
Theo ông Phạm Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, thị trường lao động thủ đô hiện đang rất thiếu nhân lực. Mâu thuẫn ở chỗ là trong khi nhiều lao động vẫn đang mỏi mắt kiếm việc làm thì các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội cũng đang “ đỏ mắt” tìm kiếm lao động.
Lúng túng trong tuyển dụng

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thị trường luôn dẫn đầu về thu hút lực lượng lao động, chiếm tới gần 80% tổng phân bổ việc làm của cả nước. Theo thông tin từ Vietnamworks.com, trang web lớn nhất Việt Nam về việc làm, trong năm 2007, chỉ số cầu lao động luôn vượt xa cung, cụ thể chỉ số cầu nhân lực của năm 2007 tăng tới 67% so với năm trước trong khi chỉ số cung nhân lực lại chỉ đạt 22%.
Điều này báo hiệu một cuộc đua cung- cầu nhân lực hiện tại cũng như thời gian tới là rất căng thẳng. Không ít nhà tuyển dụng nhận xét, thị trường lao động Hà Nội hiện đang rơi vào tình trạng “khát” nhân lực, trong đó, nhóm các ngành có chỉ số cung cao là bán hàng, kinh doanh bất động sản, tài chính- kế toán, hành chính- thư ký, ngân hàng- đầu tư, quản lý điều hành và kỹ thuật ứng dụng...
Không chỉ là lao động có tay nghề và các ngành nghề mới, lạ một nỗi là ngay cả lao động phổ thông cũng đang dần lâm vào tình trạng thiếu hụt do các khu công nghiệp mới mở ra trên địa bàn ngày càng nhiều, nhu cầu tuyển dụng nhân công lớn. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp cũ đang có nhu cầu tăng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT công ty Xuân Kiên, cho biết, năm 2008, công ty sẽ dành 300 tỷ đồng đầu tư công nghệ cao như thiết kế khuôn mẫu, dập vỏ xe ô tô, ép lốp, phun sơn nhưng không thể kiếm đâu ra đủ nhân lực có trình độ sử dụng công nghệ này. Đó cũng là tâm sự của khá nhiều nhà tuyển dụng đã tham gia Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội trong những phiên gần đây.
Không ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm lao động nhưng thực tế số lao động phổ thông đăng ký rất thấp. Một đại diện doanh nghiệp tham gia tuyển dụng cho biết, đa số người đăng ký tìm việc làm phổ thông là người từ các tỉnh lân cận. Cho nên, nếu có tuyển dụng số này thì cũng không cầm chắc họ sẽ làm lâu dài, vì với thu nhập thấp, họ khó bề lo được chỗ ở.
Đôi bên cùng không thỏa mãn điều kiện
Với kinh nghiệm tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, ông Phạm Trung Chính nhận xét: Trong rất nhiều trường hợp, cả người lao động và phía tuyển dụng đều không thấy thỏa mãn khi đến sàn giao dịch. Nếu như doanh nghiệp kêu ca về chất lượng lao động thấp không đáp ứng yêu cầu thì người được tuyển dụng lại phàn nàn về mức thu nhập quá thấp. Có khá nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động phổ thông với số lượng lớn nhưng đã không thể được đáp ứng vì những đòi hỏi về tiền lương. Thậm chí có những doanh nghiệp đã hạ thấp tiêu chuẩn mà vẫn không thể tuyển dụng được.

Các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội.
Nhiều đại diện tuyển dụng của doanh nghiệp cho biết, với giá cả hiện tại và nhu cầu sinh hoạt thực tế, mức lương từ 1.000.000 đến 1.200.000 đồng/tháng với lao động phổ thông ở Hà Nội đã không còn hấp dẫn.
Ông Chính cho biết thêm: “ Cho dù số lao động phổ thông tại các tỉnh về Hà Nội kiếm việc làm vẫn nhiều, nhưng cũng đã và đang giảm dần. Bởi lẽ, đến nay các địa phương đều phát triển các khu công nghiệp và lao động địa phương được ưu tiên tuyển dụng nên dĩ nhiên nguồn cung cho thị trường lao động Hà Nội bị thu hẹp. Trong khi đó, lao động tại thủ đô có đặc điểm là “kén việc”, không thích đi lao động sản xuất mà chỉ thích làm dịch vụ. Thu nhập thấp chính là nguyên nhân khiến các lao động phổ thông tại Hà Nội kém mặn mà với việc nhà tuyển dụng”.
Để kiểm chứng nhận xét của ông Chính, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhỏ với khoảng 10 bạn trẻ có hộ khẩu tại Hà Nội đăng ký tham gia sàn tuyển dụng lao động phổ thông. Kết quả là hầu hết các bạn đều không hài lòng với mức lương trên dưới 1.200.000 đồng/tháng mà các nhà tuyển dụng đưa ra. Bạn Trần Thị Vân Thanh (phường Giảng Võ – quận Ba Đình) tâm sự: “Em muốn tìm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp cho ổn định, có các chế độ bảo hiểm của Nhà nước nhưng thực tế mức lương như vậy không thể đảm bảo cuộc sống tại nơi có giá sinh hoạt đắt đỏ này. Không vào các doanh nghiệp thì bọn em vẫn có thể kiếm những việc làm khác như bán hàng, làm dịch vụ thu nhập còn cao hơn, cho dù hay phải thay đổi công việc”.
Không chỉ với lao động phổ thông, đối tượng lao động có trình độ cao hơn cũng phàn nàn về chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên các doanh nghiệp lại cho rằng, những lao động đã có bằng cấp (kể cả đại học) hầu hết đều không đáp ứng ngay với công việc do việc đào tạo quá xa rời thực tiễn, sau khi tuyển dụng, các doanh nghiệp vẫn phải bỏ chi phí để đào tạo lại. Rõ ràng, dù có nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng giữa bên tuyển dụng và người lao động vẫn còn chưa gặp nhau ở chất lượng lao động và vấn đề đãi ngộ. Và vì vậy, bài toán nhân lực cho thị trường Hà Nội vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Minh Khuê