Giữa Sài Gòn tìm chỗ hạ... “cờ tây”

Hà Nội từng lừng danh phố Nhật Tân có món đặc sản “mộc tồn” cùng những thương hiệu quen thuộc như Anh Tú, Trần Mục… Khách bước vào, cho giày dép vào bịch ni lông mang theo, ngồi xếp bằng trên chiếu, ngắm mùa thu Hà Nội, gắp miếng chả chìa, tu một hớp rượu để thấy đời sướng rêm... Thế còn ở Sài Gòn, tìm đâu chỗ hạ… “cờ tây”?
Giữa Sài Gòn tìm chỗ hạ... “cờ tây”

Hà Nội từng lừng danh phố Nhật Tân có món đặc sản “mộc tồn” cùng những thương hiệu quen thuộc như Anh Tú, Trần Mục… Khách bước vào, cho giày dép vào bịch ni lông mang theo, ngồi xếp bằng trên chiếu, ngắm mùa thu Hà Nội, gắp miếng chả chìa, tu một hớp rượu để thấy đời sướng rêm... Thế còn ở Sài Gòn, tìm đâu chỗ hạ… “cờ tây”?

Giữa Sài Gòn tìm chỗ hạ... “cờ tây” ảnh 1

Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, khoảng gần cầu Thị Nghè, đối diện Thảo Cầm viên là một hẻm nhỏ, nơi tập trung khá nhiều quán chuyên doanh “nai đồng quê” với những tên khá quen thuộc như “Hà Nội Phố”, “Nhật Tân”, “Hai Mơ”... Đấy chính là những quán thịt chó, một món đặc sản được du nhập vào Nam có lẽ vào khoảng năm 1954 và được không ít người ưa chuộng. Đặc biệt, quán Hà Nội Phố có mấy chị em là tiểu thư Hà thành chính hiệu làm chủ nên trai thanh TPHCM đến... hơi nhiều.

Nhậu thịt chó có lẽ là biện pháp khá kinh tế cho những ai thích có chút men nồng mà ít phải chi tiền. Thật vậy, không có nhà hàng đặc sản thịt chó với máy lạnh, bàn ghế sang trọng mà chỉ có những quán bình dân, ghế đẩu thấp lè tè cùng những chiếc bàn con.

Không chỉ ở khu vực cầu Thị Nghè, nhiều nơi khác cũng nổi tiếng không kém như chợ Ông Tạ - còn là nơi cung cấp thịt chó - hoặc khu vực Tam Hà - Thủ Đức...

Từ thuở ban đầu với 3 món căn bản lòng, luộc, sáo măng nay khúc biến tấu “Nó đây rồi” đã biến thành 7 món và hiện nay là 9 món: hấp, nướng, chả chìa, rựa mận, cuốn lá lốt, sáo măng, cháy cạnh, dồi, chả đùm. Biến tấu hơn nữa thì có sáo măng giò, sáo măng móng, sáo măng đăïc biệt, cuốn mỡ chài, thịt nướng, lòng nướng... Giá cả vô cùng kinh tế: đồng hạng dĩa nhỏ 10.000đ và dĩa lớn 20.000đ. Các loại rượu cũng bình dân: rượu nếp, nếp thang, rượu thuốc, rượu Làng Vân giá thay đổi từ 5.000 - 25.000đ/xị.

Nhắc đến nhâm nhi cầy tơ mà không đề cập đến các “phụ tùng” kèm theo là một thiếu sót đáng kể. Mắm tôm nặn thêm chanh, riềng, sả, cứ một miếng thịt hấp lại kẹp thêm tí lá mơ, ngò gai, chấm vào mắm tôm, kèm tí bánh đa nhai giòn tan. Thịt chó có mùi mỡ, lá mơ có mùi hôi nhưng cho vào miệng, nhai từ từ, chiêu thêm cốc rượu Làng Vân nữa là đủ thấy cuộc đời vẫn đẹp sao!

Có lẽ chưa có loại đặc sản nào lại phong phú tên gọi như thịt chó. Từ “con cầy” đổi thành “cây còn” và chuyển qua chữ Hán thành “mộc tồn”. Khi dời quán từ nơi này qua nơi khác, sợ khách quen không nhận ra, quán bèn trương bảng hiệu “Đúng rồi” để khách dễ tìm. Rồi cũng có chiến tranh thương hiệu, dọc hai bên hẻm cụt là hàng loạt quán Hai Mơ, cầy tơ 9 món…
Đến với phố Nhật Tân - Sài Gòn, trong những chiều mưa bay, quý khách chợt nhớ đến những đêm chả chìa, rựa mận, dồi nóng ở Hà Nội...

THẾ NGỌC

Tin cùng chuyên mục