“Gừng già” Clint Eastwood - Cả đời cho nghệ thuật

Cống hiến không mệt mỏi
“Gừng già” Clint Eastwood - Cả đời cho nghệ thuật

Huyền thoại điện ảnh, Clint Eastwood, đã kỷ niệm ngày sinh nhật 80 của mình bằng một bữa tiệc nhỏ ấm cúng trong gia đình. Điều khiến ông quan tâm nhất hiện nay là việc đứa con tinh thần, bộ phim kinh dị “Hereafter” sẽ được công chúng đón nhận ra sao vào tháng 10 tới.

Clint Eastwood trong phim The Bridges of Madison.

Clint Eastwood trong phim The Bridges of Madison.

Cống hiến không mệt mỏi

“Khi bạn đã bước qua độ tuổi 70 rồi thì có nhiều điều xảy ra. Một trong những điều đó là bạn sẽ không muốn tổ chức sinh nhật nữa. Tôi không còn muốn mở quà tặng nữa”. Đã ở tuổi 80, độ tuổi có thể nghỉ ngơi sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, nhưng Clint Eastwood vẫn muốn cống hiến hết mình cho điện ảnh. Ông cho biết, ông vẫn thích là người đứng sau camera, tham gia sản xuất những bộ phim có đề tài gai góc hơn là phải nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng.

Clint Eastwood là thế, nhìn vào những giải thưởng điện ảnh ông đã đoạt được quả là đáng ngưỡng mộ. Eastwood đã 5 lần đoạt giải Oscar, 5 giải thưởng Quả cầu vàng, giải Thành tựu trọn đời của Hiệp hội Diễn viên Mỹ. Tuy nhiên, nhà làm phim tài ba này không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng của mình và trong vài năm trở lại đây ông vẫn tiếp tục làm những bộ phim gây tiếng vang lớn như “Gran Torino” (Tuổi già lạc lõng) và Invictus, kể lại giải chung kết bóng bầu dục tổ chức tại Nam Phi lần đầu tiên năm 1995, khi Nelson Mandela vừa được bầu làm tổng thống của đất nước bị chia rẽ sâu sắc vì chế độ phân biệt chủng tộc.

Vào tháng 10 tới, công chúng tiếp tục được thưởng thức tài nghệ làm phim của ông với “Hereafter” (Kiếp sau), bộ phim gay cấn siêu nhiên do Matt Damon thủ vai chính, do hãng Warner Bros thực hiện. Hiện nay những chi tiết về vai diễn của Matt Damon trong Hereafter vẫn chưa được tiết lộ. Ngoài ra, chi tiết kịch bản của Hereafter được Warner Bros giữ bí mật tuyệt đối. Tuy chưa ra mắt nhưng bộ phim đang được giới trong nghề so sánh với siêu phẩm kinh dị “The Sixth Sense” (Giác quan thứ 6) của M. Night Shyamalan. Eastwood khẳng định, bộ phim này là một trải nghiệm lớn trong sự nghiệp đạo diễn kéo dài hơn 30 năm qua.

“Tôi chỉ là nhà làm phim”

“Gừng già” Eastwood đã tạo dựng cho mình trở thành một trong những nhân vật xuất chúng nhất ở Hollywood khi liên tục thể hiện tài năng cả ở trước và sau máy quay. Nhưng Eastwood vẫn sống rất giản dị. Ông nổi tiếng với tuyên bố: “Tôi chỉ là nhà làm phim”. Ông đã thực hiện trên 50 bộ phim với vai trò đạo diễn hay diễn viên. Là nhân vật quen thuộc trong đời sống Mỹ từ năm 1959, ông bước vào lòng khán giả với vai diễn chàng cao bồi đáng yêu Rowdy Yates trong phim truyền hình “Rawhide”.

Eastwood nổi tiếng với các vai diễn góc cạnh, anh hùng trong các phim miền Tây và các phim hành động, đặc biệt là trong những năm 1960, 1970 và giai đoạn đầu thập niên 1980. Nổi bật là các phim “Man with no Name” (Kẻ vô danh), phim “The Good, the Bad and the Ugly” (Thiện, Ác, Tà), khiến ông đã trở thành một biểu tượng của phái mạnh. Nhưng thành công lớn nhất trong thời gian này của Clint là vai diễn thanh tra Harry Callahan có biệt danh Dirty trong bộ phim Dirty Harry. Bộ phim đã giành được thành công lớn tại các phòng vé và vai Harry Callahan được nhiều người cho là vai diễn đáng nhớ nhất của Clint Eastwood.

Năm 1971 là năm có một bước chuyển trong sự nghiệp của Clint Eastwood. Công ty sản xuất phim Malpaso, đã trao cho Eastwood quyền đạo diễn mà ông luôn mong muốn. Ngay sau đó, ông đã có tác phẩm đầu tiên trong cương vị đạo diễn và diễn viên, bộ phim “Play Misty for Me”. Sau đó, ông trở nên nổi tiếng khi thực hiện một loạt các bộ phim như “High Plains Drifter” (Sa lưới), và “Unforgiven” (Không tha thứ), “The Bridges of Madison” (Những cây cầu ở Madison) đều nhận được sự khen ngợi từ giới phê bình. Ông đã giành giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất với “ Mystic River” (Dòng sông bí ẩn). Năm sau đó, ông tiếp tục gây kinh ngạc với phim “Million Dollar Baby” (Cô gái triệu đô). Bộ phim đã đoạt 4 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất.

Eastwood cũng đã đưa cuộc Chiến tranh Thế chiến II ở đảo Iwo Jima (Nhật Bản) lên màn bạc và làm hai phim về sự kiện này, gồm “Flags Of Our Fathers” (Những ngọn cờ của cha ông chúng ta) và phim “Letters From Iwo Jima” (Những bức thư từ Iwo Jima), mô tả cuộc chiến từ góc nhìn của người Mỹ và người Nhật. Cả hai phim đều được giới phê bình đánh giá cao và đã đem về cho ông nhiều đề cử Oscar, trong đó có đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất cho Letters From Iwo Jima.

Hoài Lê (Theo Time, 3News)

Tin cùng chuyên mục