![Giọt nước mắt hạnh phúc trên đất mẹ](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2024/nkdkswkqoc/original/2016/11/images679755_4a.jpg.webp)
Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi của cuộc gặp gỡ tình cờ, nghệ sĩ người Pháp gốc Việt khiến chúng tôi ngạc nhiên khi anh bật khóc rồi lại phải cố để kìm nén những cảm xúc của mình. Đó là giọt nước mắt nhớ về người cha quá cố của một đứa con xa xứ, nay có dịp trở về với đất mẹ, dù bây giờ anh chỉ bập bẹ nói được tiếng Việt.
Từng “ngại” phản ứng của khán giả
Cuộc gặp gỡ với Vinh Phạm (nghệ sĩ violin người Pháp gốc Việt) đến rất bất ngờ thông qua sự giới thiệu của TS Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM. Bà cũng là người tình nguyện làm phiên dịch cho chúng tôi, phần vì Vinh Phạm nói không rành tiếng Việt nhưng quan trọng hơn, cả hai đã có mối thân tình từ rất lâu.
![](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2024/nkdkswkqoc/original/2016/11/images679755_4a.jpg.webp)
Vinh Phạm trình diễn trên sân khấu. Ảnh: NVCC
Đây không phải lần đầu tiên Vinh Phạm về nước. 9 năm trước (2007), trong một chuyến du lịch, anh đã đến Việt Nam - mảnh đất mà anh mang trong mình dòng máu mẹ cha cho. Tháng 5 vừa rồi, anh cũng về nước biểu diễn theo lời mời của Nhạc viện TPHCM, nhưng lần này là đặc biệt hơn cả. Buổi biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng do nhạc trưởng người Pháp Laurent Boer chỉ huy vào những ngày cuối tháng 10 đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong công chúng mộ điệu âm nhạc hàn lâm và chạm đến trái tim của khán giả thông qua ngôn ngữ âm nhạc, đỉnh cao mà rất dung dị. “Đó là lần đầu tiên tôi trở thành nghệ sĩ solo được chơi với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cho khán giả Việt Nam. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ để xúc động rồi”, anh mở đầu câu chuyện và hào hứng nói về đêm diễn.
Vinh thú thật, trước khi biểu diễn tại Việt Nam anh từng nghe khá nhiều lời “cảnh báo”: khán giả châu Á ít vỗ tay vì họ không hiểu hết được âm nhạc, lại thêm việc hay quay phim, chụp hình khi nghệ sĩ trình diễn nên dễ bị phân tán. Anh nhớ lại cảm xúc của đêm diễn vẫn còn vẹn nguyên: “Tôi chưa bao giờ chọn khán giả cho mình. Dù biểu diễn cho một người, trình độ âm nhạc của họ ở mức nào, tôi vẫn luôn hết mình. Lần biểu diễn này tôi rất bất ngờ vì tất thảy mọi người đều quá tập trung, khán phòng dường như không có tiếng động mà chỉ có âm nhạc vang lên. Khi khán giả vỗ tay nhiều quá, tôi thậm chí không biết phải làm gì, có nên chơi nữa hay không”.
Nhớ về cha
Vinh Phạm sinh ra trong gia đình 4 anh em đều theo nghệ thuật, trong đó 2 người chơi violin, 1 người chơi piano và người còn lại chơi violincent. Tại Pháp, gia đình anh nổi tiếng là “tứ tấu Phạm Gia”, được mời trình diễn tại nhiều sự kiện lớn. Dù bố mẹ đều là người Việt, gốc Bắc, nhưng do được sinh ra và lớn lên tại Pháp, ít có cơ hội được nói tiếng Việt nên khả năng giao tiếp của anh rất hạn chế. Với anh, không nói được tiếng Việt là “buồn lắm, bực mình lắm. Tại Việt Nam, mình là người Việt mà chỉ nói được tiếng Pháp, nên cũng không thoải mái”.
Cũng vì lý do rất đặc biệt “ngại nói tiếng Pháp, sợ nói tiếng Việt” đó mà anh quyết định chọn âm nhạc là ngôn ngữ để giao tiếp. Âm nhạc đã chắp cánh cho niềm hạnh phúc đó của anh. Anh kết hôn với cô vợ người Ý, có con gái đã 3 tuổi, mẹ anh đang cố gắng để dạy cháu nội mình những mặt chữ tiếng Việt đầu tiên. Lần trở về này càng tiếp thêm cho anh động lực sẽ học và nói tiếng Việt nhiều hơn, vì nó là dòng máu đang chảy trong huyết quản mình.
Trong cuộc trò chuyện, Vinh nhắc nhiều đến gia đình. Anh đã bật khóc nức nở bởi ngày 4-11 cũng là kỷ niệm ngày mất của bố anh. Anh xin lỗi chúng tôi nhưng thừa nhận, mỗi lần nhắc về cha, anh thường không giấu được cảm xúc của mình. Ngay sau chuyến trở về Việt Nam, anh sẽ quay lại Pháp để tổ chức đêm nhạc đặc biệt tưởng nhớ bố. Với anh, bố mẹ đã cho mình tình cảm với quê hương và giúp anh nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê với âm nhạc.
Trở về Pháp cùng đôi guốc mộc
Nếu gặp gỡ ngoài đời, ít ai nghĩ Vinh Phạm lại là một nghệ sĩ nổi tiếng từng giành vô số giải thưởng tại các cuộc thi violin và nhạc thính phòng quốc tế từ năm 15 tuổi. Chúng tôi càng bất ngờ hơn, khi trong cuộc gặp anh hào hứng khoe mới được TS Bạch Vân mua tặng đôi guốc mộc. Anh đeo nó với niềm hãnh diện vì thích và cảm thấy rất thoải mái. Guốc mộc cũng là món quà anh mua về tặng vợ cùng với chiếc áo dài dành cho cô con gái nhỏ. Với anh, đó chính là hồn cốt Việt Nam, dung dị, nhưng với những người con xa xứ, điều đó ý nghĩa xiết bao.
Lần trở lại Việt Nam này với Vinh Phạm còn nhiều điều đặc biệt xen lẫn cả những tiếc nuối. Dồn gần như toàn bộ thời gian cho luyện tập, anh chỉ có những phút ít ỏi dạo phố Sài Gòn. Chuyến đi Long Hải cùng bạn bè, đồng nghiệp, được ăn cơm với cá, rau mang đến cho anh những kỷ niệm khó quên. Anh luyến tiếc khi phải lỡ hẹn xem múa rối nước tại Cung Văn hóa Lao động và còn biết bao dự định muốn làm ở TPHCM vẫn còn dang dở…
Một tiết lộ của anh khiến chúng tôi rất bất ngờ, dù ở nước ngoài nhưng anh biết không ít về âm nhạc Việt. Anh tự bắt nhịp cho mình một vài bài đồng dao quen thuộc hay cả những ca khúc nhạc đỏ dù chưa thuộc hay hiểu hết lời bài hát. Những ca khúc nhạc Việt cũng được anh lựa chọn biểu diễn trong những lần gặp gỡ kiều bào. Đặc biệt, trong những lần biểu diễn tại các quốc gia trên thế giới, trong phần ngẫu hứng với khán giả, anh luôn chọn nhạc Việt, trong đó có những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh còn một ấp ủ dù biết rất khó để trở thành hiện thực, đó là một ngày âm nhạc của “tứ tấu Phạm Gia” sẽ cùng vang lên trên chính mảnh đất máu thịt này.
VĂN TUẤN