Qua 20 năm phát triển, các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) ở Cần Thơ thu hút vốn đầu tư khá tốt. Đặc biệt, trong 4 năm (2006 - 2009) đã thu hút 1,4 tỷ USD, chiếm 65% tổng vốn đăng ký suốt thời gian qua. Các KCN đã tạo nguồn thu cho ngân sách TP Cần Thơ gần 30%, giá trị sản lượng công nghiệp đứng đầu các tỉnh ĐBSCL…
Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây việc thu hút đầu tư sụt giảm nghiêm trọng; mặc dù TP Cần Thơ có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp hơn một số tỉnh trong vùng ĐBSCL. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN Cần Thơ đã nêu ra những nguyên nhân chính yếu để có những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy công nghiệp Cần Thơ phát triển. Trong đó, TP Cần Thơ có vị trí trung tâm ĐBSCL. Công nghiệp Cần Thơ phát triển sẽ là đầu tàu thúc đẩy và lôi kéo các tỉnh trong vùng cùng đi lên. Công nghiệp của ĐBSCL chủ yếu là công nghiệp chế biến như gạo, cá da trơn, tôm, mía, dừa, trái cây, gỗ băm… Nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp không nhiều và không đa dạng; chủ yếu là nông thủy hải sản, năng lượng, một ít lâm nghiệp, đất sét, đá vôi ở Kiên Giang, đá ở An Giang, nước ngầm, cát sông… Diện tích đất của ĐBSCL phần lớn đều nằm trên nền địa chất yếu. Từ đó chi phí xây dựng cơ bản cao hơn các vùng khác từ 20% - 35% trên toàn bộ giá trị công trình, thời gian thi công thường kéo dài đã làm cho các nhà đầu tư ngành công nghiệp nặng ít đến Cần Thơ và ĐBSCL.
Mô hình KCX-KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao… có nhiều thay đổi. Các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN về thuế thu nhập doanh nghiệp không còn. Các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN Cần Thơ không còn được hưởng ưu đãi theo địa bàn mà chỉ còn ưu đãi ngành nghề và sản phẩm. Về thủ tục hành chính một cửa và một cửa liên thông tại chỗ đối với KCN của Việt Nam là tương đối thuận lợi, hấp dẫn và hiệu quả so với các nước trong khu vực. Nhưng những năm gần đây, thủ tục hành chính này bị thay đổi và phá vỡ theo chiều hướng bất lợi cho nhà đầu tư và có khả năng làm cho nhà đầu tư quay mặt, hạn chế vào các KCN…
Việc quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam và các tỉnh ĐBSCL chỉ có trên 50% KCN là thành công. Số còn lại đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, cơ chế hoạt động, kinh doanh. Tính chất dàn trải, thiếu tập trung về không gian, ngành nghề, sản phẩm… cơ chế, chính sách thay đổi thường xuyên nhất là Luật đất đai; thuế; môi trường… thiếu đồng bộ, đã làm suy yếu tính ưu việt của mô hình quản lý nhà nước về KCN. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong từng vùng và khu vực đã làm cho hiệu quả kinh tế - xã hội thấp. Việc quy hoạch thêm nhiều KCN, khu kinh tế ở một số địa phương đã có KCN chưa lắp đầy (dưới 50% diện tích) dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang, sử dụng đất kém hiệu quả. Mặt khác, nguy cơ ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng rất lớn đến việc kêu gọi đầu tư.
Quy mô các dự án ở KCN Cần Thơ phần lớn là vừa và nhỏ, công nghệ thấp, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều diện tích đất và nhiều lao động phổ thông, suất tiêu hao nhiên liệu cao, mức lương thu nhập thấp (bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng). Các chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các tiêu chuẩn và phúc lợi xã hội khác cho người lao động thấp như thiếu nhà ở công nhân, khu vui chơi giải trí… nên phần lớn công nhân không thiết tha và gắn bó với nhà máy. Trong những năm qua, TP Cần Thơ rất quan tâm việc xúc tiến đầu tư và đã tốn khá nhiều ngân sách cho việc này. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì còn nhiều hạn chế cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, việc xúc tiến đầu tư nên theo hướng xã hội hóa. Không nên tổ chức quá nhiều đoàn ra nước ngoài mà không chuẩn bị kỹ, không am hiểu về đối tác, lĩnh vực và ngành nghề thu hút đầu tư; luật pháp, phong tục tập quán nước sở tại; đặc biệt là luật chuyển giao công nghệ ra nước ngoài của các nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…
| |
HUY PHONG