Những giá trị văn hóa phi vật thể của người Cơ Tu, đặc biệt là nghệ thuật hát dân ca và những nhạc cụ truyền thống độc đáo… đã tạo dấu ấn rất riêng cho vùng rừng núi Trường Sơn xứ Quảng. Ở nơi đó, có những con người đã dành cả cuộc đời cho việc sưu tầm, nghiên cứu và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc ấy. Để bây giờ, giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, những điệu dân ca, những tiếng đàn, tiếng sáo réo rắt, trữ tình vẫn vang lên theo nhịp sống hàng ngày.
Bố Pâng
Đã gần bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nhìn thần sắc của A Ting Pâng (thôn A Dun 2, thị trấn PRao, Đông Giang, Quảng Nam) vẫn không kém gì các trai trẻ trong làng. Đôi mắt sáng rực giữa đôi hàng lông mày quắc thước, cùng với chòm râu trắng muốt tạo cho ông một dáng vẻ phong lưu, nghệ sĩ.
Trong cái se lạnh của ngày cuối Đông, ông say sưa kể về Cápbruốc, sáo Rhăm, đàn Tarha, abel… vốn là những nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Cơ Tu: Cápbruốc làm từ sừng trâu. Sừng trâu khi đưa về gọt giũa rồi đục lỗ, đặt lưỡi gà làm bằng lá cây đoót, lấy sáp ong rừng trét kín.
Sáo Rhăm làm bằng ống trúc, trên đó đục 6 lỗ, phía đầu ống đặt miếng đồng mỏng hình lưỡi gà. Khi thổi, các ngón tay đặt trên các lỗ dọc ống cùng với miệng sẽ điều chỉnh nhịp điệu thanh âm. Sáo được dùng nhiều trong những dịp trai gái hát đối đáp giao duyên. Còn đàn Tarha được làm bằng thân cây lồ ô và quả bầu… “Tất cả những thứ đó già phải tự thân lặn lội lên núi kiếm mới ưng ý mình được” - già Pâng nói.
Từ lúc lên 5, cậu bé A Ting Pâng đã bắt đầu mày mò với những nhạc cụ truyền thống. “Lúc đó già cũng chưa hiểu gì về ý nghĩa của nó nhưng bị mê hoặc bởi những tiếng réo rắt của đàn, tiếng trong vút của sáo và cứ đi theo, nhìn lén mấy già trong bản. Hễ nghe tiếng sáo, tiếng đàn ở đâu thì mình tìm đến. Thế rồi mình cũng được các già dạy bảo, rồi biết chơi đàn, chơi sáo. Từ những chiếc đàn, chiếc sáo mấy già cho mượn, mình về nghiên cứu và tự làm cho riêng mình” - ông Pâng kể.
Trong thời chiến ông là một trong những văn công của Đội văn nghệ Quân khu 5, đi khắp các núi rừng miền Trung phục vụ bộ đội. Giờ đây khi bản làng yên bình ông lại là một trong những người hiếm hoi còn giữ lại được bản sắc dân tộc.
Trong các lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, A Ting Pâng là đại diện được đi giao lưu văn nghệ với các đồng bào dân tộc khác. Những khi trong làng có hội họp, bố Pâng được mời mang đàn tới kéo vài bản. Hay đơn giản khi nhà có việc, con cháu tụ họp đông đủ, già lại mang đàn ra kéo, cả nhà quần tụ bên nhau, hát theo tiếng đàn của già.
“Đàn được, hát được theo những nhạc cụ này cũng không dễ, phải thực sự hết lòng hết dạ với nó” - A Ting Pâng chia sẻ. Thấy bố Pâng, những đứa trẻ trong xóm xúm xít vây quanh, ông cười khà khà: “Con cháu bố Pâng hết đấy. Già yêu hết thảy mấy đứa. Lại đây già kể chuyện cổ tích cho nghe”.
Đến bây giờ, A Ting Pâng có thể chơi và hiểu tường tận gần 10 loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Ông cũng thuộc nằm lòng hàng chục câu chuyện cổ tích, mỗi tối vẫn hay kể cho lớp trẻ nghe.
Cây đại thụ của âm nhạc Cơ Tu
Từ Prao ngược lên hướng Tây Bắc, chúng tôi tìm đến nhà của già Alăng Vel ở thôn TàLang, xã BhaLêê, huyện Tây Giang. Muốn đến nhà ông phải qua chiếc cầu treo vắt vẻo trên dòng A Vương cuồn cuộn.
