Việc xếp hạng tín dụng của S&P, Moody’s và Fitch mang tính sống còn đối với mỗi quốc gia, mỗi tổ chức. Nhưng chắc hẳn ít ai biết đến quá trình xem xét và đưa ra những phán quyết của những tổ chức đánh giá tín dụng trên.
Quy trình nâng - hạ mức tín dụng
Theo Francois Veverka, một cựu nhân viên của S&P, trong khi các công ty kiểm toán có tiếng nói đáng kể đối với kinh tế toàn cầu, các nhà phân tích của S&P, Moody’s và Fitch lại không phải là “những ông vua của các sàn chứng khoán”. Đỉnh của kim tự tháp tài chính là những người giao dịch, chủ ngân hàng, chủ các quỹ đầu tư và nhà phân tích số liệu. Sau đó mới đến các nhà phân tích cho bên mua và bán tín dụng, thường làm trong các ngân hàng.
Và cuối cùng, ở đáy của hình tháp, mới là chỗ của các nhà phân tích và các công ty đánh giá tín dụng. Tuy nhiên, hồ sơ của các chuyên gia phân tích đánh giá tín dụng thì khá đáng nể. Những người này thường được đào tạo về kinh tế học và có kinh nghiệm làm việc ở một tổ chức quốc tế theo kiểu như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế châu Âu (OECD). Đơn cử như nhà phân tích David Beers, người trở nên nổi tiếng khi hạ thấp điểm tín nhiệm của Mỹ vừa rồi. Ông Beers tốt nghiệp trường Kinh tế Luân Đôn, và làm việc cho S&P từ năm 1990.
Công việc đánh giá tín dụng thực sự đơn điệu khi “những nhà phân tích chỉ thích nhốt mình trong phòng để tính toán hết ngày này sang ngày khác”. Còn về cách làm việc, tờ Liberation dẫn lời một chuyên gia tiết lộ về quá trình hạ điểm tín nhiệm của Hy Lạp như sau: 3 nhà phân tích của S&P đến Athens và ở đó vài ngày. Họ tiếp kiến với thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp, đọc tờ Herald Tribune, uống rượu rồi trở về New York. Thế là sau đó, họ đã có nhận định chính thức về tình hình tài chính Hy Lạp.
Công việc thẩm định của các nhà phân tích diễn ra rất nhanh. Số người tham gia nhóm điều tra thường được hạn chế đến mức thấp nhất để tiết kiệm chi phí. Việc soạn một đánh giá tài chính bước đầu chỉ mất vài tuần. Sau khi được chỉ định, một người được gọi là trưởng nhóm phân tích và một người trợ lý bắt đầu chiến dịch thu thập thông tin từ khắp các nguồn: báo cáo thường niên, các nghiên cứu kinh tế và các điều tra thực địa. Họ cũng gặp giám đốc tài chính các công ty hoặc thành viên chính phủ. Họ được tiếp cận với các thông tin mật. Và dĩ nhiên, họ không thoát khỏi ảnh hưởng bởi các mối quan hệ bạn bè. Theo Norbert Gaillard, tác giả của luận án tiến sĩ viết về các công ty thẩm định, Moody’s bị nghi ngờ cố tình hạ thấp tín nhiệm của Hy Lạp để phục vụ cho lợi ích của Ngân hàng châu Âu.
Sau giai đoạn tìm hiểu thông tin là giai đoạn cho ra đánh giá. Một nước được xếp AAA phải có tăng trưởng tốt, ít nợ và quản lý tốt. Theo nhà phân tích F.Veverka, việc đánh giá luôn bị ảnh hưởng bởi vấn đề ý thức hệ chính trị, khi quản lý tốt ở đây thường được hiểu là “quốc gia dân chủ” theo góc nhìn của các công ty đánh giá. Hơn nữa, mỗi một công ty thẩm định lại có thêm các tiêu chí đánh giá khác nhau. Ví dụ, trong khi S&P đặt nặng về vấn đề kinh tế trong ngắn hạn thì Moody’s và Fitch lại chú trọng về sự thay đổi quan điểm ảnh hưởng đến hoạt động của một chu kỳ kinh tế.
