Sau Đại hội văn công toàn quốc, chúng tôi gồm tất cả các đơn vị thuộc ngành văn và nghệ đều về sống quây quần bên nhau ở phố Marixendóp vừa mới được đổi tên thành Lý Nam Đế (Hà Nội). Một hôm, mọi người kháo nhau là tác giả Mùa lúa chín mà “dân ca múa” chúng tôi gọi là ông “lúa chín dzàng” đã tới ở một căn phòng trên tầng hai nhà số 4. Chúng tôi kéo nhau sang tán chuyện, thế là tôi biết Hoàng Việt rồi quen thân anh từ đấy - một ngày giữa thu 1956.
Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa…
...Và cũng từ đó, tôi trở thành “tay sai đắc lực” cho anh: khi thì mượn hộ ghita, lúc thì mang sang cái thanh mẫu để anh tìm âm chuẩn cho sáng tác, thỉnh thoảng sang tiếp tế mấy điếu Basto (*). Anh viết Chú muỗi bưng biền rồi lại xé. Viết Bến tàu - nước mắt xong cũng xé. Sau lại thấy Hai ngón tay vo viên vứt sọt. Tôi hỏi anh: “Sao không lưu làm tài liệu?”. Anh nói dứt khoát: “Ảnh hưởng đến bài sau định viết!”. Có buổi trưa tôi sang, thấy anh đang vừa gọt bút chì vừa lẩm bẩm “…Rung trong không gian mặt biển sôi âm vang”… Tôi yên trí đó là bài Bến tàu - nước mắt mà anh đã cho nó vào sọt nhưng không dứt được... Cũng có thể là bài Hai ngón tay - cái hình ảnh day dứt trong anh suốt từ ngày bước chân xuống tàu tập kết ra Bắc. Với bất cứ ai kể cả kẻ đi, người ở đều giơ hai ngón tay báo hiệu cho ngày tái ngộ, sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử theo Hiệp định Giơnevơ. Tôi cảm nhận ở anh có điều gì hơi mềm yếu, không khỏe mạnh, tươi vui hóm hỉnh như “Lúa chín vàng” (Bài Mùa lúa chín). Tôi lại hỏi “Thế ông Hoàng chưa cho ra được “công chúa” nào à?”. Anh quăng điếu Basto và bao diêm lên đầu giường, cười ngặt nghẽo: “Bí quá, sẽ mượn nhạc ông Văn Cao mà cho lời mới: Trùng phùng ôm em anh khóc!. Câu nói cửa miệng nhớ thương da diết, tưởng nói rồi thoảng qua. Nhưng, với Hoàng Việt tôi thấy anh mới thật sự nhớ thương, thật sự da diết, thật sự bồn chồn và thật sự cuồng nhiệt trong nỗi nhớ thương! Có lúc anh vê điếu thuốc lào đưa luôn vào miệng mà không cho vào lõ điếu. Có hôm tôi chui vào màn đã chậm theo kẻng cả giờ đồng hồ, mà anh vẫn mò sang, tay cầm hai tấm thẻ ra vào cổng gác, lôi tôi ra phố Hàng Đậu để cho ăn chè hạt vịt, còn anh uống rượu long nhãn. Sau một chuỗi dài những chuyện tập kết, quê hương, bạn bè và chuyện sông nước Nam bộ, vài chén rượu ngà ngà, chúng tôi kéo nhau về dừng lại ở cửa số 4, anh rút túi đưa tôi bài hát chép tay nói là “đưa Đoàn hát chơi”. Nếu tôi không nhầm thì đó là đêm 25-8-1956 ,vì anh tiếp luôn: “Một tuần nữa, sau 2-9 mình nhập học tại Trường nhạc quân đội” (13 Cao Bá Quát). Cũng một tuần sau, tôi mới biết bài hát mà anh đưa cho tôi đêm ấy là bài Tình ca…
Có cơ may gặp má nó rồi…
Sau một năm chuẩn bị kiến thức cơ bản, cuối 1957, Hoàng Việt trở thành sinh viên Nhạc viện Xôphia, Tình ca của anh đã được thầy dạy trực tiếp là giáo sư Marin Goremanov phối cho dàn nhạc lớn biểu diễn tại đây. Như vậy, Tình ca không còn trong khuôn khổ của một ca khúc thông thường nữa, nó đã trở thành nhân tố thúc đẩy cho một bản giao hưởng lớn ra đời. Suốt mấy năm đằng đẵng anh đã sống trên quê hương bạn để viết về quê hương mình. Giao hưởng Quê hương, Hoàng Việt không viết trên bàn mà anh viết trên giường lò xo. Vũ Hướng sống cùng phòng với anh cũng không dám can thiệp vào cách sống, làm việc và học tập độc đáo của anh. Có lần mùi khét của thức ăn lan tỏa khắp cư xá, bếp núc khói mù! Người thường trực la hét đã tính chuyện gọi cứu hỏa, vậy mà Hoàng Việt vẫn cặm cụi trên giường lò xo viết Quê hương. Vũ Hướng bảo: “Hoàng Việt đang sống ở Nam bộ (Việt Nam), nên những gì đang xảy ra ở Xôphia thì làm sao mà nó biết!”.
