Hà Nội - Rào cản và sự phát triển

Bài 1: Giao thông ùn tắc
Hà Nội - Rào cản và sự phát triển

LTS: Đồ án chung quy hoạch thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đem lại hy vọng lớn trong việc xây dựng thủ đô đàng hoàng, to đẹp hơn. Tuy nhiên trong quá trình vận động, phát triển, nhiều bất cập phát sinh đã đặt Hà Nội trước không ít nguy cơ, thách thức. Nhìn nhận những trở lực, rào cản trên con đường phát triển, đó là điều hết sức cần thiết. Trên tinh thần đó, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết với tiêu đề chung: Hà Nội - Rào cản và sự phát triển.

Bài 1: Giao thông ùn tắc

Hàng loạt các giải pháp, hàng ngàn tỷ đồng đã được chi ra nhằm giải quyết ùn tắc giao thông Hà Nội. Tuy nhiên, thực trạng ùn tắc giao thông nội đô vẫn nan giải và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, hàng loạt các công trình giao thông đang chậm tiến độ, bỏ hoang gây lãng phí hoặc xuống cấp nhanh.

Cầu Long Biên, cây cầu trăm năm tuổi trở thành nơi họp chợ. Ảnh: MINH DUY

Cầu Long Biên, cây cầu trăm năm tuổi trở thành nơi họp chợ. Ảnh: MINH DUY

  • Ở nhà cho lành!

Không ít người từ các địa phương khi về thủ đô đã thốt lên: “Cho tiền tôi cũng không về Hà Nội ở. Ngày nào cũng thấy ùn tắc giao thông, chỗ nào cũng thấy ùn tắc giao thông. Người ta đổ về Hà Nội vì nghĩ ở đây có nhiều điều kiện hơn các địa phương. Nhưng nếu cứ ùn tắc thế này thì hơi sức đâu, thời gian đâu để thưởng thức, hưởng thụ những giá trị vật chất tinh thần khác nữa”. Đó là một thực tế, nhưng nếu ai sống ở Hà Nội mới biết, mỗi sáng đều phải lao ra đường với một tinh thần liều lĩnh, chưa nói đến chuyện thỉnh thoảng có người “đầu thì bẹp dúm, mũ còn nguyên”.

Tuy thế, người ta vẫn đổ về Hà Nội sinh sống ngày một nhiều và dĩ nhiên ùn tắc giao thông lại tiếp tục gia tăng. Thống kê của Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết, thành phố hiện tồn tại khoảng 100 “điểm đen” thường xuyên xảy ra ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc, trước đây vài năm con số này chỉ khoảng 30 - 40. Mười năm trước, những tuyến phố trung tâm như Hàng Bài, Phố Huế, Ngô Quyền... chưa biết ùn tắc là gì, thế mà nay, vào các giờ cao điểm cũng ùn tắc kéo dài. Nhiều hôm, đoạn đường chưa đầy 2km dọc Phố Huế lên Hồ Gươm cũng phải đi mất 30 phút. Khổ nhất vào những dịp lễ tết, tất cả các tuyến đường quanh bờ Hồ đều ùn tắc khủng khiếp. Chính vì vậy, vào những dịp lễ tết, nếu không có việc cần thiết phải ra đường, phần lớn người dân Hà Nội chọn giải pháp “ở nhà cho lành”, dù rất muốn được hòa mình vào không khí lễ hội chung.

Nạn ùn tắc giao thông triền miên khiến người dân bực dọc. Nhân viên công sở thường xuyên muộn giờ làm, học sinh, giáo viên muộn giờ vào lớp.

  • Lãng phí tiền tỷ

Năm 2010, Hà Nội đã bỏ ra 234 tỷ đồng xây dựng 18 cây cầu vượt bộ hành, với mục tiêu hạn chế tai nạn giao thông cho người đi bộ và giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, những cây cầu tiền tỷ này đang bị người dân thờ ơ do đặt không đúng chỗ. Giảng Võ, một trong những tuyến đường hay xảy ra ùn tắc giao thông bởi mật độ dân cư đông, nhiều trung tâm mua sắm, thế nhưng 2 cây cầu bộ hành trên đường Giảng Võ hầu như không có người sử dụng. Tương tự, cây cầu vượt trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng vắng vẻ dù dưới cầu vẫn ùn tắc mỗi ngày. Suốt dọc tuyến đường này, người đi bộ vẫn tìm cách len lỏi giữa những làn xe chứ không chịu leo lên cầu vượt bộ hành. TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải cho rằng, việc xây lắp và thiết kế những cây cầu đường bộ ở Hà Nội hiện nay thường chỉ đặt vào những vị trí dễ xây dựng, không phải giải phóng mặt bằng nhiều, do đó không thuận lợi cho người đi bộ băng ngang đường và những cầu tiền tỷ này trở nên vô tác dụng.

