Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa điều chỉnh giá sàn xuất khẩu theo hướng tăng lên, song giá lúa ở ĐBSCL tiếp tục giảm xuống dưới mức 5.000 đồng/kg. Dù trúng mùa, nông dân không khỏi lo lắng, nhiều địa phương nhốn nháo kiến nghị các giải pháp giữ giá lúa.
Hai lần điều chỉnh giá khó hiểu của VFA
Dọc theo quốc lộ 61 từ Cần Thơ về Hậu Giang, cảnh nông dân phơi lúa đông-xuân ngoài lộ lại tái diễn. Theo nhiều nông dân, hiện các lò sấy lúa đã quá tải, họ phải phơi lúa ngoài lộ để chờ bán. Lão nông Út Thanh ở huyện Phụng Hiệp cho biết: Vừa thu hoạch 5 công lúa IR 50404 từ máy gặt đập liên hợp bán với giá 4.700 đồng/kg. Nếu lúa thu hoạch bằng tay bán chỉ 4.600 đồng/kg. Nguyên nhân do lúa thu hoạch bằng tay không sạch bằng máy. Mức giá này, giảm gần 300 đồng/kg so với tuần rồi và giảm khoảng 500 đồng/kg so với cách đây 2 tuần. Giá lúa đang giảm, nông dân lại gánh thêm chi phí do mưa trái mùa. Giá sấy lúa hiện nay cũng tăng vọt - mọi năm chỉ khoảng 6%, nay tăng lên 7% (sấy 100kg, chủ sấy lấy 7kg).
Hậu Giang là một trong nhiều địa phương có nông dân “lép vế” trong cuộc ngã giá bán buôn lúa gạo. Cụ thể, tỉnh này có sản lượng khoảng 500.000 tấn lúa nhưng chỉ được phân bổ chỉ tiêu mua 20.000 tấn gạo (tương đương 40.000 tấn lúa) nên chẳng thấm vào đâu.
Chiều 24-3, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Sở đang tham mưu lãnh đạo tỉnh làm công văn kiến nghị Chính phủ có giải pháp giữ giá lúa và nâng số lượng thu mua dự trữ gạo. “Hiện nay giá lúa đang giảm dưới mức 5.000 đồng/kg. Giá thành sản xuất vụ lúa đông-xuân này khoảng 3.700 - 3.800 đồng/kg, nếu nông dân bán với giá dưới 5.000 đồng/kg sẽ không đảm bảo lợi nhuận 30%” - ông Đồng bức xúc nói.
Một lãnh đạo ngành nông nghiệp An Giang bày tỏ: “Chuyện giá lúa rớt, chúng tôi cũng đang định “chất vấn” VFA đây! Đây cũng là điều mà lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong vùng bức xúc!”.
Giá xuất khẩu gạo trên thế giới đang có xu hướng tăng. Đây là điều đã được dự báo trước. Dù mới đây (ngày 21-3), VFA đã điều chỉnh giá sàn xuất khẩu tăng thêm 10 USD/tấn - theo đó, gạo 5% tấm là 490 USD/tấn, gạo 25% tấm là 470 USD/tấn, tuy nhiên trước đó nhiều người tỏ ra khó hiểu về 2 lần quyết định hạ giá sàn xuất khẩu gạo của VFA (trong tháng 3-2011) khi nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ lúa đông-xuân.
Ngày 9-3, VFA điều chỉnh giảm 10 - 20 USD/tấn gạo. Cụ thể giá xuất từ 520 USD/tấn gạo 5% tấm xuống 500 USD/tấn, 490 USD/tấn xuống còn 480 USD/tấn gạo 25%. Ngày 17-3, VFA lần thứ 2 “dìm giá” xuất khẩu giảm thêm 20 USD/tấn đối với 5% và 25% tấm. Đây cũng là bối cảnh giá lúa từ 5.600 - 7.000 đồng/kg giảm xuống chỉ còn khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg (tùy theo loại). Giới thạo nghề lúa gạo phân vân: Đây phải chăng là một cách “bật đèn xanh” để doanh nghiệp “hiểu ngầm” là giảm giá thu mua lúa gạo!? Hiện nay nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 1 triệu ha lúa đông-xuân, gần 2/3 diện tích, VFA lại “khiêm tốn” tăng giá sàn xuất khẩu thêm 10 USD/tấn!
