Góp ý Dự thảo Luật Công vụ

Dự thảo Luật Công vụ  đang được Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng thay thế Pháp lệnh Cán bộ Công chức. Trong Dự thảo này có 2 nội dung mà tôi thấy chúng ta nên cân nhắc lại:

1 - Một là, quy định công chức không được làm thêm bên ngoài (dịch vụ công, doanh nghiệp...). Cơ sở của quy định này là việc chúng ta e ngại công chức làm thêm bên ngoài thì sẽ lạm dụng vị trí công chức hiện có để có những tác động tiêu cực tới các chủ thể đối tượng khác nhằm thu lợi riêng. E ngại này của chúng ta là chính đáng. Tuy nhiên, liệu quỹ lương của ngân sách có đủ đảm bảo để trả cho công chức ở mức mà người công chức có thể sống tốt không? Ví dụ như đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, đủ lo cho người thân, tích lũy mua nhà cửa (đặc biệt là tại các đô thị lớn...) - Câu trả lời là chắc chắn không!

Khi ấy, dù cho ta có cấm thì người công chức vẫn sẽ tìm mọi cách để có thêm thu nhập. Và tất nhiên, đã cấm làm thêm sau giờ làm việc thì công chức chỉ có 2 khả năng: hoặc là tiêu cực ngay tại cơ quan trong giờ làm việc (tham nhũng,...) hoặc là làm chui sau giờ làm việc. Cả 2 khả năng này đều nguy hiểm hơn rất nhiều cho cả cơ quan quản lý và cho chính người công chức.

Thay vì cấm, thì theo tôi chúng ta nên tạo điều kiện cho người công chức được danh chính ngôn thuận làm thêm sau giờ làm việc. Cái mà chúng ta cần kiểm soát đó là liệt kê ra những lĩnh vực, những tổ chức không được làm thêm và kiểm soát thật chặt quy trình làm việc của cơ quan chính của người công chức để tránh tiêu cực, chứ không nên hạn chế cơ hội để công chức cải thiện thêm thu nhập trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp.

2 - Hai là, công chức ngạch từ chuyên viên trở xuống thì không được ký hợp đồng lao động lâu dài mà chỉ theo từng hợp đồng ngắn.

Quy định này khá phù hợp với thông lệ quốc tế nói chung nhưng lại không có lợi cho chính cơ quan nhà nước trong cuộc cạnh tranh nhân lực gay gắt hiện nay tại Việt Nam ta. Như chúng ta đã biết, hiện Bộ Luật Lao động quy định người lao động tại khu vực ngoài quốc doanh, sau một hợp đồng lao động có thời hạn, nếu tiếp tục làm việc thì được ký tiếp một hợp đồng có thời hạn nữa và nếu còn tiếp tục làm việc thì bắt buộc hợp đồng thứ 3 sẽ phải là hợp đồng không thời hạn (được hiểu là hợp đồng làm việc suốt đời). Như vậy là quy định làm việc ở khối ngoài quốc doanh sẽ “hấp dẫn” và mang tính an toàn hơn cho người lao động so với làm công chức! Và như thế thì việc tuyển dụng, thu hút lao động vào làm việc cho cơ quan nhà nước sẽ trở nên khó khăn hơn? Với bài toán này, để tạo thuận lợi cho việc thu hút nhân lực cho các cơ quan công quyền ở khía cạnh này thì chúng ta chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc là quy định hợp đồng làm việc giống như Bộ Luật Lao động và hoặc là sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng giống như Dự thảo Luật Công vụ (và cũng giống với quy định tại các quốc gia khác nói chung).

Đây là 2 vấn đề mong Ban soạn thảo cân nhắc và tham khảo thêm ý kiến từ các nguồn khác kỹ lưỡng hơn, trước khi chính thức đưa ra bàn thảo tại Quốc hội.

Sỹ Công

Tin cùng chuyên mục