Giới trẻ và vòng xoáy tiêu dùng

Trẻ em Anh bấy lâu nay phải đối diện với vòng tròn khép kín, cản trở sự giao tiếp cần thiết để phát triển bình thường. Chúng bị động đón nhận những món quà hàng hiệu đắt tiền từ bố mẹ, những người luôn bị xoáy vào guồng quay của công việc.

Họ nghĩ rằng những món quà sẽ bù đắp được thời gian phải dành ra để chăm sóc, chuyện trò với con cái mình. Hậu quả là, trẻ em của quốc gia phát triển, giàu thứ năm trên thế giới như Anh trở thành những đứa trẻ kém hạnh phúc nhất trong thế giới công nghiệp hóa ngày nay.

Rồi chính những đứa trẻ này lại tiếp tục chuỗi mua sắm hàng hiệu một cách không kiểm soát, từ thói quen hưởng thụ và tiêu dùng. Báo cáo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố ngày 14-9 đã nhấn mạnh mối lo ngại chủ nghĩa tiêu dùng, đi cùng chủ nghĩa cá nhân, thái độ vô trách nhiệm đang đẩy xã hội xa rời mục tiêu phát triển bền vững.

Tiến sĩ Agnes Nairn, người chuyên thực hiện các nghiên cứu khoa học về tâm lý trẻ em, tác giả của báo cáo trên, nói rằng: “Phụ huynh không có cách nào khác để thể hiện sự quan tâm cho con mình. Họ chẳng còn thiết tha chơi đùa, thậm chí nói chuyện với con sau một ngày rã rời với công việc”.

Nghiên cứu được thực hiện đồng loạt với 250 trẻ ở Anh, Thụy Điển và Tây Ban Nha. Khi được hỏi điều gì khiến chúng hạnh phúc nhất, trẻ em Thụy Điển và Tây Ban Nha có cùng câu trả lời: Đó là thời gian ở bên bố mẹ và có nhiều hoạt động vui chơi ngoài trời. Ở hai nước này, việc trẻ em bị ngợp trong hàng đống đồ chơi nhưng thiếu sự quan tâm của cha mẹ.

Báo cáo của TS Agnes Nairn đã chỉ trích việc phụ huynh ở Anh xem những chiếc tivi là “người nuôi dạy trẻ” và để cho con của họ chơi điện tử trong hàng giờ đồng hồ liền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh tự kỷ của trẻ. Căn bệnh mà nhiều người gán cho cái tên “bệnh của trẻ nhà giàu”. Các em thay vì nhận được sự chăm sóc, tiếp xúc, hỏi han thường xuyên của cha mẹ thì phải đối diện với món đồ chơi vô tri.

UNICEF gần đây liên tục có những báo cáo tương tự. Khảo sát trước đó được UNICEF thực hiện tại 21 quốc gia phát triển, trong đó có Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu khác. Kết quả cho thấy, hơn 1/5 người trẻ ở Anh tự nhận rằng có đời sống tinh thần vô vị và tẻ nhạt. Anh xếp vị trí thứ hai khi xét về tỷ lệ trẻ em lén tìm đến ma túy, rượu bia và tình dục khi chúng cô độc.

Còn nhớ, bạo loạn chưa từng có xảy ra ở Anh hồi đầu tháng 8 được nhiều nhà xã hội học ở Anh giải thích có nguyên nhân sâu xa là vì người trẻ ở Anh bị nhấn chìm trong vòng xoáy chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa cá nhân. Họ thấy mình vô dụng, muốn khẳng định bản thân, phá vỡ cuộc sống khép kín vì thiếu sự giao tiếp trong một thời gian dài.

Muộn còn hơn không, sau khi báo cáo được công bố, UNICEF đã chính thức yêu cầu Chính phủ Anh nhanh chóng triển khai việc cấm các chương trình quảng cáo, đặc biệt các quảng cáo hàng xa xỉ trên truyền hình nhắm vào đối tượng trẻ dưới 12 tuổi. Song song đó là khuyến khích phụ huynh bớt giờ làm việc, dành thời gian ở nhà nhiều hơn.

Tờ Daily Mail trích lời Bộ trưởng phụ trách trẻ em của Anh Sarah Teather cho rằng: “Chúng tôi hiểu rằng, một gia đình bền vững là nền tảng để xã hội phát triển. Vì thế, chúng tôi đang đảm nhiệm nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ các kế hoạch để giúp các bậc phụ huynh cân bằng giữa công việc và gia đình”. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục