Giữ nghề cho tết

Bước sang tháng Chạp, đâu đó ở miền Tây, những chiếc xe gắn máy, xuồng máy chất đầy chiếu bông, tranh kiếng… len lỏi vào tận xóm sâu, lạch nhỏ. Tiếng loa rao văng vẳng “chiếu, gối, mùng, mền, tranh kiếng xài tết cô bác ơi!”, gợi nhớ về tiếng rao một thuở xa xưa nằm sâu trong ngăn ký ức của người dân quê. Cuộc sống biến thiên cùng thời cuộc, những tiệm tạp hóa lưu động kiểu này dần thưa thớt, những làng nghề chỉ làm vào ngày tết còn sót lại như níu giữ thời gian…

Tranh kiếng Bà Vệ gợi nhớ những cái tết phồn thịnh

Thế hệ 9X và 2K sẽ chưa từng thấy tranh kiếng được treo trong nhà ngày tết. Kiểu làm đẹp này đã lỗi thời khi những mái nhà tranh vách lá được thay bằng những căn nhà tường khang trang. Nghề tranh kiếng từng là chỉ dấu cho những cái tết phồn thịnh rơi vào quá vãng. Những làng nghề hưng thịnh cứ thu hẹp dần. Chúng tôi đến làng nghề tranh kiếng Bà Vệ (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An giang) vang danh một thuở để tìm lại không khí ngày xưa. Nằm gần ngã ba Mỹ Luông (huyện Chợ Mới), cơ sở tranh kiếng Thanh Hòa của ông Nguyễn Thanh Hòa bề thế với 2 xưởng nằm đối diện nhau, là cơ sở lớn nhất ở vùng này. Đang vào cao điểm vụ tết nên có đông nhân công hơn ngày thường. Người tỉ mẩn vẽ mẫu, người chăm chút từng nét cọ, đóng khung, gói tranh… mỗi người một công đoạn chuyên biệt. Bên ngoài, có thương lái đến lấy hàng với mong muốn mang những giá trị truyền thống đi muôn nơi

Sự nhộn nhịp này gợi nhớ về làng tranh kiếng Bà Vệ thời vàng son. Những năm 1980, đến cầu Bà Vệ là gặp cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp mua bán. Ngay chợ Bà Vệ và cặp theo con mương Vỏ có cả ngàn hộ làm tranh kiếng. Nhà nào cũng chất đầy tranh kiếng. Những ô tranh kiếng thờ phụng, tín ngưỡng với rồng, phụng, cửu huyền thất tổ; tranh treo trang trí theo các tuồng tích xưa được phơi đầy sân, dọc theo những con đường. Giáp tết, từ sáng sớm, ghe, xuồng đậu chật ních chờ lấy hàng cho kịp con nước lớn. Những bức tranh kiếng Bà Vệ cứ thế xuôi theo sông Tiền, sông Hậu đi về các lạch nhỏ, vùng Miệt thứ, U Minh, hay các phố thị Cần Thơ, Rạch Giá, Sài Gòn… làm đẹp cho người.

Bà Đặng Thị Rạng (76 tuổi, xã Long Điền B) kể: “Hồi xưa, từ tháng 10 âm lịch, cả nhà tôi suốt ngày lênh đênh sông nước. Chiếc ghe 50 tấn chở đầy tranh kiếng bán từ đây dài ra Lái Thiêu (Bình Dương), rồi từ Lái Thiêu chở gốm sứ về đây bán chợ tết. Mỗi bến dừng là cả xóm Bước sang tháng Chạp, đâu đó ở miền Tây, những chiếc xe gắn máy, xuồng máy chất đầy chiếu bông, tranh kiếng… len lỏi vào tận xóm sâu, lạch nhỏ. Tiếng loa rao văng vẳng “chiếu, gối, mùng, mền, tranh kiếng xài tết cô bác ơi!”, gợi nhớ về tiếng rao một thuở xa xưa nằm sâu trong ngăn ký ức của người dân quê. Cuộc sống biến thiên cùng thời cuộc, những tiệm tạp hóa lưu động kiểu này dần thưa thớt, những làng nghề chỉ làm vào ngày tết còn sót lại như níu giữ thời gian… kéo nhau ra mua tranh kiếng, họ treo khắp nơi trong nhà, từ bàn thờ đến cửa buồng, cửa sổ. Tranh kiếng như trang sức của một ngôi nhà. Cứ xong mùa tết, người làm tranh kiếng và người bán tranh đều có mùa tết sung túc, ấm no”

Đó là câu chuyện cũ, ngày nay huyện Chợ Mới còn chưa đầy 100 hộ còn giữ nghề. Làng nghề gần 100 tuổi dần mai một. Trong đó, cơ sở tranh kiếng của ông Nguyễn Thanh Hòa hay hộ ông Huỳnh Minh Quang (77 tuổi) là những cơ sở lớn, gánh trách nhiệm giữ lửa cho thương hiệu tranh kiếng Bà Vệ. Theo ông Hòa, tranh kiếng Bà Vệ là một trong 3 dòng tranh kiếng lớn nhất của cả nước, cùng với tranh kiếng Chợ Lớn, tranh kiếng Lái Thiêu. Tranh kiếng Bà Vệ là sự tiếp nối từ tranh kiếng Lái Thiêu, theo chân những thương lái buôn gốm sứ về đây. Ông Quang nhớ lại: Ngày xưa, ghe chở gốm từ Bình Dương về đây, chở theo những bức tranh kiếng Lái Thiêu. Thấy tranh đẹp, lạ và đáp ứng tín ngưỡng, thờ phụng nên nhiều người mày mò làm theo và dòng tranh kiếng Bà Vệ, Chợ Mới ra đời từ đó.

