Hà Nội: Đua nhau xây cao ốc

Hà Nội: Đua nhau xây cao ốc

Hiện nay các văn phòng hạng A và B tại khu vực trung tâm Hà Nội (HN) gần như không còn chỗ trống, giá thuê liên tục leo thang. Kinh doanh địa ốc thực sự trở thành “mỏ vàng” khiến người ta đua nhau đổ tiền vào lĩnh vực này.

Ra ngoại thành xây cao ốc

Hà Nội: Đua nhau xây cao ốc ảnh 1

Các cao ốc đang đua nhau mọc ở Mỹ Đình. Ảnh: T.N

Gần đây, khu đô thị Mỹ Đình là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất HN và đang trên đường trở thành một trung tâm đô thị mới. Ngoài Trung tâm Hội nghị quốc gia, hai bên đường Phạm Hùng còn những khu đất trống rộng cả trăm hecta.

Trước đây, tại Mỹ Đình không có một khách sạn và văn phòng cao cấp nào, nhưng nay đã có 8 dự án khách sạn, với tổng số 3.500 phòng theo tiêu chuẩn 5 sao.

Bao quanh Trung tâm Hội nghị quốc gia, bên cạnh tòa tháp Viglacera Tower, khu tổ hợp Manor… đã đi vào hoạt động, trong 5 năm tới Mỹ Đình và khu vực lân cận sẽ có thêm một loạt cao ốc văn phòng mới thuộc các dự án: Hanoi Landmark Tower, Vimeco, Crowne Plaza..., với tổng diện tích văn phòng cho thuê lên tới gần 500.000 m2.

Trong 5 năm tới, ước tính có ít nhất 2 tỷ USD đổ vào bất động sản ở khu vực Mỹ Đình, với một loạt dự án quy mô lớn. Trên đường Phạm Hùng là dự án xây dựng khu căn hộ, văn phòng và khách sạn với 3 cao ốc, trong đó có tòa nhà 70 tầng và 2 tòa nhà 47 tầng có trị giá 1 tỷ USD do Công ty Kaengnam (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án HN Plaza với một khách sạn 5 sao 360 phòng và một cao ốc văn phòng cho thuê rộng 54.000 m2 do Charmvit - một công ty Hàn Quốc khác - cũng vừa khởi công xây dựng. Tập đoàn Kumho xúc tiến đầu tư xây dựng Khu triển lãm Mễ Trì. Tập đoàn Riviera cũng chọn khu đất 4,3 ha phía sau Trung tâm Hội nghị quốc gia để đầu tư 500 triệu USD xây dựng tổ hợp khách sạn, căn hộ và văn phòng.

Đất vàng thành cao ốc

Trong bối cảnh giá thuê văn phòng tại khu trung tâm HN liên tục leo thang các DN không muốn bỏ lỡ cơ hội làm ăn lớn này. Xây dựng trụ sở kết hợp kinh doanh là một bước đệm để các tập đoàn lớn bước chân vào lĩnh vực bất động sản. Nhiều DN chủ động chuyển hoạt động ra ngoại thành, hay chấp nhận thuê văn phòng vài năm để xây cao ốc mới. Mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã “gây sốc” khi công bố kế hoạch biến trụ sở hiện nay thành một trung tâm tài chính và thương mại của Tập đoàn Điện lực. Dự kiến EVN sẽ dỡ bỏ trụ sở để xây khu trung tâm thương mại có chiều cao 4 tầng ở phía đường Đinh Tiên Hoàng, 14 tầng ở phía đường Trần Nguyên Hãn. Trong nội thành HN, hiện không có một khu đất nào đẹp như trụ sở EVN với diện tích trên 14.000 m2 ngay sát hồ Hoàn Kiếm.

CTCP Đầu tư kinh doanh nhà TPHCM (Intresco) đã cùng với Công ty May Thăng Long vừa ký thỏa thuận liên kết đầu tư xây dựng một tổ hợp cao ốc tại phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), trên diện tích gần 1,4 ha, cao 30 tầng. Dự án cao ốc, căn hộ của Công ty Giày Thụy Khuê - Tập đoàn Tung Shing (Hồng Công) nằm giữa hai con phố là Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê, nhìn thẳng ra hồ Tây, cũng là “dự án vàng” ở HN hiện nay. Ngoài ra, cuối năm nay thị trường HN sẽ có một số dự án văn phòng  là dự án tòa nhà Kinh Đô (phố Lò Đúc) tòa nhà số 9 Đào Duy Anh, toà nhà VIT ở phố Kim Mã… đi vào hoạt động

Trong 5 năm tới, thị trường văn phòng HN sẽ có thêm khoảng 1.202.000 m2 được đưa vào sử dụng, trong đó 36.000 m2 sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm nay. Ước tính nguồn cung về thị trường văn phòng ở các khu ngoại ô trong vòng 3 năm tới chiếm khoảng 42% nguồn cung mới. Do đó, thời điểm trước mắt, tỷ lệ thuê tiếp tục tăng. Giá thuê với các tòa nhà loại A có khả năng vượt mức 50 USD/m2/tháng. Hầu hết các văn phòng được đưa vào sử dụng trong năm nay đã được đặt trước.

Nhưng có một vấn đề dễ nhận ra là hầu hết chất lượng công trình cũng như quy mô của các dự án cao ốc văn phòng ở HN hiện nay đều gần như nhau. Nhiều chuyên gia còn lo ngại rằng việc xây dựng cao ốc không theo quy hoạch chuẩn sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị.

Hoàng Long

Tin cùng chuyên mục