Góp cho đời một chút hương

Mới 54 tuổi nhưng sau ca phẫu thuật tim tái phát, ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng ban điều hành khu phố 3, phường 1 quận 4, trông già sọp. Vừa nằm ở nhà vài hôm, hàng xóm lại thấy ông tất bật đi đi về về vận động tiền thực hiện chương trình “Dân giúp dân” của khu phố (hỗ trợ người nghèo bằng tiền vận động của người dân).
Góp cho đời một chút hương

Mới 54 tuổi nhưng sau ca phẫu thuật tim tái phát, ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng ban điều hành khu phố 3, phường 1 quận 4, trông già sọp. Vừa nằm ở nhà vài hôm, hàng xóm lại thấy ông tất bật đi đi về về vận động tiền thực hiện chương trình “Dân giúp dân” của khu phố (hỗ trợ người nghèo bằng tiền vận động của người dân).

“Tôi sợ không còn nhiều thời gian nữa, làm được việc gì thì ráng mà làm cho trót…” - người đảng viên gần 30 tuổi Đảng, điển hình Dân vận khéo cấp TP, cười hiền hậu giải thích. Sớm tối, người dân khu phố 3, phường 1 quận 4 lại thấy ông trưởng ban điều hành lụi cụi gom góp cho đời những câu chuyện ân tình.

Ông Nguyễn Văn Huệ (giữa) thăm ông Nguyễn Công Ty - hộ xóa đói giảm nghèo được chương trình “Dân giúp dân” hỗ trợ gạo.

Ông Nguyễn Văn Huệ (giữa) thăm ông Nguyễn Công Ty - hộ xóa đói giảm nghèo được chương trình “Dân giúp dân” hỗ trợ gạo.

Một bận ngồi hóng mát trước cửa nhà, ông Huệ thấy hai đứa nhỏ con bà Bùi Thị Hồng nhà đối diện (hộ nghèo của phường, đang nhận hỗ trợ 10kg gạo/tháng từ chương trình “Dân giúp dân”) chạy chơi khắp xóm suốt buổi mà không đi học. Ông kêu hai đứa lại hỏi chuyện mới biết bà Hồng không đóng tiền trường nên cho con tạm nghỉ học. Nghĩ tới nghĩ lui, ông lên Hội Khuyến học phường trình bày, xin ứng 1 triệu đồng giúp các cháu đóng trước học phí rồi sẽ trừ dần vào các suất học bổng khuyến học được hưởng hàng quý. Sau lần đó, người dân trong xóm lại thấy mấy đứa nhỏ con bà Hồng đồng phục ngay ngắn, tiếp tục đến trường.

Đó không phải việc tốt hiếm hoi ông Huệ đã làm được cho cộng đồng trong khu phố nghèo của mình. Thấy hai vợ chồng già ông Nguyễn Công Ty, ở 37/3A Tôn Thất Thuyết, thường đau ốm nhưng không có tiền mua bảo hiểm, ông Huệ lại lọ mọ đi lên phường xin được hai suất BHYT (từ UBND phường và MTTQ phường). Mỗi tháng, vợ chồng ông Ty cũng được lĩnh 10kg gạo từ chương trình “Dân giúp dân”. Sát bên, hộ bà Lê Thị Bé cũng là trường hợp đặc biệt, cũng được hỗ trợ 10kg gạo và 50.000 đồng mỗi tháng từ chương trình.

Ông trưởng ban điều hành khu phố còn dành nhiều tâm huyết cho những người nghèo không may bệnh tật qua đời. Khi ông Trần Văn Võ (diện hộ nghèo) đổ bệnh rồi mất, ông Huệ ngay lập tức bắt xe ôm lên gặp và thuyết phục cô N. T. L., một mạnh thường quân ở quận 5, đi cùng ông đến tận nhà ông Võ. Vừa đến nơi, nhìn thấy căn nhà nhỏ xíu ọp ẹp với cả đại gia đình 4 đứa con ruột và dâu cùng sống chung, cô L. chẳng nói chẳng rằng chi hết tiền mua quan tài và các khoản ma chay khác cho ông Võ hết 6,5 triệu đồng.

Cảm thương hoàn cảnh neo đơn, khó khăn của cụ bà Trần Thị Huế, ở 331/9/2A Tôn Thất Thuyết, nên khi bà cụ mất, hàng xóm lại đến tìm ông Huệ nhờ vận động mua quan tài, hỏa táng người chết đàng hoàng. Ông lại đón xe đi xin tiền mạnh thường quân. Trường hợp của bà Huế, ở trọ cùng hai đứa con trong khu phố cũng vậy. Nhìn hai đứa con hàng ngày đi bán dạo kiếm tiền nuôi mẹ bệnh, cho đến khi bà mất vẫn không đủ tiền lo chi phí, ông Huệ lại cùng những người hàng xóm tốt bụng tỏa đi xin tiền mạnh thường quân được 18 triệu đồng lo ma chay chu toàn.

Chương trình “Dân giúp dân” ra đời từ tháng 6-2011, tạo thêm một “kênh” để ông Huệ kêu gọi nhiều hơn sự chung tay của cộng đồng hỗ trợ người nghèo. Không chỉ là sự đóng góp của các đoàn thể trong phường, chương trình còn nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân là bà nội trợ ở các chung cư quanh quận. Cả hai vợ chồng ông Huệ đều bị bệnh tim mãn tính, sức khỏe đang yếu dần. Ông bộc bạch: “Ít ai chịu làm cái việc vác tù và hàng tổng này lắm, thôi thì cứ tiếp tục làm đến khi đi hết nổi mới thôi. Vì nếu chê công tác ở cơ sở thì lấy ai mà gần dân, thấm thía nỗi khổ của dân?”

Gia đình ông Huệ cũng thuộc diện xóa đói giảm nghèo của phường nhưng ông luôn từ chối được hỗ trợ. 4 người con của ông chỉ là công nhân và lao động tự do, thu nhập chỉ đủ lo gia đình riêng. Ông bàn với vợ ngăn 5 phòng trọ nhỏ phía sau và trên gác cho thuê (1 phòng chỉ ở được 1 người), kiếm được 2 triệu đồng/tháng và các con biếu thêm, hai vợ chồng già tằn tiện sống qua ngày. “Nhiều người còn khó khăn lắm, họ cần tiền hơn vợ chồng tôi. Giúp được người khác chút ít, tôi thấy thanh thản lắm, coi như cũng là để lại cho đời một chút gì đó khi mình ra đi” - ông Huệ cười hiền giải thích.

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục