
Ở các bon (buôn) làng thuộc xã Đắk R’tíh (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), nhiều phụ nữ dân tộc M’nông vẫn ngày ngày miệt mài bên khung cửi, dệt nên những sản phẩm thổ cẩm đủ sắc màu, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như sự kế thừa giữa các thế hệ nên số lượng người biết dệt thổ cẩm ở xã Đắk R’tíh ngày càng nhiều. Thổ cẩm được đồng bào dệt tinh xảo, mẫu mã, hoa văn cũng đa dạng và phong phú. Các sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, túi xách, khăn, chăn… vẫn được đồng bào trên địa bàn xã thường xuyên sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, ngày tết, cưới hỏi của bon làng. Theo nghệ nhân Thị Ai (bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh), việc gìn giữ, truyền nghề dệt thổ cẩm đã ăn sâu vào trong ý thức của mỗi gia đình nơi đây. Qua các thế hệ, mẹ truyền nghề cho con gái, chị bày vẽ cho em cách dệt những trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cứ thế, từ khi còn nhỏ, thiếu nữ M’nông đã được chỉ dạy, làm quen với nghề dệt thổ cẩm, đến tuổi đi lấy chồng thì tự tay dệt được bộ váy áo để dùng vào các dịp lễ, ngày hội của bon làng.

Các nghệ nhân tâm huyết truyền nghề dệt thổ cẩm cho con cháu
Từ 2010 đến nay, được sự quan tâm của các ngành chức năng, xã Đắk R’tíh đã mở được 34 lớp dạy nghề thổ cẩm với hàng trăm lượt người tham dự. Mỗi lớp học kéo dài khoảng 3 tháng, thu hút rất nhiều chị em tham gia học hỏi, nâng cao tay nghề. Nghệ nhân Thị Ai (người tham gia truyền dạy nghề thổ cẩm) cho biết, để làm nên các sản phẩm đòi hỏi người dệt phải tập trung sắp xếp từng sợi chỉ và mất khoảng thời gian khá dài. Thế nhưng, chị em khi đến học không một ai nản lòng mà luôn chăm chú để nắm bắt được kỹ thuật dệt. Những lúc rảnh rỗi, nhiều chị em còn tìm đến nhà những nghệ nhân trong xã với mong muốn tiếp tục nâng cao tay nghề một cách thuần thục, nhuần nhuyễn. Điều đáng mừng là các chị em sau khi được học nghề đều tự trang bị cho mình một khung cửi, những lúc rảnh rỗi lại say sưa dệt nên những sản phẩm thổ cẩm. Bằng những sản phẩm “cây nhà lá vườn”, hầu hết các gia đình ở đây luôn có những bộ trang phục mới để đi chơi ngày tết hoặc tham gia các nghi lễ trang trọng của bon làng.
Theo thống kê của UBND xã Đắk R’tíh, hiện trên địa bàn xã có gần 1.000 phụ nữ dân tộc M’nông (tuổi đời từ 18 trở lên) thì có đến 900 người biết dệt thổ cẩm. Điều đáng mừng, hơn 70% chị em trong số này là lớp trẻ, từ 18-30 tuổi. Với việc ngày càng có nhiều bạn trẻ biết dệt thổ cẩm sẽ giúp công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn xã được bền vững. Tuy nhiên, các sản phẩm thổ cẩm do chị em ở đây làm ra mới chỉ được sử dụng trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, chứ chưa thật sự trở thành hàng hóa có thể tham gia thị trường trong và ngoài địa bàn. Điều mà nhiều bà con ở đây trăn trở là cùng với việc gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống thì các cấp chính quyền cần nghiên cứu, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con có thu nhập, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm lâu dài.
Hà Linh