Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột
Sau 12 năm được cấp đăng bạ độc quyền ở nước ta, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa được đăng ký bảo hộ nhiều trên thế giới. Trong đó, có những nước lớn ở châu Âu và châu Mỹ từ chối đăng ký bảo hộ cho CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột tại nước họ. Tình thế này đòi hỏi các doanh nghiệp cần đồng tâm để đưa thương hiệu nước ta ra thế giới.
Du khách nước ngoài tìm hiểu về sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột
12/17 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ
Cà phê Đắk Lắk hiện có diện tích khoảng 200.000ha, sản lượng bình quân hàng năm 450.000 tấn và mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 500 - 600 triệu USD/năm. Nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ cà phê Việt Nam” và cây cà phê đầu tiên được đem về trồng ở vùng đất này cách đây khoảng 100 năm. Vào năm 2005, CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ độc quyền 10 năm trên diện tích hơn 100.000ha tại địa bàn 8 huyện, thị trong tỉnh Đắk Lắk. Nhưng đến nay, mới chỉ có 11 doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu cà phê trong tỉnh được cấp quyền sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích 15.300ha và 47,5 ngàn tấn. Trong đó, chỉ có khoảng 20.000 tấn cà phê có CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột được DN quảng bá và đưa ra thị trường nước ngoài với giá trị tăng thêm 2-3%.
Sau sự kiện một DN Trung Quốc đăng ký bảo hộ sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột tại nước họ vào năm 2010, tỉnh Đắk Lắk mới bắt đầu chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài. Sau 2 năm tiến hành các thủ tục pháp lý yêu cầu hủy bỏ đăng ký bảo hộ “Buôn Ma Thuột Coffee” trên lãnh thổ Trung Quốc, đến tháng 2-2013, yêu cầu này mới được phía Trung Quốc chấp thuận. Đến giữa năm 2014, nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee” (thuộc sở hữu của UBND tỉnh Đắk Lắk) mới được bảo hộ tại Trung Quốc dưới hình thức nhãn hiệu tập thể.
Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, từ 2014 đến nay, nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee” đã được tỉnh Đắk Lắk nộp đơn đăng ký bảo hộ dưới các hình thức khác nhau tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng hiện mới chỉ có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ “Buôn Ma Thuột Coffee”, còn các nước lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Thụy Điển đã từ chối bảo hộ. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho hay: “Bảo hộ thương hiệu ở các thị trường nước ngoài đối với CDĐL - một loại tài sản chung của cộng đồng, là một chiến lược cần phải tính toán, cân nhắc vì đây là quá trình lâu dài, tốn kém. Cần phải có sự chung tay đóng góp hiệu quả của các DN xuất khẩu lớn trong ngành hàng cà phê, trong đó quan trọng nhất là đại diện chủ sở hữu thương hiệu này. Hiện chúng tôi đang tạm dừng theo đuổi đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee” tại Mỹ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Thụy Điển vì chi phí giành quyền sở hữu quá lớn, trong khi khả năng thành công chưa biết rõ”.
Cần DN chung tay, góp sức
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee” tại thị trường các nước lớn là hết sức quan trọng và cần thiết để tránh việc phải tốn công sức, tiền của đi đòi lại nhãn hiệu này khi DN nước ngoài họ đăng ký trước. Còn theo ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê An Thái - Đắk Lắk, bản thân các DN được cấp quyền sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột cũng cần liên kết để tạo tiếng nói chung nhằm mục đích đưa logo thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vào hợp đồng mua bán cũng như in hình ảnh trên bao bì sản phẩm, cùng với nâng cao chất lượng từ vườn cây đến sản phẩm hoàn thiện. “Trên thực tế, nhiều DN trong tỉnh được cấp quyền sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột khi xuất khẩu, nhưng họ không mặn mà gắn logo khi xuất khẩu. Bởi chỉ dẫn này còn quá mới với người tiêu dùng quốc tế, chưa phải là nhu cầu của các nhà chế biến. Mặt khác, bản thân việc phát triển CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhật ký mới chỉ ghi chép số liệu về sản xuất chứ chưa có số liệu về thương mại, sản phẩm giao dịch trên thị trường còn hạn chế”, ông Lợi cho biết thêm.
Còn theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, thương hiệu, CDĐL là vấn đề lâu dài và phải có quá trình xây dựng, phát triển. Vì thế, Việt Nam chưa nên đặt nặng vấn đề lợi ích kinh tế, giá trị tăng thêm mà phải tạo ra sự nhận biết và thừa nhận đối với khách hàng. “Về lâu dài, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào cà phê có CDĐL, gắn việc phát triển CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột với thương hiệu quốc gia. Trong đó, cần hình thành chuỗi liên kết và thành lập quỹ ngành hàng cà phê để xúc tiến hoạt động thương mại, quảng bá thương hiệu và cho nông dân vay vốn với lãi suất 0% để tái canh cà phê. Các tổ chức có liên quan đến quản lý chất lượng cần tiến hành việc cấp chứng nhận chất lượng hàng năm cho cà phê có CDĐL”, ông Minh đề xuất.
CÔNG HOAN