Từ sau năm 2000, thị trường tranh kiếng chựng lại, nên hàng trăm hộ bỏ nghề. Nhưng, có những vùng đất, cái nghề đã ngấm sâu, nên cứ đến tết, nhớ nghề, nhớ không khí tấp nập thời cực thịnh, họ lại lọ mọ mua cọ, mua màu về làm vài bức tranh thủ công...

Vài năm gần đây, tranh lụa kiếng lên ngôi vì giá rẻ, mẫu mã đa dạng, hợp thời, theo xu hướng… nên tranh kiếng thủ công càng lao đao. Ông Hòa tâm sự: “Tranh kiếng thủ công là hồn cốt của tranh kiếng Bà Vệ, nên dù tranh lụa đang rất được ưa chuộng, lợi nhuận tốt hơn, tôi vẫn luôn duy trì dòng tranh thủ công và nâng cấp thành dòng tranh cao cấp, cẩn xà cừ, đá…”.

Dù khó nhưng nhiều xưởng tranh vẫn hoạt động để giữ chân những nghệ nhân lâu năm, không để họ đi phụ hồ, kéo lưới, vác lúa mướn làm mai một những đôi tay tài hoa. Họ làm nghề thức thời hơn và không ngừng học hỏi, nâng cấp, cải tiến tranh kiếng từng ngày. Dòng tranh trang trí, phong cảnh được đẩy mạnh song song với dòng tranh thờ phụng, tín ngưỡng. Đặc biệt, tranh kiếng Bà Vệ đã được xuất sang Campuchia với dòng tranh dành riêng cho tín ngưỡng của người Khmer.

Ngày tết dệt những tấm chiếu hoa

Nhắc đến Tân Châu, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu lụa Tân Châu nổi tiếng, nhưng nơi đây còn có làng chiếu hoa. Chị Đỗ Thị Hiệp, người kế thừa cơ sở chiếu Tân Châu Long (tổ 2, khóm Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đang tất bật với hàng tết. Xưởng chiếu những ngày này là mảng màu đa sắc. Những bó lát nhuộm đủ màu đỏ, vàng, xanh được chất đầy để chuẩn bị dệt thành những tấm chiếu bông (hoa) xinh đẹp. Khoảng sân rộng lớn, hàng trăm tấm chiếu đang được phơi, trở bề từng mặt chiếu cho kịp chuyến hàng tết.

63-chieu-7677.gif
Làm chiếu hoa tại cơ sở chiếu Tân Châu Long (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang)

Chị Hiệp cho biết, 30 năm trước, cha chồng chị lặn lội qua Vĩnh Long học nghề làm chiếu rồi về Tân Châu gầy dựng nên làng chiếu truyền thống ở xứ này. Ngày xưa, làm nên một tấm chiếu rất vất vả. Lát được cắt ngoài đồng đem về phơi khô, phân loại, lựa từng sợi đúng kích cỡ, rồi nhuộm, phơi khô rồi lại nhúng nước và đem dệt tay. Một khuôn dệt phải hai người đứng, người dệt, người cho ăn (cho sợi lát vào). Sau đó đem chiếu phơi, may hai đầu chiếu và cắt tỉa những sợi lát dư. Mỗi ngày cả xưởng chỉ làm được 5 chiếc. Còn bây giờ, với 15 công nhân, có máy móc hỗ trợ nên mỗi ngày làm được 50 chiếc. Từ làng chiếu Tân Châu, những chiếc chiếu hoa tỏa đi khắp nơi.

Những ngày này, làng làm chiếu hoa Đức Mỹ ở Càng Long (Trà Vinh) cũng rộn rã hơn ngày thường. Người in, người dệt, người phơi luôn tay cho kịp đơn hàng tết bởi đây là mùa duy nhất trong năm nghề chiếu đắt khách. Những người làm nghề ở đây vẫn giữ cho mình một tinh thần phấn chấn dù thị phần của những tấm chiếu đang ngày càng thu hẹp. Họ kể, người thành thị có lẽ đã quen ngủ nệm, cũng rất ít khi sử dụng chiếu hoa cho các ngày lễ. Nhưng dân quê còn đó, vào ngày lễ tết, đám tiệc quan trọng, vẫn có thói quen ra chợ lựa một tấm chiếu hoa về trải ra ngồi trên các bộ ván, giường, tràng kỷ… như một cách lưu giữ nếp tết xưa.

Sự phát triển của xã hội và sự ra đời của những sản phẩm mới khiến các ngành nghề thủ công đều gặp cảnh khó. Nhưng sức mạnh gợi nhớ trong đời sống dân cư và cả trong tâm tưởng của các thế hệ làm nghề thì sự mai một chỉ là một nhịp nghỉ, để tiếp nhận và thích ứng theo những thay đổi thẩm mỹ thời đại.

Tin cùng chuyên mục