa ngài, tình hình rất nguy cấp, chiến sự ngổn ngang khắp nơi. Tôi có cảm giác đang tới hồi kết. Chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng.
- Hiểu rồi, các ông sẽ chiến đấu tới phút cuối, không có chuyện vẫy cờ trắng đầu hàng phải không?
- Không, chúng tôi sẽ phá hủy pháo, các trang thiết bị và trạm phát thanh. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Tạm biệt, thưa ngài. Nước Pháp muôn năm!”
Nhưng cảm xúc không ngăn nổi lý trí. Cuộc chiến này vì ai, vì cái gì, kể cả trận đánh cuối này nữa?
Sự thật là quân đội Pháp chưa bao giờ làm chủ được cuộc đối đầu ở Đông Dương cũng như cuộc chiến ở đó. Quan điểm đưa ra đã bị lên án quyết liệt. Các chính phủ sau đó, của MPR, đảng trung dung, đảng Xã hội đã không biết, không muốn hay không thể khoác cho cuộc chiến này một tầm vóc quốc gia.
Các chiến binh của Điện Biên Phủ đã qua đời hoặc chấn thương tâm lý vì các chính trị gia không hiểu rằng kỷ nguyên phi thuộc địa đã bắt đầu, không hiểu rằng tinh thần dân tộc của Việt Nam đã là của tất cả nhân dân bị đô hộ, trở thành một lực lượng bất bại mà không quân đội nào có thể phá vỡ.
Họ, các nước thuộc địa, đã không lầm. Bằng chứng là ở Alger, Rabat, AOF và AEF (các nước Đông, Tây Phi thuộc Pháp), trong các khu dân cư, niềm vui vỡ òa. Tại Hội nghị Bandoeng năm 1955, lãnh đạo phái đoàn Việt Nam được tiếp đón như những người hùng. Sau này, Ferhat Abbas, người trở thành lãnh tụ đầu tiên của Nhà nước Algeria độc lập, đã có những lời xác đáng: “Trận chiến này là một biểu tượng. Là trận “Valmy” (trận đánh mang lại chiến thắng quyết định đầu tiên của quân đội Pháp trong cuộc chiến tranh cách mạng Pháp năm 1792-ND) của các dân tộc thuộc địa. Là lời khẳng định của người châu Á và châu Phi dành cho người châu Âu (Ferhat Abbas, Đêm thực dân, 1962).
Trước đó, một chính trị gia Pháp cũng đã viết một cuốn sách đề cập đến trận chiến ở Bắc bộ. Ông ta đã tìm thấy một công thức: “Sức mạnh chính trị đã đạt tới giới hạn ở Đông Dương: Giới hạn này có tên Điện Biên Phủ”. Ông chính là Francois Mitterrand, cựu Tổng thống Pháp (Sự hiện diện của Pháp và từ bỏ, 1957).
LÊ VÂN (dịch)
| |