Hà Nội: Làm sạch nước hồ

Không phải bây giờ mới bàn đến chuyện này. Từ lâu rồi, người dân đua nhau lấn chiếm mặt hồ. Rác, phế thải xây dựng xả xuống vô tội vạ khiến bộ mặt hồ Hà Nội ngày càng nhếch nhác. Mới đây Hà Nội đã tổ chức việc nạo vét, tu sửa kè một loạt các hồ trên địa bàn. Thế nhưng, vấn đề đang được nhiều người nhắc đến, với những hồ đang bị ô nhiễm nặng thì xử lý thế nào?

Theo thống kê trên địa bàn Hà Nội (cũ) hiện có khoảng 100 hồ với tổng diện tích khoảng 1.100ha. Đặc biệt, trong số đó còn 65 hồ chưa được cải tạo, chiếm khoảng gần 2/3 tổng số hồ của thành phố.

Trước tốc độ xuống cấp nghiêm trọng của các hồ này, năm 2009, UBND TP Hà Nội đã tiến hành thí điểm xử lý ô nhiễm đối với 7 hồ, gồm: hồ Quỳnh, hồ Xã Đàn, hồ Ngọc Khánh, hồ Hai Bà Trưng, hồ Ao đình Ngọc Hà, hồ Dài và hồ Kim Liên. Sau 6 tháng thử nghiệm, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN-MT Hà Nội) tiến hành kiểm tra chất lượng hồ sau khi xử lý. Kết quả cho thấy có hai công nghệ của Công ty cổ phần Xanh (Khu công nghệ cao Hòa Lạc) và Viện Hóa học (Viện KH-CN Việt Nam) có kết quả khả quan.

Công ty cổ phần Xanh xử lý bằng công nghệ quản lý tổng hợp tại các hồ: Hồ Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn giúp nước hồ trong hơn và không có mùi hôi. Tại hồ Hai Bà Trưng, Viện Hóa học áp dụng phương pháp phục hồi cảnh quan bằng tổ hợp sinh học kết hợp với phương pháp kết tủa cũng đem lại hiệu quả tích cực. Chất lượng nước hồ sau xử lý (mùa khô) cũng được cải thiện so với trước khi xử lý (mùa mưa), nước không có mùi hôi.

Được biết, UBND TP Hà Nội đang lựa chọn công nghệ để tiếp tục xử lý ô nhiễm hồ ở Hà Nội. Theo một chuyên gia của Sở KH-CN Hà Nội, những công nghệ thực hiện thí điểm năm 2009 đem lại kết quả tốt có thể tiếp tục được lựa chọn. Ngoài ra còn có công nghệ bơm ôxy kết hợp biện pháp sinh học cũng đang được xem xét.

Tuy nhiên, ông Hồ Thanh Hải, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam) đánh giá, những công nghệ xử lý nước đều có thể làm giảm các chỉ tiêu ô nhiễm nguồn nước mặt như phốt pho, nitơ… Những giải pháp như vậy chỉ mới giải quyết ô nhiễm tức thời, chưa có biện pháp xử lý lượng bùn đáy, nơi có lượng hữu cơ cao và nguồn dinh dưỡng bổ sung lại nguồn nước hồ. Vì vậy, để duy trì chất lượng nước hồ lâu dài cần có cả chuỗi giải pháp tổng hợp từ công nghệ và quản lý nguồn nước thải, chất thải rắn vào hồ, đồng thời cần định kỳ nạo vét phần bùn đáy của hồ...

MẠNH THẾ

Tin cùng chuyên mục