Ngoài cầu bộ hành, Hà Nội còn có 2 hầm bộ hành đã được đưa vào sử dụng nhưng cả hai cũng đều rất ít tác dụng. Trong đó, hầm bộ hành Phạm Hùng, đoạn gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia có 8 cửa hầm thì 4 cửa đang xuống cấp nghiêm trọng. Các cửa hầm còn lại thành nơi trú ngụ của những người bán hàng rong. Hầm bộ hành Ngã Tư Sở cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hàng chục tỷ đồng bỏ ra cuối cùng chỉ để cho những người dân ở khu vực lân cận đi tập thể dục, thanh niên chơi bời tụ tập… Họa hoằn lắm mới có người cần sang đường xuống hầm.

Một điểm nhấn về giao thông thủ đô là hệ thống cầu vượt sông Hồng. UBND TP Hà Nội đã có phương án xây dựng 8 cầu vượt sông Hồng. Thế nhưng cho đến thời điểm này, ngoài 3 cây cầu cũ: Long Biên, Chương Dương, Thăng Long thì mới chỉ có thêm cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì được đưa vào khai thác sử dụng. Mặc dù được xây dựng rất hiện đại và được kỳ vọng giảm tải cho 3 cây cầu cũ nhưng rồi cầu Chương Dương và cầu Thăng Long vẫn tiếp diễn tình trạng ùn tắc, kéo dài hàng giờ. Cầu Long Biên, cây cầu trăm tuổi được coi là một nhân chứng văn hóa lịch sử của thủ đô, vẫn đang oằn mình trước lượng xe cộ dồn hết về cây cầu ọp ẹp này mỗi khi cầu Chương Dương bị ùn ứ.

Trong khi những cây cầu cũ đang oằn mình vì quá tải thì những cây cầu mới vượt sông Hồng vẫn chưa được khai thác hết công suất. Cầu Thanh Trì còn liên quan đến dự án đường vành đai 3 dở dang, cầu Vĩnh Tuy mới chỉ hoàn thiện giai đoạn 1. Đặc biệt, cầu Nhật Tân, một dự án hạ tầng trọng điểm nhưng đến nay, vẫn còn đang loay hoay với việc giải phóng mặt bằng. Giấc mơ tuyến đường nối cầu Nhật Tân và sân bay Nội Bài rút ngắn so với đường cũ 15 cây số xem ra còn xa xôi lắm.

Cạnh đó, không thể không nói đến những công trình giao thông lại gây… ùn tắc giao thông, như Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 32, đoạn Cầu Diễn - Nhổn, một công trình đã lỡ hẹn với Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Vậy mà đến thời điểm này người ta vẫn đang hì hục “đào bới” và con đường trở thành nỗi kinh hoàng với người tham gia giao thông. Đại lộ Thăng Long mặc dù đã được thông xe kỹ thuật hơn 1 năm nhưng đến nay tuyến đường đã trở nên nhếch nhác với nhiều đoạn phần đường chính biến thành chợ, phần đường gom bị nước ngập triền miên. Một số hạng mục như cây xanh, đèn chiếu sáng, nút giao Hòa Lạc vẫn chưa hoàn tất; hệ thống thoát nước bị… tắc, phải thiết kế lại. Do đó tuyến đường vẫn chưa thể bàn giao chính thức và như vậy hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho tuyến đường đã không phát huy hiệu quả, ùn tắc giao thông vẫn tiếp tục xảy ra.

  • Tháng cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông

Tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt, từ ngày 31-8 đến hết ngày 30-9-2011, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ triển khai Tháng An toàn giao thông quốc gia. Theo đó sẽ mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tổng kiểm soát xe ô tô chở khách và xe mô tô trên phạm vi toàn quốc. Trọng tâm của tháng ATGT năm nay là phòng chống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông, các vi phạm về: tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt sai… sẽ được tập trung xử lý.

Bích Quyên


Bài 2: Lai căng kiến trúc

Quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra với tốc độ khá nhanh, nhất là ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, xuất hiện ngày càng nhiều khu đô thị mới và các ngôi làng cổ nổi tiếng như Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà, Giáp Bát, Vĩnh Tuy, Nhật Tân… cũng hình thành các khu dân cư đô thị có mật độ xây dựng cao. Đô thị Hà Nội đang phát triển với tốc độ rất nhanh nhưng không khỏi có sự tùy tiện, hỗn tạp.

