Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2014
Nối tiếp thành công và sức lan tỏa của Chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong năm 2013, năm 2014, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở-ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; mở rộng chương trình đến nhiều đối tượng, có quy mô hoạt động nhỏ như các Hợp tác xã, các hộ gia đình làm kinh tế… Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trong năm 2014 sẽ đi vào chiều sâu, tập trung hỗ trợ vốn cho các DN có nhu cầu đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Sẽ có nguồn vốn hỗ trợ trung và dài hạn
Nhìn lại sau hơn 1 năm thực hiện chỉ đạo của NHNN và UBND TP về hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho DN, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM cho biết, hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp mang đậm dấu ấn của TPHCM trong việc cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Theo chỉ đạo của UBND TP, NHNN chi nhánh TPHCM đã phối hợp cùng với các sở-ngành, Hiệp hội DN, quận-huyện nắm bắt tình hình khó khăn của các DN để kết nối vối ngân hàng hỗ trợ vốn kịp thời với lãi suất ưu đãi. Năm 2013, chương trình đã được thực hiện tại 24 quận-huyện, trong đó, có địa bàn đã thực hiện ký kết lần 2.
“Đây là một chương trình đưa vốn thật đến tay các DN chứ không phải ký kết biên bản ghi nhớ. Thậm chí có nhiều DN cần vốn để sản xuất kinh doanh nên các NHTM đã giải ngân luôn trong thời gian chờ ký kết” - ông Minh cho hay. Đến nay, đã có hơn 13.200 tỷ đồng (lãi suất dưới 9% cho ngắn hạn; 9%-12% cho dài hạn) đã được các NHTM giải ngân cho hơn 600 DN, hộ cá thể trên địa bàn TP vay. “Có được kết quả trên là nhờ có sự tham gia tích cực của hệ thống NHTM trên địa bàn TP”- ông Minh nói.
Là một trong những ngân hàng tham gia tích cực các chương trình hỗ trợ DN theo chủ trương của TP ngay từ đầu, Sacombank đã đồng hành cùng các DN vừa và nhỏ, các hộ sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực thông qua các hoạt động bình ổn thị trường, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, triển khai các gói nguồn vốn ưu đãi…
Ông Đào Nguyên Vũ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, chương trình kết nối này đã đem lại kết quả thiết thực cho xã hội, là cầu nối để giúp các DN, hộ sản xuất trên địa bàn TPHCM tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm duy trì phát triển hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả.
“Thông qua chương trình, Sacombank đã cung ứng tổng nguồn vốn hơn 1.135 tỷ đồng đến cộng đồng DN, hộ kinh doanh tại 24 quận huyện trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, Sacombank đã dành hơn 1.700 tỷ đồng để hỗ trợ cho các DN tham gia bình ổn giá thị trường năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014” - ông Vũ cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, năm 2014, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp năm 2014 ngoài dòng vốn ngắn hạn và tập trung cho 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, TP sẽ thực hiện song hành việc hỗ trợ cho các DN đi vào chiều sâu, dành nguồn vốn cho những DN có sản phẩm, hàng hóa công nghệ cao.
“Với chủ trương này, các ngân hàng sẽ sử dụng nguồn vốn trung và dài hạn để cho vay với thời gian trên 12 tháng và tối đa 5 năm. Việc này không chỉ hỗ trợ DN chuyển đổi công nghệ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”- ông Minh nhận định.
60.000 tỷ đồng cho DN đổi mới công nghệ
Vừa qua, tại buổi làm việc giữa Thành ủy, UBND TPHCM với Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên phải đối mặt với việc hội nhập cao, các DN cần phát triển sâu vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Từ đó, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã kiến nghị NHNN chỉ đạo các NHTM trên địa bàn dành khoảng 60.000 tỷ đồng cho vay trung và dài hạn để đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sự đột phá trong hoạt động kinh doanh.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, công nghệ máy móc, thiết bị của các DN hiện nay phần lớn đều lạc hậu. Thời gian tới khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ rất khó cạnh tranh. Do đó, các DN rất cần vốn để đổi mới máy móc công nghệ.
Trên thực tế, các DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận vốn ngân hàng để đổi mới công nghệ. Một phần vì nợ xấu đang tăng cao khiến các ngân hàng ngại cho vay, mặt khác phần lớn DN đã thế chấp hết tài sản nên không đủ điều kiện để vay. Hiệp hội DN TP cũng kiến nghị NHNN chỉ đạo các NHTM xem xét cho các DN được vay và thế chấp bằng chính thiết bị máy móc nhập về.
Trước những kiến nghị trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, thực tế khả năng đầu tư nguồn vốn cho vay trung và dài hạn hiện rất eo hẹp. Tuy nhiên NHNN sẽ cố gắng chỉ đạo để các ngân hàng trên cơ sở nguồn lực tài chính của mình quan tâm hơn đến các dự án trọng tâm của TP.
Liên quan đến tài sản thế chấp, Thống đốc cũng cho biết, sẽ yêu cầu các ngân hàng thực hiện cơ chế chính sách cho vay không phải thế chấp tài sản nhưng DN phải chứng minh được khả năng trả vốn để đảm bảo chất lượng dư nợ tín dụng.
| |
HẠNH NHUNG