Hàng loạt những khó khăn và bất cập nảy sinh sau khi NĐ 64/CP của Chính phủ quy định mới về cấp phép xây dựng (CPXD) được ban hành. NĐ 64/CP đã có hiệu lực đã gần 2 tháng (từ ngày 20-10-2012) nhưng hiện nay hàng ngàn hồ sơ xin CPXD của người dân trên trên địa bàn TPHCM vẫn chưa được giải quyết vì không đủ điều kiện theo quy định mới. Liên quan đến báo cáo và đề nghị của UBND TPHCM nhằm gỡ vướng trong công tác CPXD, Bộ Xây dựng vừa giải trình một số vấn đề liên quan và mới chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép căn cứ vào các quy định cũ để CPXD cho đến ngày 1-7-2013.
Được cấp phép xây dựng tạm trong lộ giới
Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến cho TPHCM không thể CPXD cho người dân là NĐ 64/CP quy định, điều kiện được CPXD (kể cả CPXD tạm) của nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy chế quản lý kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị. Trong khi đó, thực tế tại TPHCM chưa có nhiều quận-huyện có quy hoạch 1/500 và thiết kế đô thị nên cả ngàn hồ sơ xin CPXD của người dân tại TP bị ách.
Trong thời gian hoàn thành quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, UBND TPHCM kiến nghị được căn cứ vào các quy định về kiến trúc nhà liên kế trong đô thị hiện hữu (cụ thể là theo QĐ 134 và 45 của UBND TP) để CPXD. Đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 thì được căn cứ vào giấy phép quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch để CPXD. Về kiến nghị này, Bộ Xây dựng cho biết, theo NĐ 37/CP của Chính phủ thì giấy phép quy hoạch là cơ sở để chủ đầu tư (CĐT) lập đồ án quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nên giấy phép quy hoạch không đủ cơ sở được CPXD.
Theo Bộ Xây dựng, điều kiện để CPXD là công trình phải phù hợp với quy hoạch đô thị. Trường hợp khu vực đô thị đã cơ bản ổn định về chức năng sử dụng các lô đất thì không phải lập đồ án quy hoạch đô thị nhưng phải lập đồ án thiết kế đô thị để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng và CPXD. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TPHCM đẩy nhanh việc lập, phê duyệt quy hoạch và thiết kế đô thị cho đúng quy định.
Riêng kiến nghị của UBND TP về việc được áp dụng QĐ 135 và 45 của UBND TP để CPXD cho người dân trong thời gian chờ hoàn chỉnh các quy định về kiến trúc, quy hoạch và thiết kế đô thị, Bộ Xây dựng cũng đồng tình và đã chính thức kiến nghị Thủ tướng cho phép các tỉnh, TP được áp dụng các điều kiện theo quy định hiện hành để CPXD cho đến hết ngày 1-7-2013.
Liên quan đến CPXD tạm, NĐ 64/CP quy định chỉ có đối tượng nhà ở thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất mới được CPXD tạm. Trong khi đó, trước khi có NĐ 64/CP, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương cho sửa đổi QĐ 68 của UBND TP về CPXD theo hướng nhà ở trong phạm vi lộ giới, hẻm giới nhưng chưa có kế hoạch thực hiện thì được xây dựng tạm với quy mô tối đa không quá 3 tầng hoặc theo hiện trạng công trình.
Đây là một trong những tín hiệu vui cho người dân nằm trong khu vực quy hoạch “treo” vì nhiều trường hợp người dân bị “dính” quy hoạch hẻm giới, lộ giới phải chờ cả chục năm để được mở rộng mà trong thời gian đó nhà không được xây dựng hay sửa chữa mà chỉ được vá víu, sống tạm bợ. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, UBND TP đã kiến nghị theo hướng trên. Về việc này, Bộ Xây dựng cũng đã đồng tình và lưu ý: công trình được xây tạm phải đảm bảo các điều kiện về an toàn công trình, an toàn cháy nổ, đảm bảo hành lang an toàn, môi trường.
Thủ tục vẫn chưa đơn giản
Ngoài những quy định chưa phù hợp với thực tế, NĐ 64/CP quy định, thành phần hồ sơ xin CPXD nhiều hơn trước đây. Điều đáng lưu ý là trong hồ sơ xin CPXD phải có thêm các bản vẽ kết cấu chịu lực chính. UBND TPHCM cho rằng việc này đi ngược với xu hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nên đã kiến nghị không đưa loại bản vẽ này trong thành phần hồ sơ xin CPXD. Tuy nhiên, giải trình về việc này với Thủ tướng, Bộ Xây dựng không đồng tình với kiến nghị của TP và cho rằng, quy định này là phù hợp với quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng. Đó là công trình khởi công xây dựng phải có thiết kế bản vẽ thi công.
“Như vậy, CĐT chỉ cần lấy một số bản vẽ kết cấu chịu lực chính trong hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt nộp trong hồ sơ xin CPXD để cơ quan CPXD thấy được thiết kế công trình đã được thẩm định, phê duyệt. Đơn vị thiết kế và thẩm tra thiết kế (nếu có) phải chịu trách nhiệm về thiết kế và an toàn công trình”- Bộ Xây dựng lý giải. Còn đối với các công trình riêng lẻ từ 3 tầng trở xuống, tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 thì CĐT tự tổ chức thiết kế xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn công trình và các công trình lân cận mà không bắt buộc phải thẩm định, phê duyệt như công trình yêu cầu phải lập dự án.
Về việc này, một cán bộ của Sở Xây dựng cho rằng, chi phí thực hiện bản vẽ kết cấu chịu lực rất cao và tốn nhiều thời gian. Nếu Bộ Xây dựng vẫn không đồng ý bỏ loại bản vẽ này thì có nghĩa là để xin CPXD 1 căn nhà trước đây chỉ cần có bản vẽ kiến trúc với chi phí khoảng 2-3 triệu đồng/bản vẽ để đưa vào hồ sơ, nhưng nay, người dân phải thuê làm bản vẽ kết cấu với chi phí gấp 3-4 lần. Thậm chí, chi phí thực hiện bản vẽ kết cấu chịu lực của một số dự án lên đến cả tỷ đồng.
“Theo tôi, lý giải của Bộ Xây cho rằng chỉ cần lấy một số bản vẽ kết cấu chịu lực trong hồ sơ thiết kế để nộp vào hồ sơ CPXD là chưa hợp lý. Bởi lẽ, Luật Xây dựng quy định rõ khi khởi công mới cần bản vẽ thiết kế thi công, trong khi đó, thời gian từ khi làm thủ tục xin CPXD cho đến khi khởi công dự án phải mất từ 2-3 năm. Đó là chưa kể theo quy định, việc nộp bản vẽ kết cấu chịu lực để xin CPXD thì cán bộ thụ lý hồ sơ không cần phải thẩm định thì nộp thêm vào để làm gì. Trong thời gian 2-3 năm đó, nếu GPXD phải điều chỉnh thì CĐT cũng phải điều chỉnh cả bản vẽ này rất phức tạp, gây lãng phí tiền của và thời gian”- vị này cho hay. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, quy định đưa thêm thủ tục này vào hồ sơ xin CPXD là không cần thiết.
| |
HẠNH NHUNG