  • Vấn nạn nhà siêu mỏng
     

10 năm trước, báo chí đã tốn không ít giấy mực bàn về ngôi nhà siêu mỏng đến kỳ dị có chiều dài chưa tới 1m, trên tuyến đường Kim Mã - Cầu Giấy. Và từ thời điểm đó, cứ ở đâu mở đường là ở đó xuất hiện nhà siêu méo, siêu mỏng. Kỷ lục của ngôi nhà siêu mỏng đầu tiên trên phố Kim Mã đã liên tục bị lứa “đàn em” xô đổ.

Trên những con đường to đẹp và hiện đại như Lê Thanh Nghị, Khuất Duy Tiến, Đào Tấn, Vĩnh Tuy… kiểu nhà siêu mỏng giờ đã không còn gây “sốc” như trước, mặt khác nó lại làm người ta kinh ngạc lẫn ngỡ ngàng trước khả năng “sáng tạo” không ngừng của người dân, khi dựng được những ngôi nhà trên những miếng đất có hình thù kỳ dị, bé nhỏ. Nổi bật trong số đó là nhà “tam giác” trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, nhà “một cột” diện tích chưa đến 3m² nhưng lại được xây đến 2 tầng trên đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng.

Gần đây, Hà Nội lại ghi nhận một kỷ lục mới về căn nhà có chiều dài ngắn nhất xuất hiện tại chân cầu Vĩnh Tuy, cây cầu mới nhất bắc qua sông Hồng. Với rẻo đất chỉ còn khoảng trên dưới 2m², mặt tiền 3m, chiều dài 40 - 50cm, không lớn hơn khoảng đất để dựng một bản tin phường là mấy, chủ nhân đã dựng được một căn nhà, đổ mái bằng vươn ra khoảng không đằng trước và sau tạo nên một dáng kiến trúc rất “ngoạn mục”.
 

Ngôi nhà kỳ dị xuất hiện sau khi giải tỏa để xây cầu Vĩnh Tuy.

Ngôi nhà kỳ dị xuất hiện sau khi giải tỏa để xây cầu Vĩnh Tuy.

Thống kê mới nhất của Sở Xây dựng TP Hà Nội, Hà Nội đang có 664 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Xét trên thực tế, không phải bỗng dưng những ngôi nhà như thế ngang nhiên “mọc” lên. Đó là một hệ lụy từ việc quy hoạch xây dựng các công trình công cộng thiếu đồng bộ, việc lấy không hết đất trong quá trình giải phóng mặt bằng và yếu kém trong quản lý đô thị.

  • Căn bệnh “nhái kiến trúc”

Chưa khi nào các trường phái kiến trúc cùng được du nhập, đan xen như hiện nay. Điều này gây nên một hiện tượng được giới chuyên môn gọi là “cú sốc văn hóa”. Hiện tượng này bắt nguồn từ việc du nhập văn hóa quá nhanh - trong đó có cả các phong cách kiến trúc, thiếu sự đồng nhất, không đủ thời gian để chiêm nghiệm và lựa chọn; trong khi lại đối lập với kiến trúc và văn hóa bản địa, khiến kiến trúc rối rắm và mất phương hướng.

Việc sử dụng tràn lan các phong cách, nhái lại các thiết kế, cóp nhặt một cách cơ học từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây khiến cho bộ mặt của phố phường Hà Nội trở nên nhếch nhác về cảnh quan, ngổn ngang về kiến trúc. Nếu việc “nhái cổ” vốn chỉ thấy với nhà ở dân dụng, thì giờ đây hiện tượng này còn xâm lấn vào các công trình chung cư cao tầng, các khu đô thị mới chia lô…

Theo nhận định của KTS Lê Hữu Trúc, các hình thức kiến trúc chắp vá và vay mượn đã cuốn hút khiếu thẩm mỹ của tầng lớp trung lưu mới nổi tại thành thị, những người đã qua rồi thời túng khó, bắt đầu có của ăn của để và thời gian đủ rỗi để hướng sự chú ý của mình sang lĩnh vực nghệ thuật. Họ hăm hở tìm kiếm và khao khát những hình thức nghệ thuật xưa cũ của châu Âu, những thứ từng được cho là dấu hiệu của thẩm mỹ cao cấp một thời, tuy bản thân chẳng hiểu thẩm mỹ cao ấy là gì.

Cùng quan điểm này, GS-TS kiến trúc sư Tôn Đại cho rằng đó là “căn bệnh” khó chữa và dễ lây của kiến trúc Hà Nội. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho “bộ mặt” của thủ đô trở nên đơn điệu, thiếu bản sắc.

THU HÀ 

Tin cùng chuyên mục