Góc độ khác của “Mùa xuân Ảrập”

“Mùa xuân Ảrập” xảy ra đã hơn 1 năm trước nhưng những hệ lụy của nó vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay. Nhìn lại gốc rễ của vấn đề, các chuyên gia nhận thấy “Mùa xuân Ảrập” không chỉ khởi đầu từ những căng thẳng kinh tế hay chính trị mà còn bắt nguồn từ những căng thẳng về đất đai, nguồn nước, thực phẩm, những yếu tố quan trọng của môi trường, dân số và biến đổi khí hậu.
Góc độ khác của “Mùa xuân Ảrập”

“Mùa xuân Ảrập” xảy ra đã hơn 1 năm trước nhưng những hệ lụy của nó vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay. Nhìn lại gốc rễ của vấn đề, các chuyên gia nhận thấy “Mùa xuân Ảrập” không chỉ khởi đầu từ những căng thẳng kinh tế hay chính trị mà còn bắt nguồn từ những căng thẳng về đất đai, nguồn nước, thực phẩm, những yếu tố quan trọng của môi trường, dân số và biến đổi khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu

Theo giới truyền thông, thế giới Ảrập thức tỉnh là từ sự kiện một thanh niên Tusinia bán trái cây tự thiêu vì bị cảnh sát gây khó dễ do không có giấy phép bán thực phẩm. Ở Syria là từ sự việc những nông dân ở làng Dara’a phía Nam nước này yêu cầu được mua bán đất gần biên giới nhưng các quan chức an ninh tham nhũng không cho phép.

Vườn cây ở Lybie không sống nổi vì hạn hán kéo dài.

Vườn cây ở Lybie không sống nổi vì hạn hán kéo dài.

Tại Yemen, quốc gia đầu tiên trên thế giới được dự đoán sẽ cạn kiệt nước, một trong hàng loạt những nỗi bất bình chống lại chính phủ (cũ) là việc hầu hết các quan chức cấp cao nước này đã tự đào giếng trong sân trong khi chính phủ kêu gọi bảo vệ nguồn nước ngầm.

Trong báo cáo gửi Trung tâm khí hậu và an ninh ở Washington, hai chuyên gia Francesco Femia và Caitlin Werrell nhấn mạnh: “Ngoài sự phản ứng của người dân trước đàn áp của Chính phủ Syria thì trong những năm gần đây, việc môi trường xấu đi và biến đổi khí hậu đã làm thỏa thuận dân chủ giữa người dân và chính phủ đi vào bế tắc, khiến xã hội thêm bất ổn”.

Một trang trại cà phê ở Yemen chết khô vì hạn hán.

Một trang trại cà phê ở Yemen chết khô vì hạn hán.

Từ năm 2006 đến 2011, có đến 60% đất nông nghiệp ở Syria phải hứng chịu những đợt hạn hán tồi tệ nhất khiến mùa màng bị thất thu nghiêm trọng. Kết quả phân tích của Cục Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ công bố tháng 10-2011 trên Tạp chí Khí hậu cho thấy hiện tượng hạn hán vào mùa đông ở Trung Đông, thời gian mà khu vực này thường nhận được lượng mưa để bổ sung cho tầng nước ngầm, đang nhiều hơn.

Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu về giảm nhẹ thiên tai, số người dân Syria sống dựa vào nông nghiệp mất 75% hoa màu của họ. Khoảng 1,3 triệu người ở Đông Bắc Syria cũng bị mất 85% số vật nuôi. LHQ cho biết có hơn 800.000 nông dân Syria hiện trắng tay vì hạn hán, buộc họ phải đổ xô đến các thành phố lớn tìm việc, tạo ra gánh nặng cho chính phủ vốn đang suy yếu. Giới quan sát nhận định nếu khí hậu cứ ngày một xấu đi thì Bắc Phi và Trung Đông có thể xảy ra khủng hoảng lương thực và điều này sẽ lại tạo ra bất hòa giữa người dân với chính quyền mới.

Mối lo bùng nổ dân số

Ông Nafeez Mosaddeq Ahmed, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển ở London (Anh), trích dẫn số liệu của nhật báo The Daily Star của Lebanon chỉ ra rằng 12 trong số 15 nước trên thế giới có nguy cơ khan hiếm nước, nhất là Algeria, Libya, Tunisia, Jordan, Qatar, Saudi Arabia, Yemen, Oman, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Kuwait, Bahrain, Israel và Palestine (đều thuộc Trung Đông).

Tình trạng tồi tệ ở những nước này sẽ càng trầm trọng hơn sau 3 thập kỷ tới, thời gian được dự báo là sẽ có bùng nổ dân số ở Trung Đông. Mặc dù tỷ lệ sinh đang giảm nhưng 1/3 dân số Trung Đông vẫn ở độ tuổi dưới 15 và phần lớn lại là những phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh nở.

Theo một nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Anh, đến năm 2030, dân số ở Trung Đông sẽ tăng 132% so với hiện nay, tạo ra “độ phình” của tầng lớp thanh niên lớn chưa từng thấy trong phân bổ nhân khẩu học. Hệ quả của việc này là nguồn nước vốn đã thiếu sẽ cạn kiệt nhanh hơn.

Chủ tịch Viện Chính sách thế giới Lester Brown lưu ý rằng 20 năm trước, khi còn sử dụng công nghệ khoan dầu, Saudi Arabia đã tự khoan lấy nước từ tầng nước ngầm bên dưới lớp cát sa mạc để tưới tiêu cho các cánh đồng lúa mì, giúp quốc gia tự cung tự cấp loại lương thực này. Nhưng đến nay, khi nguồn nước cạn kiệt thì ngành sản xuất lúa mì của quốc gia này cũng biến mất. Thay vào đó, Saudi Arabia đã đầu tư đất trang trại ở Ethiopia và Sudan. Nhưng điều này có nghĩa họ cũng đang rút dần nước từ sông Nile, gây tác hại đến thủy lợi của Ai Cập, nơi có “vựa lương thực” là đồng bằng châu thổ sông Nile cũng đang bị tổn thương do nước biển dâng cao và ngập mặn.

Trả lời câu hỏi đâu là mối đe dọa thật sự đến an ninh của Trung Đông và Bắc Phi nói riêng và thế giới nói chung, Chủ tịch Brown khẳng định đó là biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số, thiếu hụt nguồn nước, tăng giá lương thực chứ không phải là danh sách các nhà nước bị “thất sủng” ngày càng kéo dài. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế và người Ảrập cần nhanh chóng tìm ra những giải pháp để giảm thiểu các mối đe dọa môi trường trước mắt.

Còn đối với phương Tây, nhất là Mỹ, các chuyên gia kêu gọi thay vì tiếp tục tự cho là đang hỗ trợ nhiệt tình vào các phong trào dân chủ thì hãy quan tâm hơn đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu và cải cách quản lý nguồn nước cho Trung Đông và Bắc Phi.

Nếu thế giới Ảrập chỉ tập trung giải quyết mâu thuẫn chính trị mà quên đi những yếu tố trên thì tình hình xã hội ở Trung Đông và Bắc Phi khó có thể ổn định.


THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục