Gừng càng già càng cay

Gừng càng già càng cay

Nhiều người đã lên chức bà rồi, nhưng hễ ở đâu có khó khăn là các nữ cựu chiến binh (CCB) quận Tân Bình luôn sẵn sàng có mặt. Họ luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam và tác phong nhanh nhẹn không kém gì thời son trẻ… Thấy họ say mê hoạt động từ thiện, cứu trợ nhân đạo và công tác xã hội, bà con ở các địa phương tấm tắc khen họ “gừng càng già càng cay”…

Trung tá Đỗ Thị Thanh Thu, năm nay đã 77 tuổi đời, 54 tuổi Đảng nhưng trông bà vẫn còn “máu lửa” lắm. Bà tâm sự: “Quê tôi ở Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, nơi có phong trào yêu nước, đấu tranh cách mạng rất mạnh mẽ, vì vậy mới 15 tuổi tôi đã tham gia cách mạng, làm giao liên cho bộ đội và bí mật tham gia rải truyền đơn kêu gọi đồng bào đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. 16 tuổi, tôi thoát ly gia đình vào chiến khu. Do địch đánh phá dữ dội nên tôi được cấp trên phân công vào Sài Gòn khi mới 17 tuổi, từ đó tôi tham gia vào đội biệt động Sài Gòn…”.

Trao quà cho học sinh giỏi, một trong những hoạt động của CLB nữ CCB quận Tân Bình.
Trao quà cho học sinh giỏi, một trong những hoạt động của CLB nữ CCB quận Tân Bình.

Tương tự, Trung tá Nguyễn Thị Minh Ngà, năm nay 66 tuổi đời, 42 tuổi Đảng, quê ở Hưng Yên bộc bạch: “Khi tôi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì nghe lệnh Tổng động viên, thế là viết đơn tình nguyện đi bộ đội”.
 
Không thua chị kém em, từ quê hương Đồng Khởi Bến Tre, Thượng úy Phạm Thị Ngọc Ánh, quê ở Mỏ Cày, Bến Tre cũng mới 15 tuổi đã tham gia cách mạng, làm giao liên bí mật đưa cán bộ ra vào chiến khu. Bà nói: “Khi đất nước lâm nguy, giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh, nay hòa bình rồi thì những nữ bộ đội chúng tôi lại tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chăm lo đời sống nhân dân, vì đi làm cách mạng là để đem lại hạnh phúc, ấm no cho dân như lời Bác dạy mà…”.

Trẻ nhất trong những CCB nữ mà chúng tôi gặp là chị Phan Thị Thủy quê ở Quảng Nam. 15 tuổi chị đã tham gia cách mạng làm giao liên. Chị bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy được vào bộ đội là niềm tự hào rất lớn nên ai cũng sống, chiến đấu sao cho xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ. Sau ngày hòa bình, các CCB chúng tôi lại lao vào mặt trận mới là xóa giặc đói, giặc dốt, bài trừ các loại tệ nạn xã hội… để đem lại cuộc sống mới tốt đẹp hơn…”.

Hội Cựu chiến binh quận Tân Bình hiện có đông hội viên nhất thành phố với gần 6.000 hội viên CCB, trong đó có gần 1.000 hội viên CCB nữ. Nơi đây có Câu lạc bộ CCB nữ đầu tiên của TP ra đời từ năm 2003, sau đó đã được nhân rộng khắp TP. Đây cũng là nơi duy nhất của TP hiện có Chi hội Từ thiện thuộc CLB CCB nữ quận ra đời từ năm 2006 nhằm chăm lo đời sống CCB có hoàn cảnh khó khăn, thương bệnh binh nặng, nạn nhân chất nhiễm chất độc da cam và bà con lao động nghèo…

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, quê ở Hưng Yên, xung phong vào bộ đội từ năm 1968, từng vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Năm nay bà đã 64 tuổi đời, 27 tuổi Đảng, hiện là Chủ nhiệm CLB CCB nữ quận Tân Bình - người được xem như “nữ tướng” khi có trong tay gần 1.000 CCB nữ.

Bà nói: “Mỗi CCB nữ chúng tôi hiện đang đảm trách từ 6 đến 7 chức danh không lương khác nhau như: Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN, Chủ tịch Hội CCB, Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố. Có người từng làm bí thư, tổ trưởng dân phố suốt từ 16 đến 20 năm nay. Chẳng thế mà bà con gọi chúng tôi là những người chuyên ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Từ năm 2007 đến nay, CLB nữ CCB quận Tân Bình trao tặng 22 xe đạp, 140 suất học bổng trị giá hơn 150 triệu đồng cho con CCB nghèo; tặng 20 sổ bảo hiểm y tế trị giá 7 triệu đồng cho 21 CCB khó khăn; tặng 22 nhà tình nghĩa, nhà tình thương trị giá gần 500 triệu đồng cho các gia đình chính sách và dân nghèo ổn định chỗ ở. Chi hội Từ thiện CCB nữ quận còn giúp 70 triệu đồng cho các thương binh nặng; tặng 40 triệu đồng cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và trao gần 1 tỷ đồng cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt…Với thành tích trên, CLB CCB nữ quận Tân Bình được xem là điểm sáng của TP và được Hội CCB TPHCM tặng bằng khen, giấy khen các loại.


MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục