Không biết đã có bao nhiêu dự án, bao nhiêu quy hoạch về bảo tồn khu phố cổ được xây dựng nhưng tới thời điểm này, phố cổ Hà Nội mỗi ngày lại trở nên rối hơn, nhếch nhác và có phần lam lũ hơn...
- Phố cổ khốn khổ trăm bề
Chị Huyền Trang, 34 tuổi sau gần 10 năm lấy chồng và dọn ra ở riêng trong một căn hộ tầng 7 tại khu đô thị Việt Hưng vẫn không quên được những vất vả khi cả 10 thành viên trong gia đình cùng chung sống trong căn phòng vẻn vẹn 11m² ở một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Trống. Cả nhà tối om chẳng bao giờ ngưng thắp điện, ngõ thì càng tối hơn. “Ấy thế nhưng chưa từng có vụ va quệt nào xảy ra, bởi đơn giản con ngõ chỉ vừa người đi bộ, không thể dắt thêm bất cứ loại xe cộ nào”, chị Trang nói.
Những người nặng lòng với Hà Nội không khỏi xót xa khi phải chứng kiến di sản lịch sử cấp quốc gia là phố cổ Hà Nội “méo mó” như hiện nay. Nhiều ngôi nhà đã xập xệ và bị xuống cấp, mái sập tường lở vữa… Nhiều di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị tồn tại trong khu vực này vài ba trăm năm cũng đang xuống cấp trầm trọng. Chạy dài theo những ngõ hẻm sâu và tối là bộn bề cảnh nhà ở chật chội, đông đúc, sinh hoạt khó khăn, lạc hậu mặc dù ở ngay sát Hồ Gươm.
Cách đây gần 4 năm, chính quyền TP Hà Nội đã cho khảo sát khu phố cổ. Kết luận cho thấy, hiện ở phố cổ có tới hơn 63% nhà xuống cấp, 51,9% hộ phải sống trong những căn nhà chỉ có 1 phòng. Ngay sau đó nhiều hội thảo được tổ chức với nhiều phương án được đưa ra, nhưng áp dụng, triển khai đến đâu thì không ai biết. Trong khi đó, không ít người dân phố cổ “dài cổ” đợi một suất nhà tái định cư nhưng không được.
Còn theo nghiên cứu về không gian sinh hoạt và không gian kiến trúc ở phía sau những con phố ồn ào, náo nhiệt của 36 phố phường Hà Nội của nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Utsumi Sawako (Nhật Bản) đứng đầu, thì trong số 102 ngôi nhà trong khu phố cổ được điều tra chỉ có 44 gia đình có nhà vệ sinh riêng, số còn lại phải dùng chung, trong điều kiện không được đảm bảo. 42 gia đình phải dùng chung nhà tắm và chỉ có 83 gia đình có bếp riêng. Đường nước đều được dùng cho cả khu vệ sinh lẫn bếp. Do phải sống trong một không gian hẹp, nên người dân trong khu phố cổ đã tìm mọi cách vươn lên cao, hoặc mở rộng tối đa diện tích nhà sang không gian bên cạnh, điều này khiến cho diện tích sử dụng chung dần bị thu hẹp, kiến trúc cũng thay đổi.
Nỗi lo lắng của các nhà bảo tồn đang nhân lên bởi bộ mặt phố cổ đang thay đổi từng ngày. Thanh tra xây dựng thành phố cho biết, khoảng 90% nhà mới xây dựng, cải tạo sai phép với nhiều hành vi. Chỉ được xây dưới 3 tầng song nhiều ngôi nhà chồng tới 5 - 6 tầng. Ngoài ra, gia chủ còn tự ý thay đổi kết cấu, vật liệu xây dựng, như lẽ ra phải lợp mái ngói thì chủ nhà lại đổ mái bằng, mái tôn; yêu cầu cửa và lan can bằng gỗ thì chủ nhà lại thay bằng cửa khung nhôm kính... tạo nên sự “xôi đỗ” trong kiến trúc và mất dần nét cổ của khu phố. Hôm nay, trong khu vực phố cổ Hà Nội có không ít ngôi nhà cao 5 - 7 tầng, thậm chí 10 tầng như một khách sạn ở phố Bát Đàn.
- Giãn dân phố cổ, bao giờ?
Đã quá nhiều lần đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (có chủ trương từ 12 năm trước) được đưa ra và vì nhiều lẽ lại… tạm dừng. Thông tin mới đây cho biết một lần nữa đề án này được đưa ra sau khi đã “làm mới”. Nếu thực hiện thành công đề án này, Hà Nội sẽ giải quyết được 3 mục tiêu lớn: Giảm mật độ dân cư trong khu phố cổ; từng bước cải thiện đời sống người dân; bảo tồn và tôn tạo phố cổ, góp phần phát huy các giá trị di sản vật thể của thủ đô...
Dù nhiều ý kiến đồng tình cần nhanh chóng thực hiện nhưng cũng có không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của đề án. Thận trọng với vấn đề này, KTS Nguyễn Trực Luyện cho biết: “Khẩn trương nhưng không có nghĩa làm ồ ạt”. Theo ông Luyện, giãn dân, người ta sẽ sống tiếp như thế nào là điều phải suy nghĩ. Phải có những nghiên cứu về hoạt động kinh tế, nếp sống ở phố cổ. Phải xây dựng được những kế hoạch sau khi một số khu vực, hộ dân đã giảm một số người; sau đó việc sửa chữa, trùng tu nhà cổ sẽ được thực hiện như thế nào? Tổ chức đời sống của các hộ gia đình thế nào? Ở đây đòi hỏi những biện pháp giải quyết cả về kiến trúc, kinh tế, văn hóa, xã hội…
KTS Lê Quang Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng số 1 Hà Nội thì cho rằng, cùng với việc giãn dân phố cổ phải tính tới các giải pháp cho việc chống tái tăng dân số trở lại. Theo ông, mặc dầu có rất nhiều gia đình sinh sống trong phố cổ chờ đợi cơ hội được tham gia dự án giãn dân để có được một mái nhà đoàng hoàng theo đúng nghĩa, song tâm lý: “Giàu xứ quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ” đã in sâu vào nếp nghĩ của không ít người. Vì thế, nếu họ rời bỏ phố cổ nhưng lại không tìm được phương kế sinh nhai nào thay thế, một môi trường sống thuận tiện thì dễ xảy ra hiện tượng tăng dân số cơ học ở khu vực này.
Phố cổ Hà Nội vẫn thao thức. Người Hà Nội vẫn từng ngày chứng kiến sự già nua, xuống cấp, lam nham của khu phố cổ - vốn là niềm tự hào của kinh thành Thăng Long với một “Hà Nội 36 phố phường”.
Phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật. Từ ngày 1-10-2004 hình thành tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ (các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật). Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. |
Vĩnh Xuân
>> Hà Nội - Rào cản và sự phát triển