
Ngoài các suất diễn hàng ngày phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam cho khách du lịch quốc tế, Nhà hát Múa rối Trung ương đã chính thức khai trương chương trình biểu diễn rối cạn phục vụ khán giả thủ đô vào các buổi sáng chủ nhật hàng tuần, từ tháng 10-2007. Theo Giám đốc nhà hát Vương Duy Biên, nhà hát đang hướng tới mục tiêu trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn với người dân thủ đô.
Những nhân vật rối được trẻ em yêu thích.
- Phóng viên: Sau hơn một năm xây dựng, đến nay ông đã có thể hài lòng với cơ sở vật chất hiện tại của Nhà hát Múa rối Trung ương?
Ông VƯƠNG DUY BIÊN: Thực tế chúng tôi mới chỉ đưa vào hoạt động hệ thống nhà biểu diễn hiện đại dành riêng cho múa rối với 2 sân khấu lớn có sức chứa gần 600 chỗ ngồi. Đây là điều kiện quan trọng nhất để chúng tôi phục vu nhu cầu thưởng thức, khám phá loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc cho các khán giả trong và ngoài nước.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ làm xong Trung tâm Mỹ thuật trong đó giới thiệu toàn bộ quy trình làm rối. Một hạng mục quan trọng nữa là sẽ hoàn thành bảo tàng rối, trong đó trưng bày, lưu giữ tất cả những hiện vật, thông tin về nghệ thuật múa rối của Việt Nam. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ xây dựng lại nhà Thủy đình với sức chứa 450 chỗ.
- Theo ông, như vậy đã đủ hấp dẫn đối với khán giả thủ đô?
Chúng tôi muốn khán giả đến đây không chỉ được thưởng thức nghệ thuật múa rối mà còn được tìm hiểu, được sống trong một không gian nghệ thuật truyền thống thực sự. Vì vậy, việc thiết kế, trang trí cho nhà hát vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi dự định sẽ thiết kế một không gian nghệ thuật hoàn chỉnh theo đúng phong cách phương Đông, từ cổng chào đến hệ thống các bức tượng, phù điêu trang trí.
Để hấp dẫn các khán giả nhỏ tuổi, chúng tôi sẽ tạo ra một không gian cổ tích riêng cho các em với sự hiện diện của các nhân vật mà các em yêu thích trong các câu chuyện cổ hay các bộ phim hoạt hình hấp dẫn. Tôi nghĩ, với khuôn viên rộng 5.000m2, dù không lớn lắm nhưng cũng khá đủ để thực hiện những ý tưởng này.
- Ông có thể chia sẻ thêm cho độc giả về chương trình biểu diễn mới của nhà hát?
Thiết kế không gian nghệ thuật mà tôi nói ở trên là để tăng tính hấp dẫn cho địa chỉ văn hóa này. Còn thực tế, chúng tôi vẫn xác định, để thu hút được khán giả phải có những món ăn tinh thần đa dạng và thực sự hấp dẫn. Hiện chúng tôi có 3 đoàn diễn viên mang tên Chú ếch xanh, Con cua vàng và Quả táo đỏ.
Mỗi đoàn sẽ tự xây dựng các chương trình biểu diễn riêng và luân phiên biểu diễn trong tháng để khán giả được luôn được “đổi món”. Mỗi tuần trong tháng sẽ là một chương trình mới với phong cách riêng của mỗi đoàn diễn. Điều đáng mừng là sau một thời gian thử nghiệm, chúng tôi đã có được những phản hồi tích cực từ phía khán giả. Điều đó chúng tỏ người dân Hà Nội vẫn rất quan tâm đến nghệ thuật truyền thống.
- Là một nhà hát hiện đại dành riêng cho múa rối tại Việt Nam, điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Đây sẽ là một trong những điều kiện giúp những người hoạt động trong ngành nghệ thuật múa rối thể hiện sức lao động sáng tạo của mình, đồng thời là địa chỉ cho những người yêu nghệ thuật múa rối. Một ý nghĩa rất to lớn và thiết thực nữa là, với cơ sở vật chất này, chúng ta đã có đủ điều kiện để tổ chức những hoạt động của nghệ thuật múa rối như các hội diễn quy mô lớn.
Tôi cũng xin tiết lộ, nếu không có gì thay đổi, vào tháng 2-2008, tại Nhà hát Múa rối Trung ương sẽ diễn ra một Liên hoan Múa rối quốc tế. Hiện đã có hơn 10 nước nhận lời tham gia liên hoan này, trong đó có những “cường quốc” về múa rối như Tây Ban Nha, Pháp… Liên hoan này được tổ chức sẽ là sự kiện lớn nhất của ngành múa rối Việt Nam từ trước đến nay.
- Xin cảm ơn ông.
Quỳnh Chi