Tại hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống rửa tiền do đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 8-2, hầu hết các ý kiến đã thống nhất lấy tên gọi “Luật Phòng, chống rửa tiền” mà không có cụm từ “tài trợ khủng bố”.
Làm rõ khái niệm “rửa tiền”
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, trong thời kỳ hội nhập như hiện nay cũng như đặc điểm của nền kinh tế là chủ yếu sử dụng tiền mặt, Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm đến của tội phạm rửa tiền. Do đó, việc xây dựng, ban hành luật này để phòng ngừa là rất cần thiết. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng trên tinh thần không cầu toàn, một số vấn đề còn lấn cấn như tên gọi của luật, phạm vi điều chỉnh, làm sao để cung cấp các thông tin cho các cơ quan chức năng mà không vi phạm hành vi cấm vào việc tiết lộ… phải được tập trung thống nhất để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.
Tại đây, đa số các ý kiến thống nhất với tên gọi “Luật Phòng, chống rửa tiền”. Đại diện Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng cần phải làm rõ khái niệm “rửa tiền” mới có thể áp dụng các biện pháp xử lý hình sự sau này. Trong dự thảo luật có quy định thêm 2 hành vi của việc rửa tiền ngoài quy định trong Bộ luật Hình sự, như vậy khi cần xử lý hình sự thì cơ quan tố tụng không thể truy tố, xét xử vì hành vi này chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự. Việc quy định khái niệm về rửa tiền cần phải thống nhất giữa 2 luật để tránh những vướng mắc, bất cập và không thực thi.
Chuyển Cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Bộ Công an?
Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho rằng, trong điều kiện giao dịch tiền mặt ở nước ta còn lớn nên thực tế chỉ mới phát hiện và xử lý hành vi rửa tiền thông qua kiểm soát giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Cơ quan phòng chống rửa tiền (PCRT) thuộc NHNN được thành lập từ năm 2006 với tên gọi là Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền, sau này đổi tên thành Cục Phòng, chống rửa tiền. Qua hơn 5 năm hoạt động, cơ quan này có sự phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan không nảy sinh vướng mắc.
Tuy nhiên, phản ánh với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, các ngân hàng cho biết, sau khi được yêu cầu cung cấp danh sách các khách hàng có dấu hiệu rửa tiền, cơ quan PCRT không hề có bất kỳ phản hồi gì để ngân hàng biết để tiếp tục theo dõi hay thôi. Theo Ngân hàng Sacombank chi nhánh TPHCM, danh sách “đen” được Bộ Công an và Cục PCRT lập và gửi cho các ngân hàng đã hơn 5 năm nay không được cập nhật lần nào. Ngân hàng BIDV chi nhánh TPHCM cũng thắc mắc không biết các cơ quan chức năng có phối hợp với nhau hay không mà khi ngân hàng vừa báo cáo với Cục PCRT xong, Bộ Công an lại yêu cầu báo cáo tương tự. Từ đó các ngân hàng kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm cho các cơ quan liên quan để cùng phối hợp thực hiện.
Về cơ quan chủ trì PCRT, nhiều đại biểu đề nghị khi đã luật hóa việc PCRT thì không nên giao cho NHNN chủ trì vì hoạt động rửa tiền là hành vi vi phạm pháp luật về hành chính, hình sự nên cần tổ chức thực hiện chặt chẽ, chuyên sâu. Nếu hành vi này được thực hiện tinh vi, biến tướng, NHNN sẽ không dễ để phát hiện. Một số đại biểu kiến nghị cần phải nâng tầm của cơ quan PCRT lên thành cơ quan Chính phủ. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị nên giao cho cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an để phù hợp với các quy định hiện hành về đấu tranh phòng chống tội phạm. NHNN chỉ nên tham gia với tư cách thành viên phối hợp mà thôi.
Hạnh Nhung