Mua tạm trữ: Giải pháp tình thế hay chiến lược?
Vụ lúa đông-xuân này, nông dân ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha lúa đông-xuân, sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa. Trong đó, khoảng 6 triệu tấn lúa hàng hóa (tương đương 3 triệu tấn gạo). VFA chỉ đề xuất mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, khoảng 1/3 lúa hàng hóa, kèm theo 2 lần giảm giá sàn xuất khẩu “khó hiểu” trong tháng 3-2011, nên chuyện lúa gạo rớt giá khó tránh khỏi!? Điều trái khoáy lâu nay là doanh nghiệp tạm trữ gạo còn nông dân bán lúa vẫn chưa có giải pháp gì để thay đổi cung cách mua bán nhiều tầng nấc.
Hiện nay, lúa từ nông dân phải qua 2 - 3 tầng nấc trung gian mới đến doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Cụ thể nông dân bán lúa cho thương lái, thương lái xay xát bán cho các kho - chành gạo, sau đó chủ kho - chành bán lại cho doanh nghiệp. 2 - 3 tầng trung gian này hiển nhiên “dìm” mất của nông dân 300 - 500 đồng/kg.
Một lãnh đạo Cục Trồng trọt thừa nhận: Đây là chuỗi cung ứng sai quy trình, rất khó sửa. “Chúng tôi phải biết giá doanh nghiệp mua, từ đó mới mua của thương lái. Và thương lái cũng thế, họ phải biết giá chúng tôi mua hôm nay là bao nhiêu, mới dám mua lúa của nông dân” - anh Trần Khánh, chủ một kho gạo ở Cái Răng, Cần Thơ, cho biết. Theo anh Khánh, giá gạo đầu năm từ 7.800 - 7.900 đồng/kg tụt xuống 7.300 - 7.400 đồng/kg. Các doanh nghiệp thu mua với giá rất khó hiểu vì tăng, giảm thất thường, các chủ kho cũng khó lường.
Một lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết: “Hiện nay đang có một sự “chệch choạc” giữa thu mua lúa gạo và xuất khẩu. Các doanh nghiệp đang gặp khó trong đầu ra. Một số doanh nghiệp cho biết nông dân đang giữ lúa chờ giá cao mới bán. Thông tin này chúng tôi sẽ nắm lại”. Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, họ chỉ mua gạo cầm chừng! Chuyện nông dân giữ lúa chờ giá (doanh nghiệp viện dẫn) nếu có cũng chiếm tỷ lệ không cao lắm - chỉ khoảng 5% - 10%! Đa số nông dân hiện nay phải bán lúa ngay trên ruộng do nhiều lý do thúc bách: Nợ vật tư nông nghiệp, lãi ngân hàng, chi tiêu gia đình, nguồn vốn để tái sản xuất vụ hè-thu… Vì vậy, chuyện trữ lúa chỉ có khả năng xảy ra ở các chành, chủ nhà máy xay xát, chủ các kho lương thực.
Để kéo giá lúa tăng trở lại, nhiều người cho rằng: Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ thu mua tạm trữ đủ 1 triệu tấn gạo. Chính phủ nhanh chóng nâng thêm mức mua dự trữ lương thực. Về lâu dài, cần phải xem mua tạm trữ là chiến lược chứ không nên xem như giải pháp tình thế. Đồng thời, các doanh nghiệp phải có giải pháp cụ thể để từng bước mở rộng việc thu mua lúa trực tiếp từ nông dân, hạn chế các trung gian!
CAO PHONG