Hà Nội: Nhiều “điểm nóng” có nguy cơ gây dịch tiêu chảy cấp

Ngày 4-4, đoàn kiểm tra của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Hà Nội đã kiểm tra, thị sát về các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại phường Văn Chương, quận Đống Đa. Đây được coi là một trong những điểm nóng nhất về dịch trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là khu vực chợ tạm Văn Chương và hồ Linh Quang.

2 địa điểm này, chỉ cách UBND phường vài bước chân, rất mất vệ sinh. Tại chợ tạm Văn Chương, phần lớn những cửa hàng bán thực phẩm tươi sống cũng như những thực phẩm đã qua chế biến đều không có tủ kính, bao bì che đậy. Còn tại hồ Linh Quang, nằm ngay cạnh chợ tạm Văn Chương, sau hơn 40 năm đưa vào sử dụng chưa một lần được nạo vét. Đây cũng là nơi tiếp nhận nước sinh hoạt hàng ngày của hàng trăm hộ dân quanh hồ thải vào, rất ô nhiễm. Kết quả xét nghiệm mẫu nước hồ do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện cho thấy, nước hồ rất bẩn, nhiều vi khuẩn gây hại, trong đó có cả vi khuẩn tả.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, trên địa bàn phường Văn Chương hiện có 21 trường hợp bị tiêu chảy cấp, trong đó có 1 người dương tính với khuẩn tả. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những điểm nóng của Hà Nội vì hiện nay trên địa bàn thành phố đã có 8 quận, huyện có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm với số người mắc gần 200 trường hợp.

Ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân chính khiến dịch tiêu chảy cấp tái phát trên địa bàn là do Hà Nội vẫn còn tình trạng mất vệ sinh về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, ý thức của nhiều người dân trước dịch bệnh vẫn còn rất chủ quan.

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), nhấn mạnh, trong những ngày tới, số ca mắc tiêu chảy cấp có thể tiếp tục tăng mạnh vì hiện tại chúng ta chưa thể kiểm soát được những người lành mang mầm bệnh. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh kéo dài.

Qua điều tra cho thấy, 78% số người bệnh đều ở tuổi từ 20 đến 30, đa số người mắc bệnh đều có liên quan đến thức ăn đường phố. Đáng lo ngại là nguồn nước mặt tại một số địa phương, trong đó có một số hồ thuộc Hà Nội đã phát hiện có khuẩn tả. Ông Nga cho rằng, để nhanh chóng dập dược dịch và không để dịch tiêu chảy cấp lan rộng thì bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch của ngành y tế, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính quyền địa phương, các cấp, ban, ngành đoàn thể và nhất là người dân.

Tổ chức Y tế thế giới cũng vừa đưa ra 3 nguyên tắc phòng chống dịch tiêu chảy cấp là: nấu chín thức ăn, đun sôi nước uống, rửa tay sạch. Đây là biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả.

Kh. Nguyễn

Tin cùng chuyên mục