
Sưu tập sách là thú chơi ngàn đời của nhân loại. Làm sao để những cuốn sách cổ được lưu giữ, trân trọng trong làng sách Việt Nam và quan trọng nhất là những báu vật ấy không bị “chảy máu”? Trong cuộc sống thời hiện đại, giữa những khoảng lắng hiếm hoi vẫn có những người dành trọn tâm huyết làm việc ấy.
Những vật báu của tri thức
Sau những thành công từ những cuộc thi “Những trang sách vàng”, CLB sách Xưa và Nay chính thức ra mắt ngày 17-6-2006, sinh hoạt sáng thứ bảy tuần thứ hai hàng tháng tại nhà thờ Tân Sa Châu (387 Lê Văn Sỹ, P2, Q. Tân Bình, TPHCM) là mái nhà chung của 40 người có cùng sở thích yêu sách cổ, sưu tập sách quý hiếm. Mỗi người mỗi vẻ đều thể hiện niềm mê đắm với bút tích thiêng liêng của tinh thần nhân loại.

Các thành viên CLB sách Xưa và Nay đi thăm “Vườn Kiều” của ông Nguyễn Bá Khoát (Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: C.T.V.
Báu vật của dịch giả Vũ Anh Tuấn - Chủ nhiệm CLB - là những bộ từ điển cổ, các sách xuất bản đầu thế kỷ 20 tại Hà Nội như tiểu thuyết Bồng lai hiệp khách, Huyết hùng tráng sĩ. Ông còn có bộ sưu tập rất đặc biệt về các ngày lễ tết xưa của Việt Nam.
Nhà sưu tập trẻ tuổi Hoàng Minh thì sở hữu các bản sách quý như: Lịch sử Đàng ngoài xuất bản từ năm 1651; bộ từ điển Latin - Annam và Annam - Latin (Việt Nam dương hiệp tự vị) của giáo sĩ Taberd soạn, xuất bản năm 1838 tại Ấn Độ. Cuốn sách hiếm hoi trong làng sách nước nhà này đã vinh dự đoạt giải nhất “Cuộc thi sách vàng lần thứ nhất -2002”.
Ngoài ra, anh còn có bộ sách Hành trình và truyền giáo của Alexandre de Rhodes, liên quan đến lịch sử Việt Nam những ngày đầu tiên xuất hiện các giáo sĩ phương Tây. Gia tài của linh mục Nguyễn Hữu Triết có hơn 1.000 cuốn sách xuất bản từ hơn 50 năm trước, là niềm mơ ước của những người mê sách cổ. Đáng kể nhất là bộ sưu tập 160 bản Kiều khác nhau, với nhiều thứ tiếng. Trong đó có 20 bản Kiều bằng chữ Nôm cổ và hơn 500 tờ báo có bài viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du.
Ngoài ra, kho sách Hán Nôm của ông còn có những cuốn sách độc đáo như quyển Ấu học chỉ nam của Đặng Công Toàn soạn vào năm Vĩnh Thịnh thứ 14, đời vua Lê Dụ Tông - 1718. Quyển sách này quý ở chỗ nó là cuốn giáo khoa do người Việt soạn dùng dạy vỡ lòng chữ Hán cho trẻ em. Hay như cuốn tiểu thuyết Lều chõng của Ngô Tất Tố xuất bản năm 1941, bản in đặc biệt trên giấy dó, có chữ ký của tác giả…
Và... nay
Mê đắm dấu tích tri thức của tiền nhân nên những thành viên của CLB thường lê la ở những cửa hàng sách cũ trong Nam ngoài Bắc, thậm chí còn thiết lập cả những mối quan hệ mật thiết với giới ve chai mới mong tầm được những bản sách quý vốn ẩn đâu đó trong dân gian.
Đều đặn mỗi tháng, CLB họp mặt một lần. Trong những buổi sinh hoạt, các thành viên “báo cáo thành tích” để mọi người cùng thẩm định giá trị của những cuốn sách, luận bàn về những tác phẩm và mua bán, trao đổi.
Hoạt động gây tiếng vang mới đây của CLB là “Triển lãm hiện vật về Truyện Kiều”, trích từ bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Hữu Triết, diễn ra vào ngày 8-9. Tại đây, công chúng đã được thưởng lãm nhiều hiện vật quý giá liên quan đến tác phẩm kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du. Đáng chú ý là chiếc chén cổ viết hai câu Kiều: “Một vùng cỏ áy bóng tà/ Gió hiu hiu thổi một và bông lau”, hai đôi guốc gỗ có tranh vẽ các trích đoạn Kiều và khắc những câu thơ Kiều…, tranh thủy mặc, tranh màu, tranh cẩn ốc các nhân vật Thúy Kiều, Thúy Vân và những tình tiết của Truyện Kiều…
Bên cạnh triển lãm còn có các chuyên đề về Truyện Kiều, hướng dẫn “Cách thức sưu tập Kiều”, giới thiệu Gia Định báo (1865) - tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, “Văn học bình dân Nam bộ hồi đầu thế kỷ XX”, triển lãm “Các tờ báo xuân thời tiền chiến” (trước 1945)… cũng gây được nhiều ấn tượng trong lòng công chúng.
Ngoài những hoạt động trên, CLB còn nhận các dịch vụ: sửa morasse bản thảo, giải đáp thông tin về sách, cung cấp các bản sao (trong phạm vi được phép). Đặc biệt, CLB còn tư vấn cho những ai có nhu cầu lập thư viện gia đình, tủ sách chuyên đề…
Mới đây, anh Trần Văn Thành (Bến Tre) nghe tin CLB họp đã khệ nệ mang lên một giỏ sách chữ Hán lưu giữ nhiều đời trong gia đình nhờ thẩm định. Thì ra, đây là các sách thuốc, trong đó còn có cuốn Tam tự kinh - sách vỡ lòng cho những người học chữ Hán.
Tri ân với tiền nhân cũng là một hoạt động nổi bật của CLB. Mỗi quý, CLB tổ chức thăm viếng một nhà lưu niệm danh nhân như: Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Trương, Lương Văn Can, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư … thăm hỏi, giao lưu và giúp đỡ thân nhân họ…
Mới vào tuổi thôi nôi nhưng CLB sách Xưa và Nay đã có nhiều hoạt động bổ ích, góp phần cổ vũ văn hóa đọc trong công chúng, bảo tồn, phát huy giá trị của những pho sách cổ, tổ chức các hoạt động văn hóa trưng bày, nói chuyện về sách, bán đấu giá sách … Giữ được phong độ ấy, hy vọng rằng mong muốn CLB trở thành thành viên đại diện cho Việt Nam tham gia các tổ chức sách trên thế giới… của những người mê sách này sẽ sớm thành hiện thực.
Thảo Lư