Giữ người bệnh bằng dịch vụ tốt

Thời gian qua, nhiều người bệnh sau thời gian ra nước ngoài chữa trị đã phải trở về nước do chi phí quá đắt đỏ. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, các bệnh viện trong nước không thiếu bác sĩ giỏi, thuốc tốt, nhưng do hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế còn hạn chế nên khó giữ chân người bệnh.
Bỏ tiền mua sự hài lòng
Phát hiện thoái hóa khớp gối khi đã ở giai đoạn muộn, ông Nguyễn Kim Thanh (52 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) được các con đưa sang Singapore phẫu thuật. Chị Thu, con gái ông Thanh, cho biết rất sợ bệnh viện trong nước vì thủ tục rườm rà, dịch vụ kém. Vì vậy, gia đình chị quyết định đưa ông Thanh tới một bệnh viện có tiếng bên Singapore. Chi phí cho ca phẫu thuật là 300 triệu đồng, cộng với tiền đi lại, sinh hoạt phí hết khoảng 500 triệu đồng.
Theo chị Thu, ca mổ nếu thực hiện tại bệnh viện đầu ngành về xương khớp ở Việt Nam chỉ hết khoảng 20 triệu đồng. “Chi phí cao hơn nhưng đúng là đắt xắt ra miếng! Bệnh viện của họ như vào khách sạn, cây cối xanh mát... Quan trọng là họ chăm sóc tận tình, người thân trong gia đình không phải làm gì cả”, chị Thu kể.
Một trường hợp khác là em N.H.A. (ngụ quận Bình Tân) bị chẩn đoán ung thư máu. Sau một thời gian nằm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, em A. được gia đình đưa sang Singapore chữa bệnh, với lý do là nhìn Bệnh viện Ung bướu thấy chật chội, tù túng và không tin tưởng bác sĩ trong nước có thể điều trị tốt. Người nhà em A. cho biết, tổng chi phí các đợt điều trị tại Singapore lên đến hơn 1 tỷ đồng, trong khi ở Việt Nam thì chưa đến một nửa mức phí đó, nhưng họ chấp nhận tốn tiền để cảm thấy yên tâm hơn.
“Tôi nóng lòng muốn chữa khỏi cho con nên không thể chịu được cảnh chờ đợi, từ khâu xét nghiệm, chẩn đoán cho đến hàng loạt dịch vụ khác. Đó là chưa kể phải nằm ghép mấy cháu một giường, tội cho cháu lắm”, ba em A. nói.
Hầu hết những trường hợp ra nước ngoài chữa bệnh đều giải thích lý do là ngại cảnh nằm điều trị chật chội; không tin vào tay nghề của bác sĩ trong nước; công nghệ khám chữa bệnh ở nước ngoài hiện đại hơn, kỹ thuật tiên tiến hơn. Đặc biệt, đội ngũ y bác sĩ có trách nhiệm với bệnh nhân cùng thái độ phục vụ ân cần - điều này không có nhiều bệnh viện ở Việt Nam làm được, nhất là các bệnh viện công. 
Đầu tư cho y tế chuyên sâu
Theo các chuyên gia y tế, nếu đánh giá về trình độ chuyên môn hay các thành tựu y học thì Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc, như kỹ thuật ghép tạng, tim mạch, thụ tinh trong ống nghiệm… đã và đang ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới. Nguyên nhân khiến người Việt thích xuất ngoại chữa bệnh chủ yếu là do vừa lòng với thái độ phục vụ, chất lượng điều trị.
Giữ người bệnh bằng dịch vụ tốt ảnh 1 Kỹ thuật nội soi cắt gan của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã được y khoa thế giới công nhận
Tuy nhiên, theo TS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân sau thời gian “xuất ngoại” đã phải trở về để tiếp tục chữa trị trong nước, vì không kham nổi chi phí. Nhằm phục vụ cho nhu cầu chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân bị ung thư, hiện bệnh viện đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, giúp chẩn đoán và điều trị ung thư hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung nhân lực, vật lực cho cơ sở 2 và xây mới khu C của bệnh viện, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, với số lượng người bệnh nội trú và ngoại trú ngày càng gia tăng, bệnh viện tập trung đẩy mạnh kỹ thuật chuyên sâu, ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả khâu.
“Chúng tôi rất tích cực trong việc tìm kiếm cơ hội, kêu gọi đầu tư để có thể xây dựng hệ thống các trung tâm chuyên sâu đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân trong nước cũng như nước ngoài. Đồng thời, bệnh viện luôn đổi mới, phát triển và năng động, phấn đấu trở thành bệnh viện hòa nhập về trình độ, kiến thức, dịch vụ, xứng tầm với sự phát triển của ngành y tế trong khu vực và thế giới”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc thông tin.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết dự kiến tháng 12-2018, ngành y tế TP sẽ đưa Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án chuyển tiếp và khởi công các dự án mới: Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình... Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về trình độ, tay nghề của các bác sĩ trong nước.
“Các bệnh viện công phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc hiện đại, thay đổi về thái độ phục vụ của nhân viên y tế để người bệnh tin tưởng. Chỉ có làm được như vậy thì ngành y tế mới không bị thua trên sân nhà”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Theo ước tính của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh, chi trả hơn 1 tỷ USD. Đây mới chỉ là thống kê trên sổ sách, thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều lần. Các quốc gia mà bệnh nhân thường tìm đến là những nước có nền y học phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ... 

Tin cùng chuyên mục