KTS Trần Bình
Mái nhà, nếp nhà
“Để nói một ngôi nhà có kiến trúc - văn hóa, có tính Việt hay không phải xem xét ngôi nhà đó qua các yếu tố vật chất như hình thức kiến trúc, chi tiết, cách bố cục và yếu tố phi vật chất tức sinh hoạt, tín ngưỡng... của gia chủ, là các yêu cầu được gia chủ đưa ra. Các giải pháp được kiến trúc sư tìm kiếm sao cho vừa mới mẻ, hợp lý, ấn tượng, thể hiện được nếp nghĩ, nếp sống và cả cá tính của chủ nhân, vừa vặn với nếp sinh hoạt riêng của gia chủ, đồng thời cũng là lối sống chung của người Việt hiện nay, trong không gian nhà Việt đương đại”, KTS Trần Bình chia sẻ.
“Bình nhà quê” là kiểu gọi thân mật mà bạn bè thường gọi anh. Trần Bình chưa bao giờ tự ái hay xấu hổ với biệt danh này, hay đúng ra mỗi khi nghe, anh còn cười rất đỗi tự hào. Trần Bình không giấu giếm hay chối bỏ cái gốc chân quê của mình. Và quả vậy, chính gốc gác nhà quê, chân chất, chân tình đã cho anh một tâm hồn rộng rãi, phong phú, nhạy cảm và tinh tế trong từng đường nét kiến trúc.
Không phải là những quyển sách về các công trình hoành tráng đầy tham vọng, 1001 liệu pháp thiên nhiên là một quyển sách về sức khỏe mà Trần Bình yêu thích và đó cũng chính là tinh thần của lối kiến trúc mà anh đã và đang hướng đến. Và không chỉ yêu quý, trân trọng, tôn vinh thiên nhiên, các kiến trúc của Trần Bình còn là không gian của hoài niệm. “Tôi không mê đồ cổ, chỉ mê đồ cũ nhưng đẹp”, Trần Bình nói. Đối với Trần Bình, đồ đạc, vật dụng càng cũ càng chất chứa trong nó thời gian, quá khứ, nhất là kỷ niệm. Trần Bình đã tìm thấy, đọc ra, rung động, đem lòng say mê trước vẻ đẹp của những điều, những vật tưởng như tầm thường, rẻ rúng nhất, trân trọng, nâng niu, bỗng chốc làm chúng giàu lên, sang lên một cách lạ kỳ.
Và không chỉ những thứ nhà quê mộc mạc, dân dã. Đây đó trong khắp các không gian kiến trúc Trần Bình vẫn xen lẫn những vật dụng hàng hiệu, đắt tiền. Lạ một nỗi chúng không nổi cộm, cong vênh, không xô đẩy mà hòa trộn, bổ sung, tôn nhau lên, nâng nhau lên, cùng nhau lấp lánh.
Trần Bình đã tôn vinh cái nhà quê, nâng cái chân quê, mang “hương đồng gió nội”, văn hóa Việt vào lối kiến trúc Việt Nam đương đại, không gian của yêu thương, hoài niệm, Trần Bình không chỉ xây nhà, mà đôi khi còn góp tay xây cả nếp nhà.
Cho cái đẹp được nhân ra
Tiếng lành đồn xa, chỉ sau vài năm dồn tâm sức, Trần Bình giờ đã có tới 5 Cục Gạch, bốn ở khu trung tâm quận 1 và một ở Củ Chi - Cục Gạch ngoại ô. Trong công việc, cho dù là thiết kế kiến trúc hay kinh doanh, Bình không thuộc về số đông, mà tìm lối rẽ, chăm chú đi theo cách riêng mình, chính vì vậy phong cách Trần Bình không dễ trộn lẫn, hòa tan.
Kiến trúc của Cục Gạch Quán Ảnh: NGÔ ĐÌNH TRÚC
“Thành công thì ai cũng muốn, nhưng phải đường đường chính chính bằng khả năng mình, và điều quan trọng là phải sống trung thực, có trách nhiệm với môi trường, xã hội”, Trần Bình chia sẻ. Trong quá trình mày mò tìm kiếm sự khác biệt, Trần Bình luôn đau đáu tìm kiếm các giải pháp riêng biệt, độc đáo, cân bằng giữa sáng tạo và thực tế, giữa lãng mạn bay bổng và yếu tố thực dụng. Trần Bình biết rõ thế mạnh của mình: trẻ, nhanh nhạy nắm bắt xu thế, tinh thần thời đại và anh lặng lẽ, âm thầm hướng đến những giá trị cốt lõi, đích thực
Có thấy khách Tây, khách Nhật che dù, xếp hàng ngay ngắn chờ được vào ăn ở Cục Gạch restaurant, Cục Gạch party, mới thấy Trần Bình không chỉ có “kiến trúc là năng khiếu duy nhất”. Ngoài kiến trúc, Trần Bình chưa từng trải qua trường lớp đào tạo kinh doanh nào hay bếp núc nào, “những kinh nghiệm tôi có được là từ chiếc sạp tạp hóa xập xệ của bà ngoại”, Bình nói.
Nhà văn, dịch giả Lý Lan - người dịch bản “I’m Vietnamese” treo ở Cục Gạch Quán, lần nào từ Mỹ về thăm gia đình cũng dành thời gian tạt qua khoảng sân có bóng râm của cây sơ-ri, lặng nghe con chim sáo tía lia tập nói, nhâm nhi món đậu hũ chiên sả và gỏi gà trộn lá cóc. “Đã từng đi khắp gần xa, đôi lúc tưởng như bão hòa với những cái đã nhìn, đã thấy, lại được trở về với mạch cảm xúc mạnh đến thế. Đó là những gì tôi hằng nghĩ và muốn, không chỉ cho riêng mình, về một không gian Việt dành cho người Việt”, họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng bày tỏ.
Yêu cây cỏ, thiên nhiên, Trần Bình còn đặc biệt mê chim, cá, kiểng. Có thể thấy trong hầu hết các công trình kiến trúc của anh là những khoảng không gian xanh ngút mắt cho cây thầm thì đâm chồi nảy lộc, cho chim rót mật vào tai, cho giếng trời, hồ nước mát lành, cho đàn cá thỏa sức tung tẩy... Trần Bình đam mê đến nghiện thiên nhiên, nhưng cái hay, cái độc lạ của anh là rất biết cách điều phối, biến hóa, hòa trộn giữa cái cũ - mới; xưa - đương đại; quá khứ - hiện tại - tương lai... kết hợp cùng cái quê mùa, dân dã, gần gũi như luống khoai, gốc rạ, bờ ruộng, bãi mía, con cò, như lời ru của bà… Rồi nâng những thứ quê mùa ấy lên hàng cốt cách, sang cả.
SONG PHẠM
Các tin, bài viết khác
- Phục dựng kiến trúc tại Khu mộ cổ Gò cây Quéo
- Cầu vồng không sắc tranh giải Golden Zenith
- Ngôi nhà tuổi trẻ
- Vang mãi bản hùng ca Tổ quốc
- Nhạc sĩ Văn Bền qua đời
- Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Âm nhạc Việt Nam đồng hành cùng dân tộc
- Hòa nhạc Điều còn mãi: Khơi dậy tình yêu Tổ quốc
- Triển lãm “Lịch sử văn hóa Việt Nam”
- Nhớ trường quê
- Triển lãm “Ấn Độ - Việt Nam: Vì hòa bình và phát triển”