Gỡ khó cho quản lý thu - chi tiền công đức

Nhiều năm qua, còn nhiều lộn xộn trong quản lý thu chi tiền công đức, cúng dường… tại lễ hội, cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi mỗi địa phương, mỗi di tích, lại có cách thu và quản lý khác nhau.

Bản dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc quản lý, thu - chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội do Bộ Tài Chính đưa ra để lấy ý kiến, được cho là bước tiến trong việc tháo gỡ tình trạng mạnh ai nấy làm lâu nay.

Việc quản lý thu - chi tiền công đức trong một thời gian dài bị buông lỏng ở nhiều nơi
Không ép buộc, không trục lợi cá nhân


Theo dự thảo, có 7 nguyên tắc quản lý và sử dụng tiền công đức. Trong đó, một số vấn đề lớn được đưa ra khá cụ thể như: việc dâng cúng, công đức, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho các di tích; hoạt động dịch vụ trong lễ hội, di tích có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức như tiền mặt, hiện vật, tài sản phi vật chất như ngày công lao động trông nom, bảo vệ, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo; và các công tác khác.

Việc vận động, tiếp nhận quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ, trong dự thảo thông tư ghi rõ là phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc, không lợi dụng việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Không được dâng cúng, công đức, tài trợ và không được tiếp nhận các khoản trên có mục tiêu, ý nghĩa hoặc kèm theo các điều kiện làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội; độc hại, nguy hiểm đối với môi trường, sức khỏe của con người hay mê tín, dị đoan, cờ bạc. 

Đối với việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội, trong dự thảo này cũng chỉ ra các khoản chi bồi dưỡng cho những người được trưng tập, ban tổ chức lễ hội, phục vụ trực tiếp hoạt động của di tích vào các dịp lễ hội và tham gia kiểm đếm, chấm công, giám định và giám sát; công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá lễ hội, di tích…

Việc quản lý tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho di tích trong dự thảo cũng đề cao nguyên tắc công khai, minh bạch. Cụ thể như việc phải thành lập tổ tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ. Tổ tiếp nhận có trách nhiệm định kỳ hàng năm công bố thông tin công khai về việc tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ (của từng tổ chức, cá nhân); cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Việc sử dụng nguồn tiền trên được chia ra nhiều đầu mục như: chi phí hương hoa, lễ vật, phẩm vật, đèn nhang dâng cúng hàng ngày tại di tích. 

Dự thảo cũng đưa ra nhiều quy định về việc bài trí hòm công đức, công tác tiếp nhận, ghi chép kiểm đếm các khoản dâng cúng, công đức.

Chi tiết hơn để có thể áp dụng ngay

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh hiện thời, việc ban hành thông tư là hết sức cần thiết. Thực trạng có khá nhiều lộn xộn trong thu - chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội thời gian qua. Những lộn xộn này dẫn đến nhiều mâu thuẫn, thậm chí là tranh chấp ở các địa phương, ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và lễ hội. Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, việc quản lý di tích, tổ chức lễ hội trong bối cảnh chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường, khiến các yếu tố có liên quan đến vật chất như: tiền dâng cúng, lễ vật cung tiến, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cần phải được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng.

Liên quan tới dự thảo thông tư này, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh tính quan trọng của các nguyên tắc thực hiện quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Theo bà, thông tư khi ban hành cần giải quyết được các vấn đề cụ thể như: xác định được các nguồn thu từ di tích, lễ hội gắn với di tích, gồm: tiền tài trợ, tiền cúng dường, tiền giọt dầu, nhang đèn… (gọi chung là tiền công đức); quy định các nguyên tắc chi (chi những gì, chi bao nhiêu theo tỷ lệ hoặc theo định mức...), chi cho những mục gì (đầu tư tôn tạo, quản lý…) và phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Đặc biệt, việc thực hiện thông tư cần đảm bảo quy định về cách thức, nội dung quản lý các khoản tài trợ, công đức. Bộ phận quản lý được thành lập đại diện cho những ai, kiểm soát ra sao, công khai dưới hình thức như thế nào?

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mỗi di tích lại có một cấp hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý. Nơi do cơ quan nhà nước quản lý (như các UBND, Sở VH-TT-DL…); nơi do nhân dân (như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Ủy ban MTTQ…). Vì vậy, nếu chưa chỉ ra cụ thể việc thành lập tổ tiếp nhận công đức, cùng dường như thế nào, mà chỉ đưa ra chung chung sẽ gây khó cho việc thực thi. 

Cùng chung nhận định này, một số chuyên gia cũng cho rằng, từ văn bản pháp quy tới thực tiễn cuộc sống có thể có những khoảng cách nhất định. Bởi thế thông tư cần cụ thể, chi tiết hơn sẽ tiếp cận với cuộc sống nhanh hơn.

Tin cùng chuyên mục