Với nhiều người, những nét đặc trưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội đang dần mất đi. Phải chăng cốt cách văn hóa ấy đã bị pha tạp, tổn thương đến mức khó nhận diện? Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi không có tham vọng trả lời cho câu hỏi đó mà chỉ muốn chúng ta cùng nhìn nhận lại những bất cập của văn hóa Hà Nội, nhằm hướng tới xây dựng thủ đô hiện đại trong tương lai nhưng vẫn giữ được một Hà Nội đẹp như chúng ta vẫn hằng yêu quý.
Hòa nhập và hòa tan
Nhiều người dường như đang yêu những nét đẹp của Hà Nội trong quá khứ chứ không phải Hà Nội hôm nay. Phải chăng vì thế người ta tìm đến tranh của Bùi Xuân Phái với những mái phố rêu phong, những bức tường loang màu thời gian, một góc phố có cây si già và đôi ba người đàn bà nhỏ bé gánh hàng rong... Điều gì đó rất riêng và cũng khá xưa của Hà Nội đi vào ca khúc của Phú Quang, Trần Tiến, Trịnh Công Sơn…
Rồi Hà Nội đi vào những trang sách của “nhà Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc, các nhà văn Băng Sơn, Tô Hoài, Vũ Bằng..., hay các nhà sử học Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc. Ở đó, người Hà Nội hiện lên với những dáng nét hào hoa, thanh lịch.
Nhưng cùng với sự phát triển ồ ạt, Hà Nội không còn là một đô thị nhỏ nữa, nó đã mở rộng ra nhiều chiều và không ngừng tiếp thu những nét văn hóa của nhiều địa phương khác đồng thời hội nhập với các trào lưu văn hóa phương Tây. Đó là điều tất yếu đối với một thủ đô, một đô thị lớn. Nhưng làm gì để bản sắc văn hóa hòa nhập nhưng không hòa tan mới là điều trăn trở. Ngay trong phố cổ, khu Hà Nội 36 phố phường xưa, cảnh thanh nhàn không còn nữa.
Bà Phạm Thị Chi (phố Hàng Quạt - quận Hoàn Kiếm) có vẻ buồn khi nhớ lại: “Ngày xưa con ngõ này thanh bình, nghèo nhưng sống đàng hoàng, ấm cúng lắm. Hàng xóm ở với nhau thân tình như người nhà, trẻ con từ bé đến lớn đi hỏi về chào. Còn bây giờ, người ở nơi khác chuyển về, chung một ngõ nhưng chẳng chào nhau, bọn trẻ thì phóng xe vù vù, không còn khoanh tay “chào ông, chào bà” như xưa. Con ngõ nhỏ sạch sẽ ngày nào, nay thỉnh thoảng xuất hiện những đống rác vô chủ, cãi cọ nhau rồi văng tục”.
Với cố nhà văn Băng Sơn, ngày xưa con gái Hà Nội “có giá” lắm, họ được rèn nền nếp gia phong từ nhỏ nên giỏi nữ công gia chánh, ứng xử uyển chuyển, kín đáo mà vẫn toát lên vẻ kiêu sa, không lẫn vào đâu được. Con gái Hàng Đào thuở xưa nổi tiếng bởi tài đảm đang tháo vát nhưng vẫn giữ được nét đẹp từ dáng vẻ đến lời ăn tiếng nói. Nhưng bây giờ, thử đến phố Hàng Đào, con gái Hàng Đào hầu hết môi son má phấn, ăn mặc sành điệu, nói năng bặm trợn. Có người cho rằng, đó là những người từ nơi khác đến, không phải sinh ra lớn lên ở Hàng Đào. Đó cũng chỉ là cách chữa ngượng mà thôi. Đến nay, tìm được một cô gái mang nét đẹp riêng của Hà Nội xưa thật hiếm.
Còn lại những gì?
“Không nên hô hào kiểu Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Cần phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ giữa các các ngành văn hóa, giáo dục, quản lý, nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ của người dân, xác định đâu là vấn đề rường cột của văn hóa người Hà Nội mà xây dựng những tiêu chí cụ thể để trong tương lai không xa, chúng ta có những thế hệ người Hà Nội văn minh, xứng đáng là chủ nhân của thủ đô ngàn năm văn hiến ”. (Giáo sư sử học Lê Văn Lan) |
TS xã hội học Trịnh Hòa Bình (Viện KHXH Việt Nam) cho rằng, việc văn hóa Hà Nội đang bị pha tạp, đang bị tổn thương trước những những dòng chảy văn hóa khác tràn vào, cùng với tốc độ tăng dân số cơ học là có thật. Và câu hỏi đặt ra: “Trong cái đa dạng đó, nét đặc trưng văn hóa Hà Nội nằm ở đâu, còn lại những gì?”.
Theo TS Bình, hiện vẫn có một bộ phận người Hà Nội sống với tinh thần tự tôn rất cao. Đó là gia đình ông Nguyễn Khắc Chỉ (phố Gia Ngư - Q. Hoàn Kiếm), một trong số gia đình hiếm hoi vừa được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu thủ đô - 2010” nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với 4 thế hệ sinh sống, đại gia đình này không có những người nổi danh thiên hạ về tài văn chương, thơ phú, tiền tài, chức vị; họ sống bình dị, lương thiện bằng sức lao động của mình và sống bằng lối văn hóa rất xưa của người Hà Nội.
Ở gia đình này, mỗi đứa trẻ khi bắt đầu học nói đã được học ngay cách ứng xử chào hỏi lễ phép cả trong gia đình và ra ngoài hàng ngõ. Đó còn là gia đình cụ Phạm Thị Tề, 97 tuổi, chủ nhân ngôi nhà vườn cổ cuối cùng của Hà Nội, số 115 phố Hàng Bạc. Trong gia đình cụ, các con vẫn luôn giữ lề lối gia đình nền nếp nho nhã, kính trên nhường dưới.
Ông Phạm Ngọc Giao, con trai trưởng của cụ Tề tâm sự: “Tuy có những lúc xáo trộn, kinh tế khó khăn nhưng trong ngôi nhà này các con không ai cãi nhau với ai, luôn có sự đồng nhất, đồng thuận, đó là nhờ có mẹ tôi đứng ra dung hòa các mối quan hệ”. Chúng ta tự hào về những gia đình gia phong như vậy nhưng không thể không lo lắng về những gì đang diễn biến, mất dần bản sắc văn hóa người Hà Nội.
BÍCH QUYÊN
- Thông tin liên quan:
>> Bài 3: Loay hoay bảo tồn phố cổ