Hà Nội rộn ràng những đêm nhạc thu

Thu chạm ngõ khi những cơn mưa lất phất theo gió ùa về, len chân vào từng con phố nhỏ… Sự dịu dàng, êm đềm và quyến rũ của mùa thu đã khiến bao nghệ sĩ phải xiêu lòng. Chính vì thế, trong những ngày đầu thu, các nghệ sĩ lại cùng nhau hội ngộ tại Hà Nội cùng hòa mình với nhạc phẩm bất hủ về mùa thu.
Hà Nội rộn ràng những đêm nhạc thu

Thu chạm ngõ khi những cơn mưa lất phất theo gió ùa về, len chân vào từng con phố nhỏ… Sự dịu dàng, êm đềm và quyến rũ của mùa thu đã khiến bao nghệ sĩ phải xiêu lòng. Chính vì thế, trong những ngày đầu thu, các nghệ sĩ lại cùng nhau hội ngộ tại Hà Nội cùng hòa mình với nhạc phẩm bất hủ về mùa thu.

        Câu chuyện lịch sử

Đến hẹn lại lên, đúng chiều Quốc khánh 2-9, tại Nhà hát lớn Hà Nội, các nghệ sĩ, những người yêu nhạc Việt Nam lại cùng nhau hội ngộ với chương trình hòa nhạc Điều còn mãi để cùng ôn lại lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Tiếp tục giữ vai trò Giám đốc nghệ thuật của chương trình Điều còn mãi năm thứ 5, nhạc sĩ Dương Thụ còn có sự trợ giúp đắc lực từ phía nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Hoàng Lương, Bùi Minh Đạo (phối khí của chương trình) và nhạc trưởng Lê Phi Phi. Nhạc sĩ Dương Thụ tâm sự, không có nhiều thay đổi trong kết cấu Điều còn mãi vì đây chính là câu chuyện kể lịch sử bằng âm nhạc. Về khí nhạc, khán giả sẽ được nghe 2 chương trong tổ khúc giao hưởng Kơ-nhi viết cho ballet của nhạc sĩ Văn Ký viết từ lúc ông còn tu nghiệp ở CHDC Đức; 2 chương trong tổ khúc Tiếng hát sông Hương viết cho cello và Dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Hoàng Dương; bản concertino cho piano và Dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Còn lại là tác phẩm của ba người thuộc thế hệ kế cận gồm Ngẫu hứng phố của Trọng Đài; nhạc phim Cánh đồng bất tận viết cho dàn dây khá hấp dẫn của nhạc sĩ Quốc Trung và một chuyển thể dân ca (Xe chỉ luồn kim) cho dàn nhạc giao hưởng của tài năng trẻ về khí nhạc Trần Mạnh Hùng...

Về thanh nhạc, có 7 bài hát được lựa chọn: Hòn vọng phu (sáng tác vào khoảng giữa thập niên 40) của nhạc sĩ Lê Thương, bản trường ca đầu tiên theo lối kể chuyện trong kho tàng nhạc Việt viết theo kiểu Tây phương song rất gần gũi với dân ca và cổ nhạc. Bên kia sông Đuống, thơ của thi sĩ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Hồ Bắc phổ nhạc vào năm 1950. Tiếng đàn bầu thơ Lữ Giang, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc, rất phóng khoáng với giai điệu uốn lượn mềm mại như tiếng đàn bầu; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Nửa hồn thương đau, thơ Thanh Tâm Tuyền, phổ nhạc là nhạc sĩ Phạm Đình Chương...

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và phát trực tiếp trên kênh FM, Đài Tiếng nói Việt Nam.

        Và một thu xưa quyến rũ

Ngày 8-9, lần đầu tiên, chương trình Thay lời muốn nói tạm rời địa điểm quen thuộc Nhà hát truyền hình HTV - TP HCM để đến với không gian thu Hà Nội - nơi mang trong mình vẻ đẹp đặc trưng của mùa thu để chia sẻ những kỷ niệm trong lòng khán giả.

Đây cũng là lần đầu tiên ghi dấu sự xuất hiện hai nữ ca sĩ nổi tiếng Ý Lan và Thanh Lam trên sóng truyền hình trong chương trình Thay lời muốn nói - Lãng đãng thu với ca khúc Không còn mùa thu. Ngoài màn song ca đặc biệt này, hai ca sĩ sẽ thể hiện riêng các ca khúc từng gắn bó và làm nên tên tuổi mình. Là ca sĩ nổi tiếng bởi sự duyên dáng và giọng hát ngọt ngào, đầy nữ tính, ca sĩ Ý Lan được khán giả hâm mộ với các bài hát trữ tình. Lần gặp gỡ khán giả truyền hình gần đây nhất của chị là ở chương trình Tiếng hát mãi xanh 2013. Lần này, Ý Lan tiếp tục mang đến nét duyên dáng qua các tác phẩm quen thuộc như Paris có gì lạ không em (Ngô Thụy Miên - thơ Nguyên Sa)… “Người đàn bà hát” Thanh Lam sẽ đưa khán giả trở về những ngày xưa qua ca khúc Lối cũ ta về (Thanh Tùng) - một trong những bài hát chị đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán thính giả. Lãng đãng thu còn có sự góp mặt của các giọng ca quen thuộc như Duy Dũng, Minh Quân, nhóm 5 Dòng Kẻ, nhạc sĩ Nguyễn Quang…

Diễn ra một đêm duy nhất vào tối 14-9, tại Cung Hữu nghị Việt Xô, đêm nhạc Thu về trên phố như một món quà của những người làm chương trình gửi tới khán giả. Đêm nhạc tuyển chọn những ca khúc hay nhất của các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Trịnh Công Sơn. Chương trình Thu về trên phố có sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam: Hồng Nhung, Mỹ Linh (ảnh), Ánh Tuyết, cùng sự tham dự của nghệ sĩ kèn sacxophone Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy và đặc biệt là nghệ sĩ guitar Hawaii Đoàn Đính, con trai cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Trong chương trình Thu về trên phố nghệ sĩ Đoàn Đính sẽ trình tấu bản Chuyển bến và đệm đàn cho ca sĩ Ánh Tuyết hát nhạc phẩm Vĩnh biệt bằng chính cây đàn mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn để lại.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục