
Bình thường, giá cá chép tại nội thành Hà Nội là 35.000-40.000 đồng/kg, còn cá trắm loại từ 2kg trở lên là 45.000-50.000 đồng/kg… Thế nhưng bây giờ, cá chép chỉ còn 10.000 đồng/kg, còn cá trắm là 20.000-25.000 đồng/kg. Chợ nào cũng la liệt cá từ các vùng lũ ngoại thành dồn về. Một phần là cá người dân bán để chạy lũ, phần còn lại là cá “sổng” ao, “sổng” đầm.
La liệt chợ cá ngoại thành

Xúm xít mua cá ở chợ Đông Phương Yên trên quốc lộ 6, đoạn Hà Đông đi Hòa Bình
Suốt 3-4 hôm nay, từ tinh mơ đến sẩm tối, khắp các ngả đường đổ vào nội thành Hà Nội, từng xe cá lũ lượt nối đuôi nhau tràn vào các chợ. Nhiều người dân đi chợ về háo hức bảo nhau: “Chưa bao giờ Hà Nội lắm cá đến thế”. Khắp các đầu đường, góc chợ, quán hàng… đâu cũng bàn tán chuyện giá cá mấy hôm nay rẻ giật mình.
Chúng tôi lao ra ngoại thành để tìm hiểu về tình hình buôn bán cá ở vùng lũ lụt. Đi dọc một vòng từ đường cao tốc Láng-Hòa Lạc sang quốc lộ 6 đoạn Hà Đông về Xuân Mai, rồi đi xuôi cả quốc lộ 1A cũ, đường 5 Hà Nội-Hải Phòng… đâu đâu cũng bắt gặp những chợ cá mọc nhan nhản hai bên đường.
Từ Hà Đông đi Xuân Mai chỉ có 30km, chốc chốc lại xuất hiện một chợ cá. Mỗi chợ khoảng 9-10 hàng cá. Đầu chợ Đông Phương Yên (Chương Mỹ-Hà Nội), người bán cá đứng chen chân, khách cũng xúm đen xúm đỏ, ầm ào mặc cả. Thấy rẻ, khách vãng lai cũng thi nhau dừng xe lại “xách” vài cân về nhắm rượu.
So với nội thành, cá tại các chợ ngoại thành rẻ hơn mỗi cân là 2.000-2.500 đồng. Rẻ là vậy mà có những mẹt, chủ ngồi suốt từ sáng đến trưa vẫn chưa bán được cho ai. Cá chết ươn trong các rổ. Chỉ vào mớ cá chép nằm dài trong chậu, bà Mỹ, trạc 50 tuổi, ở thôn Nhật Tiến, xã Trường Yên than vãn: “Cá chép tôi bán có 8.000 đồng/kg mà khách vẫn còn mặc cả, muốn bớt thêm nữa thì sao sống nổi”.
Chị Hạnh, một người bán cá, thật thà kể: “Em ở tận dưới làng Vạn Tiên, xã Tân Tiến mang cá lên đây ngồi bán. Làng em bắt được nhiều cá to lắm. Nhưng cả làng chẳng ai ăn. Một phần chồng em phải chở về tận Hà Nội, Hà Đông đổ cho các mối. Phần còn lại em mang ra đây bán cho khách vãng lai, kiếm thêm đôi chút”.
Hỏi tại sao cá rẻ như vậy, chị bảo: “Thì lũ về, nhà nào, chủ trại nào cũng hốt hoảng dồn bắt cá bán cho lái để phòng nước lớn. Bên cạnh đó, hàng trăm ao, đầm bị nước tràn vào, cá trôi ra hết nên dân thi nhau đánh bắt. Cá nhiều, giá rẻ là lẽ đương nhiên”. Chỉ vào sọt cá chép tươi roi rói, chị bảo: “Mấy hôm trước thì giá 1kg cá chép loại trên dưới 1kg/con như của tôi chỉ có 5.000-6.000 đồng thôi. Trận mưa lũ này kinh hoàng quá. Nhiều người bỗng dưng điêu đứng.”
Gia sản nông dân trôi theo dòng nước
Rời chợ cá Đông Phương Yên, chúng tôi đi sâu xuống khu bến Cốc, nơi vừa bị nước sông Bùi dâng cao, tràn qua mặt đê vào khu nội đồng, làm chìm ngập 6 xã của huyện Chương Mỹ, gồm: Thanh Bình, Tốt Động, Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến và Nam Phương Tiến.

Một cân cá chép chỉ có 8.000-10.000 đồng, rẻ bằng 20% so với giá bình thường
Ông Bùi Văn Trịnh, ở xã Thanh Bình, kể: “Do nước ngập nên cá trong các ao, đầm ra nhiều vô kể. Cá còn trôi lên tận sân nhà tôi. Sáng ra, chỉ cần chắn một tấm lưới ở cổng là tha hồ cá”.
Chị Nguyễn Thị Ninh- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Tiến, kể: “Ở làng tôi, nhà nào cũng có một ao nuôi cá. Khi lũ tràn vào, chỉ trong chốc lát, cá đã trôi ra sông ra biển, hàng trăm gia đình thành trắng tay”.
Tính trung bình, mỗi gia đình thiệt hại khoảng 30-40 triệu đồng. Có gia đình như trường hợp của anh Hướng ở xóm Cốc, thôn Tiến Tiên còn thiệt hại tổng trị giá lên tới 70 triệu đồng. Thậm chí, theo chị Ninh, có người còn bị ngất lên ngất xuống vì cá sổng theo dòng nước lũ, như trường hợp chị Sáu Mỡ ở cùng xóm Cốc.
“Khi nước lũ bắt đầu dâng cao, các lái buôn đã đến tận nhà chị trả 50 triệu đồng để mua toàn bộ ao cá. Nhưng vợ chồng chị không muốn bán vì tiếc rẻ. Nào ngờ, sau một đêm lũ tràn đê, cả hai vợ chồng lao ra cứu cá, bỏ quên cả chạy thóc lúa. Đến khi cá không cứu được, trôi hết ra sông thì quay lại thóc cũng chìm trong nước lũ. Cả gia tài tích cóp được trong nhiều năm không còn nữa, trắng tay, chị Sáu Mỡ đã ngất lên ngất xuống”- chị Ninh kể lại.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Doanh- Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Chương Mỹ- cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả huyện đã thống kê được có tất cả 1.150ha (chiếm 95%) ao hồ nuôi cá bị mất trắng do mưa lớn gây úng ngập và nước lũ từ sông Bùi tràn vào.
Không chỉ riêng huyện Chương Mỹ, khắp các vùng thuộc ngoại thành Hà Nội, đâu đâu cũng gặp cảnh người dân dong thuyền đi kéo, bắt cá. Lưới bủa khắp nơi vùng ngập lụt.
Ở huyện Thanh Trì, nhiều nông dân giãi bày rằng: “Hoa màu đã ngập trắng rồi. Giờ đi kéo vài con cá kiếm ít tiền, nếu không thì biết trông cậy vào đâu”. Ở nhiều xã thuộc huyện Mê Linh, khi nước trắng đồng, nông dân cũng chẳng còn việc gì để làm ngoài kéo cả làng đi câu, kéo vó. Khắp cánh đồng đông vui như trẩy hội.
Sau trận mưa lụt lịch sử vừa qua, nông dân chính là những người đau xót nhất. Phần lớn họ đều nghèo. Com cóp được ít tiền, dồn vào nuôi cá để hi vọng được thay đổi cuộc sống nhưng gặp mưa gió bất kỳ, không lường trước được tai họa, thế là lại trắng tay.
VĂN PHÚC HẬU