Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) về việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP) ở TPHCM tuần qua, ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, kiêm Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt trần tình, đây là giai đoạn mà DN khó từ trong ra ngoài khi tín dụng bị siết chặt, lãi suất cao, bị nước ngoài bắt chẹt do DN ít vốn… Vì vậy cơ quan quản lý cần tháo gỡ ngay những gì trong tầm tay.
Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) về việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP) ở TPHCM tuần qua, ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, kiêm Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt trần tình, đây là giai đoạn mà DN khó từ trong ra ngoài khi tín dụng bị siết chặt, lãi suất cao, bị nước ngoài bắt chẹt do DN ít vốn… Vì vậy cơ quan quản lý cần tháo gỡ ngay những gì trong tầm tay.

Chế biến tôm xuất khẩu phải tuân theo các quy định chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: KIM NGÂN

Chế biến tôm xuất khẩu phải tuân theo các quy định chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: KIM NGÂN

Quýt làm cam chịu

Theo các DN, việc quy định phải có chứng thư nhà nước thì hải quan mới giải quyết việc thông quan dù nước nhập khẩu có yêu cầu hay không là không hợp lý, làm mất thời gian, chi phí và nhân lực. Do đó, ông Dương Ngọc Minh cho rằng chỉ cần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có văn bản gửi Tổng cục Hải quan về yêu cầu các thị trường thì DN sẽ đỡ khổ ngay.

Vấn đề bức xúc thứ hai là việc kiểm nghiệm và chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu ngày càng trở thành gánh nặng của DN, nhất là giai đoạn khó khăn hiện nay, khi mức phí tăng trung bình 1,5-2 lần, trung bình 5-15 triệu đồng/lô hàng.

Theo tính toán, mỗi năm DN phải trả cho Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) từ 1 đến 4 tỷ đồng phí kiểm nghiệm, trong lúc DN cũng phải tốn cỡ đó cho hoạt động tự kiểm. Một DN xuất khẩu sang Nhật Bản cho biết, DN của ông được đưa vào diện DN loại A, tức là việc quản lý và hoạt động của nhà máy về ATTP đều tốt, nhưng khi có sự áp dụng đột xuất phải có chứng thư sang Nhật Bản (thị trường không yêu cầu), mỗi lô hàng phải mất 4,2 triệu đồng.

Chỉ riêng mấy tháng cuối năm DN phải chi hơn 1,8 tỷ đồng tiền kiểm nghiệm của NAFIQAD. Đó là chưa kể, hải quan chỉ cho thông quan khi giấy tờ chứng minh lô hàng là mực, nhưng NAFIQAD lại ghi là nhuyễn thể. DN phải chạy tới chạy lui vì không bên nào chịu bên nào và chịu thiệt mọi bề. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm các lô hàng cùng thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu DN phải mất cả chục ngày mới có chứng thư này, điều này đã làm giảm tính cạnh tranh với các nước. 

Nhưng điều DN bức xúc hơn là việc kiểm nghiệm này chỉ có giá trị trên mẫu gửi kiểm tra, không phải trên lô hàng. Do vậy, DN phải chịu hết trách nhiệm và chi phí phát sinh khi nước nhập khẩu phát hiện lô hàng có vấn đề về an toàn thực phẩm. Lúc đó NAFIQAD yêu cầu DN giải trình mà không có sự liên đới trách nhiệm. Thông thường những vi phạm về vấn đề này là từ việc lạm dụng chất cấm trong nuôi trồng khai thác thủy hải sản, tức là nguồn nguyên liệu trước khi đưa vào nhà máy chế biến, nằm ngoài khả năng kiểm soát của DN. Như vậy, DN phải gánh chịu xử phạt khi mà nguyên nhân từ khu vực khác.

Quản lý chất lượng theo chuỗi

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD cho biết, những điều phản ánh trên lẽ ra các trung tâm vùng có thể gỡ khó ngay cho DN nếu thể hiện rõ hơn trách nhiệm và tiếp tục chỉnh sửa những khâu chưa phù hợp. Sắp tới nhà nước sẽ có chương trình thủy sản xuất khẩu. DN muốn xuất vào thị trường nào chỉ cần đăng ký để áp dụng theo quy định của nước đó. NAFIQAD đề nghị Bộ NN-PTNT bãi bỏ yêu cầu về Chứng thư Nhà nước khi xuất khẩu vào các thị trường không cần, trừ trường hợp khẩn cấp như Nhật Bản và Canada cuối năm 2011 khi việc cảnh báo các lô hàng thủy sản Việt Nam đáng báo động để bảo vệ lợi ích toàn ngành. Lúc đó, buộc phải áp dụng biện pháp kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu.

Hiện nay Bộ NN-PTNT đã bãi bỏ các biện pháp khẩn cấp, giảm bớt khó khăn cho DN.

 4 kiến nghị của VASEP: Thay đổi cách tiếp cận về ATTP phù hợp Luật An toàn thực phẩm; DN không cần có chứng thư của nhà nước khi nước nhập khẩu không yêu cầu; xã hội hóa việc kiểm nghiệm; và thay đổi cách kiểm soát kháng sinh theo hướng từ nguồn thay vì lô hàng như hiện nay.

Vấn đề xã hội hóa việc kiểm nghiệm, đến cuối năm 2011 có 15 đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định kiểm tra an toàn vệ sinh thủy sản, chỉ có 6 đơn vị thuộc 6 trung tâm vùng của NAFIQAD, còn lại là đơn vị thuộc 1 cơ quan quản lý nhà nước khác và 8 đơn vị thuộc các DN làm dịch vụ kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, các DN phản ánh, phòng kiểm nghiệm không thuộc các trung tâm vùng của NAFIQAD chỉ thực hiện thông qua sự phân công giữa các trung tâm vùng thay vì thực hiện trực tiếp các hoạt động kiểm nghiệm liên quan.

Như vậy, phòng kiểm nghiệm của các trung tâm vùng vẫn có vị trí cao hơn so với phòng kiểm nghiệm bên ngoài.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, bản thân DN cũng có phần trách nhiệm khi vẫn muốn thực hiện từ các phòng kiểm nghiệm của NAFIQAD vì cho rằng, như vậy sẽ dễ được cấp hơn. Điều này vô tình làm cho việc xã hội hóa thêm chậm trễ. Những lời ra tiếng vào về việc có hay không chuyện tiêu cực ở các trung tâm vùng, Bộ NN-PTNT yêu cầu NAFIQAD phải xem xét thấu đáo, không để xảy ra những chuyện “con sâu làm sầu nồi canh”.

Để giảm gánh nặng phí kiểm nghiệm, bên cạnh NAFIQAD nên giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra cho những DN làm tốt theo phân loại A, B, C, Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường việc quản lý kiểm soát ATTP thủy sản theo chuỗi, từ ngay từ nguồn nguyên liệu đầu vào khi nuôi hay khai thác.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục