Ngày 30-11, hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội” đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các bộ, ngành với nhiều ý kiến xác đáng.
Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển giao thông đô thị (Viện Chiến lược và phát triển GTVT), hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội hiện tăng trưởng 3,9%/năm về chiều dài và 0,25% về diện tích mặt đường, trong khi tốc độ tăng trưởng của xe máy gấp 2 lần, xe hơi gấp 4,3 lần. Dự báo, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có xấp xỉ 940.000 ô tô và 6,2 triệu xe máy; đến năm 2030 có 1,7 triệu ô tô và 7,7 triệu xe máy. Do vậy, nếu không có giải pháp thực sự hữu hiệu thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ ngày càng nặng nề. Thậm chí, có kịch bản còn đưa ra, với đà tăng trưởng phương tiện cá nhân hiện nay, đến năm 2030, các tuyến đường còn không thể di chuyển khi diện tích chiếm dụng mặt đường của phương tiện cơ giới cá nhân vượt năng lực đáp ứng đến 10 lần.
Ùn tắc giao thông tại Ô Chợ Dừa - Xã Đàn
Trước thực trạng này, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT ban hành chính sách quản lý về niên hạn sử dụng và tiêu chuẩn khí thải của xe máy; thu hồi, buộc tiêu hủy đối với các phương tiện ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng và không đủ tiêu chuẩn về khí thải. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về mức tăng số lượng phương tiện ô tô xe máy hàng năm các giai đoạn 2016-2020, 2021-2025, 2026-2030 cho từng khu vực, tập trung thực hiện ở các quận nội đô. Bên cạnh đó, tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực đối với xe cá nhân, một số khu vực, cho phép ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí; tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ với các tuyến phố cụ thể khu vực trung tâm thành phố. Ngoài ra, Hà Nội phải nghiên cứu tổ chức các khu vực hạn chế lưu thông đối với xe hơi và xe máy, nhất là trên các tuyến đã có phương tiện công cộng hoạt động tốt, tiến dần đến dừng hẳn hoạt động trên một số trục chính và một số khu vực trong vành đai 3. Viện Chiến lược và phát triển GTVT cũng đưa ra một số giải pháp về kinh tế, như xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện cá nhân theo hướng tăng lũy tiến theo thời gian và theo khu vực...
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng mổ xẻ, phân tích nguyên nhân ùn tắc giao thông là do chậm phát triển của loại hình vận tải hành khách công cộng. Trên thực tế, Hà Nội mới chỉ có xe buýt là loại hình chính yếu nhưng mạng lưới xe buýt này vẫn chưa phát huy được hết tác dụng do thiếu làn đường riêng, phải vận hành chung với phương tiện cá nhân, dẫn đến kéo dài thời gian mỗi lượt chuyến, không đáp ứng được nhu cầu của hành khách.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng cho rằng, Hà Nội phải tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên tuyệt đối cho vận tải hành khách công cộng trong vành đai 3, tách vận tải liên tỉnh, quá cảnh ra ngoài vành đai 3, duy trì việc bố trí lệch giờ làm việc để kéo dài khung giờ cao điểm tránh xung đột, ùn tắc giao thông. Ông Takagi Michimasa, chuyên gia tư vấn cao cấp Nhật Bản, nguyên tư vấn trưởng dự án “Cải thiện giao thông công cộng Hà Nội” cũng đồng tình với việc cần tăng năng lực hạ tầng giao thông thay vì việc hạn chế sử dụng xe cá nhân mang tính cưỡng chế. Tại Nhật Bản, các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân hữu hiệu nhất là đánh vào kinh tế hoặc biện pháp có sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức. Cụ thể như thu phí đỗ xe trong nội đô với giá rất cao, các cơ quan chính phủ cấm nhân viên đi làm bằng phương tiện cá nhân, hỗ trợ họ đi lại bằng phương tiện công cộng...
BÍCH QUYÊN