Hạ tầng giao thông yếu kém là “căn bệnh” trầm kha trì kéo sự phát triển của ĐBSCL, đã được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế chỉ rõ từ lâu, song vẫn chưa có “thuốc đặc trị”. Trong bối cảnh thu hút đầu tư vào vựa lúa, vựa tôm, vựa cá ngày càng khởi sắc, căn bệnh ấy đang cần những liều thuốc mạnh hơn từ những nhà hoạch định chính sách.
Từ năm 2010 đến nay, vùng ĐBSCL đã được đầu tư hoàn thành 46 dự án giao thông (chủ yếu là 39 dự án đường bộ) với tổng vốn đầu tư khoảng 76.462 tỷ đồng. Ngoài ra, 19 dự án đường bộ đang tiếp tục triển khai gồm: 5 dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 2.127 tỷ đồng, 3 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 3.880 tỷ đồng, 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư 39.375 tỷ đồng, 6 dự án BOT với tổng mức đầu tư 20.728 tỷ đồng. Theo đánh giá của ngành giao thông và lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng, hạ tầng giao thông dù đã có bước phát triển nhưng còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Lớn nhất là nút thắt của trục giao thông chính - cao tốc TPHCM đi Cần Thơ. Trục này có 2 dự án, một là Trung Lương đi Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng và thứ hai là dự án Mỹ Thuận đi Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Thời gian qua, người dân đã lên tiếng rất nhiều về đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các địa phương ở ĐBSCL và các nhà đầu tư nhưng quá trình triển khai rất ì ạch.
Thêm nữa, tuyến QL1A đoạn Cần Thơ - Cà Mau dù trước đây đã một lần được nâng cấp mở rộng bằng vốn ngân sách và mới đây có 3 đoạn ngắn được đầu tư bằng vốn BOT nhưng vẫn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện ngày càng tăng. Tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp và Nam Sông Hậu song song với tuyến QL1A mặt đường chỉ đạt cấp 4, cấp 5 đồng bằng (rộng từ 3,5 - 5m) phương tiện trọng tải lớn không thể lưu thông nên cũng không “chia lửa” được với QL1A. Chính việc đi lại khó khăn mà từ nhiều năm nay, các khu công nghiệp ở Bạc Liêu, Cà Mau rất khó thu hút nhà đầu tư. Tương tự, hàng loạt khu công nghiệp ở Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp cũng lâm vào cảnh đìu hiu vì hệ thống giao thông không đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Tại Đồng Tháp, QL30 được xem là tuyến huyết mạch để thu hút đầu tư vào địa phương, nhưng hiện tại tuyến đường này rất nhỏ hẹp, có đoạn hai xe tải qua mặt nhau không lọt, nhiều cầu trên tuyến xuống cấp trầm trọng. Ở Bến Tre, cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng đã làm cho công nghiệp của địa phương thật sự khởi sắc. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, vì Bến Tre lại phải mệt mỏi đối phó với nạn ùn tắc giao thông. Sau khi thông xe cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu trở thành nút thắt cổ chai vì mặt cầu nhỏ hẹp, không đáp ứng lưu lượng phương tiện đang gia tăng rất nhanh. Khi tuyến QL60 (hay còn gọi là tuyến hành lang ven biển phía Đông) nối thông thì từ Sóc Trăng đi TPHCM sẽ rút ngắn được hàng trăm kilômét so với đi trên tuyến độc đạo QL1A. Tuy nhiên, cho đến nay cây cầu lớn nhất trên tuyến đường này là cầu Đại Ngãi vẫn chưa được đầu tư. Doanh nghiệp, người dân ĐBSCL vẫn phải mòn mỏi đợi phà!
Đến nay, hầu hết tỉnh, thành trong vùng đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Một trong những “điệp khúc” được các nhà đầu tư nhắc đến vẫn là lực cản từ hạ tầng giao thông của vùng. Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ được đưa vào khai thác năm 2011, năng lực phục vụ theo thiết kế là 3 - 5 triệu lượt hành khách/năm. Thế nhưng, hiện cảng này mới hoạt động khoảng 30% công suất, chỉ khai thác đường bay từ Cần Thơ đi/đến: Hà Nội, Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Nẵng. Vào dịp tết, nơi đây mới có đường bay Đài Loan - Cần Thơ. Đường bộ đã thế, đường thủy cũng chẳng khá hơn do luồng tàu và thiếu hẳn hệ thống logistics. Đây là những điểm yếu cơ bản của hệ thống giao thông vùng ĐBSCL.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, 5 năm trước, thu hút FDI của ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 5% - 6% cả nước, nhưng trong 2 năm vừa qua (2016 - 2017), đã tăng lên lần lượt là 9% và 12%. Riêng trong 11 tháng năm 2018, thu hút FDI của ĐBSCL chiếm trên 10,6% cả nước. Toàn vùng hiện có 1.495 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 20,95 tỷ USD. Những con số này chứng tỏ ĐBSCL đang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành điểm đến đầy quyến rũ của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thu hút đầu tư vào khu vực này khởi sắc hơn nữa, phải giải quyết sớm hạ tầng giao thông. Theo đó, vùng ĐBSCL dự kiến sẽ cần khoảng 67.336 tỷ đồng để đầu tư 27 dự án quan trọng, cấp bách để kết nối toàn vùng với TPHCM và Đông Nam bộ. Trước bài toán khó “vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn”, các chuyên gia cho rằng cần đa dạng hóa các phương thức đầu tư, xã hội hóa đầu tư bằng các dự án BOT, BTO, PPP. Quan trọng hơn, cần xác định thứ tự ưu tiên bằng những giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ; bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông, tăng cường giao thông liên kết vùng và kết nối các phương thức giao thông đường thủy, bộ, hàng hải, hàng không và phát triển đường sắt trong vùng. Có làm được như vậy, bộ mặt giao thông ĐBSCL mới được cải thiện đáng kể, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.