Không ai biết trước khi nào bị hạ mức tín nhiệm. Tất cả được thực hiện bởi một ủy ban thẩm định khép kín, thành lập theo yêu cầu của trưởng nhóm phân tích. Sau đó ủy ban này tiến hành cuộc họp theo kiểu hội nghị điện thoại trực tuyến. Thành phần tham gia khoảng 12 người thuộc công ty, từ các nhà phân tích làm việc thực địa tại các nước đến giám đốc quản lý các vùng có liên quan. Catherine Gerst, một cựu nhân viên của Moody’s và nay đã chuyển sang DBRS của Canada, cho biết, trưởng nhóm phân tích đầu tiên đưa ra yêu cầu là nâng hay hạ thấp điểm tín nhiệm, sau đó các thành viên tiến hành biểu quyết. Nếu đa số thông qua thì yêu cầu của trưởng nhóm chính thức có hiệu lực, nếu không, trưởng nhóm sẽ triệu tập một ủy ban khác.
Khi đã có kết quả thẩm định chính thức, kết quả này sẽ được gửi ngay lập tức tới đối tượng phát hành trái phiếu nợ. Nước này xem xét để biết có sai sót gì không và chuẩn bị đối phó với phản ứng của thị trường. Sau đó, điểm thẩm định trên sẽ được công khai. Tại châu Âu, hạn định cho việc này là trong khoảng thời gian 12 giờ.
Theo Liberation, các công ty thẩm định được trả tiền thù lao bởi những đối tác nhờ họ thẩm định. Các đối tượng được thẩm định hiểu rõ rằng, phải có chỉ số thẩm định tín nhiệm để có thể tìm được người mua trái phiếu của họ, vì thế họ buộc phải nhờ đến các công ty thẩm định.
Đối với các công ty thẩm định, những thương vụ này là những mỏ vàng, bởi tiền thù lao được tính theo quy mô công trái nợ: phát hành càng nhiều trái phiếu, thù lao càng nhiều. Và vì vậy họ không ngần ngại thổi phồng năng lực của một công ty khi cần thiết. So với cách đây 10 năm, hiện tại công việc của các nhà phân tích đã tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, các công ty thẩm định ngày càng kiếm được nhiều tiền, nhưng sai sót cũng ngày càng tăng.
Hạn chế quyền lực
Theo New York Times, việc một ủy ban gồm cả tá người không ai biết đến quyết định hạ mức tín dụng của một quốc gia đang đặt ra các câu hỏi về độ tin cậy trong đánh giá cũng như vai trò của các công ty này đối với thị trường tài chính. Vụ việc của S&P cũng làm sống lại những tranh cãi của nhiều chuyên gia kinh tế kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 rằng phải giảm sức mạnh, hạn chế quyền lực của các công ty thẩm định tín dụng.
Chính vì vậy, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) hiện đang điều tra liệu S&P và Moody’s có quá phụ thuộc vào các thông tin cũ và không thể tiến hành đầy đủ các nghiên cứu khi đánh giá mức độ tín nhiệm của các khoản nợ thế chấp, từng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo SEC, các hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu là nguyên nhân chủ yếu gây sụp đổ tài chính, đổ thêm dầu vào lửa cỗ máy chứng khoán thế chấp 1.000 tỷ USD của Phố Wall trước khi khủng hoảng kết thúc. Trước đó, Moody’s và S&P đã bị chỉ trích về việc dành mức xếp hạng tốt nhất cho các khoản nợ thế chấp vì đây là một hoạt động kinh doanh có lời trước khi khủng hoảng tài chính bùng nổ vào năm 2008. Khi giá nhà tại Mỹ bắt đầu đi xuống, giá trị của các khoản nợ này theo đó sụt giảm mạnh.
Khái niệm xếp hạng tín dụng xuất hiện vào cuối những năm 1950, bắt nguồn từ mô hình tính điểm tín dụng FICO (đăng ký độc quyền bởi Fair Isaac Corporation) chuẩn ở Mỹ, Canada và một số khu vực khác. Ý tưởng ban đầu là tốt, khi xếp hạng được xem như một công cụ đánh giá độ an toàn của các định chế tài chính. Nhưng cuối cùng lại tạo ra một hệ thống, trong đó nhận được một mức đánh giá cụ thể tương đương với “chìa khóa mở cửa thị trường” (Thỏa thuận ngầm giữa công ty thẩm định tín dụng và đối tượng bị đánh giá tín dụng). |
ĐỖ VĂN (Tổng hợp từ Liberation, NYT, Wikipedia)