Đến vùng đất này, ấn tượng nhất là khi nghe đồng bào kể khá chi tiết về dân ca, nhạc cụ và phong trào ca hát của địa phương. Đồng bào Cơ Tu sẽ không quên công lao to lớn của già Alăng Vel đối với họ, bởi Alăng Vel không chỉ là một già làng đầy uy tín, mẫu mực mà ông còn là một bậc thầy trong việc sưu tầm, nghiên cứu và sáng chế ra hơn 10 loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu.
Trong căn nhà sàn được ông dựng cao chót vót, rộng chưa đầy 12m² toàn những nhạc cụ truyền thống do ông bỏ công sưu tầm, sáng chế trong hơn 70 năm qua. Ở cái tuổi 89 nhưng trông ông còn khỏe lắm. Đôi mắt sáng quắc, đôi chân vẫn còn nhanh nhẹn.
Bằng những động tác cẩn trọng, già Alăng Vel nhấc từng nhạc cụ lên và cố phát âm thật chuẩn từng loại để chúng tôi ghi lại: “Đây là khèn này, đây là Ahen, Ta rel, Tuốt, Catool, Tămpre, Areng, Tàgê… Già thích nhất là 2 loại Apel (một loại đàn của người Cơ Tu - PV) và khèn, bởi âm điệu thật trữ tình và êm dịu. Tụi nhỏ bây giờ cũng thích nghe già chơi 2 loại này nhất”.
Đến với âm nhạc và những làn điệu dân ca từ lúc 10 tuổi, Alăng Vel vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên ấy. “Hôm đó già cùng với ông nội ra rừng phát rẫy, giữa trưa nắng nóng, mệt lã người, ông nội già lấy từ trong gùi ra chiếc Apel và thổi. Nghe những âm thanh trầm bổng ấy tự nhiên trong người thấy khỏe khoắn, sảng khoái hẳn ra. Thế nên già mê từ đó và quyết chí học bằng được”.
Nói về nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu, có thể xem Alăng Vel là người hiếm hoi còn am hiểu tường tận. Theo ông, đàn atoong và ampraay là hai nhạc cụ gắn bó thân thiết trong cuộc sống hằng ngày của đồng bào Cơ Tu. Atoong gồm 7 thanh gỗ, mỗi thanh dài khoảng 1m, rộng 20cm, dày 3cm, được treo song song trên một giá đỡ. Âm thanh do đàn atoong tạo nên vừa trầm hùng, vừa rộn rã, vui tươi.
Độc đáo nhất phải kể đến đàn Apel. Đàn này có cấu tạo giống đàn nhị của người Kinh, nhưng nối với dây chính lại có thêm một dây phụ, đầu dây phụ có gắn một miếng vỏ trút hoặc một miếng sừng trâu, mài mỏng, to như đồng xu. Đàn có thể một hoặc hai người chơi. Nếu một người biểu diễn thì tay kéo đàn, miệng điều chỉnh âm thanh qua dây phụ. Khi hai người cùng chơi, người thứ hai ngậm miếng vảy trút để tạo nên sự cộng hưởng âm thanh.
Đàn Apel réo rắt, tha thiết, thích hợp với việc thể hiện tâm trạng những đôi lứa đang yêu nhau.
Ông Alăng Avel tự hào, cho biết: “Già đã được đi biểu diễn nhiều nơi, như Tam Kỳ, Đà Nẵng hay vào tận TPHCM. Tại những lần biểu diễn này già rất vui vì mọi người rất chăm chú nghe. Già cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cán bộ huyện tạo điều kiện để già giới thiệu những nét văn hóa của dân tộc Cơ Tu tới các dân tộc anh em”.
Thăng trầm cùng thời gian, có lúc những người yêu làn điệu dân ca Cơ Tu, những âm thanh trầm bổng, réo rắt của Apen, khèn hay Tămpre cứ tưởng rằng sẽ “trôi” đi trong niềm nuối tiếc nhưng may thay ở đó vẫn còn Bố Pâng, vẫn còn già Alăng Vel tiếp tục lưu giữ ngọn lửa âm nhạc truyền thống của đồng bào mình. Chính cái nôi ấy đã khơi nguồn và giúp núi rừng Trường Sơn lưu giữ được di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc.
Rời núi rừng miền Tây xứ Quảng trong buổi chiều muộn, chúng tôi được nghe những làn điệu Ba booch thật mượt mà và sâu lắng trong tiếng đàn Apel trữ tình:
“Quê em rộn rã tiếng đàn
Khắp nơi chan hòa tiếng hát câu cười
Làng buôn vui cuộc sống ấm no
Nhờ ơn Đảng, Bác sớm hôm dắt dìu”.
NGUYỄN HÙNG – HỒNG THÚY