Năm 2019, Bộ Y tế đã thí điểm nhiều ứng dụng y tế thông minh mang lại hiệu quả thiết thực. Để đạt được những thành tựu này, yếu tố tiên quyết là hành lang pháp lý cho ứng dụng CNTT trong y tế. Bên cạnh đó, công nghệ ứng dụng trong y khoa đã đạt được những bước tiến thần tốc. Các công nghệ 4.0 sớm được thử nghiệm và triển khai thực tế tại Việt Nam như công nghệ in 3D, giải pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh, hình ảnh từ xa bằng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống phẫu thuật bằng robot, hệ thống công nghệ y tế trực tuyến Telemedicine (dành cho các tuyến cơ sở, khám chữa bệnh từ xa)...
Với những tiền đề trên, đây có thể coi là thời điểm vàng để đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế, hướng tới quốc gia số. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo và chuyên gia y tế cho rằng, rào cản lớn nhất là tình trạng dữ liệu phi tập trung. Nguồn dữ liệu lớn xuất phát từ các BV, phòng khám rất đa dạng song do thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống lưu trữ thống nhất, nên nguồn dữ liệu quý giá vẫn nằm chủ yếu dưới dạng phi cấu trúc, phi tập trung và chưa được khai thác hiệu quả để cải tiến chất lượng chăm sóc sức khỏe.
Để giải quyết vấn đề, “mô hình lưu trữ dữ liệu trên nền tảng số phục vụ ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam” được đưa ra. Theo ông Lý Đức Đoàn, Giám đốc Trung tâm Y tế số FPT, đây là mô hình hệ thống thông tin y tế hướng dữ liệu, với lõi là trục chuyển mạch thông tin y tế - có chức năng như nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo chiều ngang (giữa cơ sở y tế các địa phương) và chiều dọc (cơ sở y tế với Bộ Y tế). Nhờ đó, toàn bộ nguồn dữ liệu khổng lồ từ các nơi được xâu chuỗi và chuẩn hóa về một nguồn. Mô hình này cũng được ứng dụng để hỗ trợ phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, cho phép người dân ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới. Dựa trên kho dữ liệu này, các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế có thể cảnh báo dịch bệnh, giám sát những tình huống bất thường cũng như chủ động triển khai các dịch vụ mới phục vụ người dân.