Sáng 11-1, UBND TP Hà Nội công bố kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng công chức, viên chức các quận, huyện của TP năm 2011 và 2012. Đây là vấn đề gần đây dư luận và báo chí phản ánh theo những luồng thông tin không chính thức, cho rằng đang có tình trạng “chạy” vào công chức, viên chức Hà Nội mất không dưới 100 triệu đồng.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, việc tuyển dụng của ngành giáo dục các quận, huyện, thị xã trong năm 2012 đã đảm bảo tính công khai, dân chủ, đúng quy định. Tính đến ngày 4-1 chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và cán bộ nhận tiền để “chạy” vào công chức, viên chức, kể cả trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra và tự kiểm tra đã phát hiện, khâu dễ xảy ra sai sót là khi lên điểm, vào điểm; khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thực hành giảng bài, theo quy định không thực hiện phúc khảo nên cần đặt camera, ghi âm để giám sát; vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ như tại huyện Ứng Hòa; vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh dùng bằng trung học phổ thông (THPT) giả để đi học chuyên nghiệp hoặc dùng bằng chuyên nghiệp giả để tham gia tuyển dụng, như tại các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Sơn Tây...
Kết quả tuyển dụng viên chức ngành giáo dục toàn TP Hà Nội năm 2012, như sau: Chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên 6.456 người, trong đó xét đặc cách giáo viên mầm non 3.945 người; xét tuyển 2.511 người THCS và tiểu học, trong tổng số dự xét tuyển là 6.748 hồ sơ. Số trúng tuyển là 6.315, trong đó THCS trúng tuyển 1.861, tiểu học 1.739 và mầm non 7.103 chỉ tiêu.
Việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo, có 23 đơn đề nghị, chủ yếu ở Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Cầu Giấy, Hà Đông, Đông Anh, Thường Tín, Long Biên...; 12 đơn tố cáo, tập trung ở Hoài Đức, Mỹ Đức, Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây, Mê Linh, Thanh Oai. Qua đơn tố cáo một số hội đồng tuyển dụng đã đề nghị công an quận, huyện xác minh tổng số 536 trường hợp, trong đó huyện Mỹ Đức đã xác minh tất cả bằng THPT của thí sinh. Kết quả phát hiện 43 trường hợp giả mạo bằng THPT để đi học trung cấp chuyên nghiệp. Riêng huyện Mỹ Đức có 30 trường hợp; thị xã Sơn Tây, Hoài Đức, mỗi địa phương phát hiện 3 trường hợp sử dụng bằng giả để dự tuyển.
Tại huyện Ứng Hòa có tình trạng nâng điểm phần thi thực hành giảng bài của 16 thí sinh dự tuyển chỉ tiêu giáo viên khối tiểu học. Tuy nhiên, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi đưa tiền và nhận tiền trong quá trình tuyển dụng.
TTXVN