Nhớ quê hương nên viết Quê hương! Viết Quê hương nên càng nhớ quê hương! Với cái tên “cúng cơm” Lê Chí Trực làm tín hiệu có độ chính xác tuyệt đối với vợ anh ở Sài Gòn, Hoàng Việt viết thư nhờ bạn bè Việt kiều ở Paris liên lạc với vợ, ít tháng sau anh rất mừng vì có hồi âm từ Sài Gòn. Thế là từ quê hương lại tiếp cho Quê hương sức sống mới. Chương hai Quê hương anh đã dành trọn vẹn cho chị và các cháu, cho sông nước quê anh. Chương hai là hồn của Tình ca, là “chân dung” Hoàng Việt.
Vào một buổi chiều se lạnh 1965, được tin tôi nằm viện 108, Hoàng Việt toòng teng nải chuối trứng cuốc, tìm tôi khắp mọi phòng không thấy. Khi gặp tôi ở nhà ăn cùng với nhân viên của viện, anh há hốc miệng mà la:
- Ủa! Sao kỳ vậy! Đau gì?
- Đang cùng đoàn biểu diễn ở Đông Bắc, được lệnh Tổng cục về đây mặc y phục bệnh nhân để chuẩn bị lên đường cùng các ông bạn ngoại quốc.
- À hiểu, hiểu. Vậy khi nào vô?
- Sau đây ít ngày…
- Mấy bữa nữa mình cũng vô, nhưng cụ Bảo Định Giang cho đi đường Ban Thống nhất Trung ương.
- Đông không?
- Hơn ba chục, có Thái Ly và cả mấy quân múa của các cậu nữa đó.
- Có cách nào tin cho má nó chưa?
- Thế nào rồi cũng có cách.
- Thôi, mách nhé, anh Văn Phác đã vào B2 theo đường biển. Vào Bộ Tư lệnh Miền nhờ các cụ thì nhanh hơn.
- Thiệt hả - Hoàng Việt vỗ đùi - Khỏi nói rồi, có cơ may tìm cách gặp má nó rồi…
Đúng như dự đoán, sau ít ngày vào đến căn cứ, Hoàng Việt đã gặp “má nó”. Chị Bảy Trực tay xách, nách mang cả bịch gạo ra “rờ” gặp lại anh Bảy. Trở về quê, chị Bảy mang bầu và sinh cháu gái. Theo đúng lời dặn - nguyện vọng của anh Bảy - cháu được đặt tên: Lê Thị Trùng Phùng. Bé Trùng Phùng ra đời chưa đầy năm thì Hoàng Việt đã vĩnh viễn ra đi đúng ngày cuối cùng của tháng cuối cùng năm 1967, anh hy sinh trong trận chiến đấu trên đường trở về đồng bằng sông Cửu Long để tiếp tục viết bản Giao hưởng số 2.
Đầu năm 1990, quê ngoại của anh - huyện Cái Bè - Tiền Giang đã tổ chức cuộc hội thảo: “Cuộc đời và tác phẩm nhạc sĩ Hoàng Việt”. Hơn một trăm trang sách bạn bè, đồng nghiệp nói với anh bao điều ấm áp, ca ngợi anh hết lời về tài năng, về đức độ - nhân cách của một nghệ sĩ lớn! Năm 2012, anh được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, một vinh dự vô cùng cho người nghệ sĩ cách mạng.
…Giờ đây cô gái đầu lòng đã kết duyên với Cao Thụy sinh được cháu gái mang tên bài ca bất hủ của ông ngoại: Tình ca - Nguyễn Thụy Tình Ca…
* Một loại thuốc lô của Pháp – B.T.
Khắc Tuế
(nguyên Đoàn trưởng Đoàn Ca múa quân đội)