

Phố Huế những năm đầu thế kỷ XX
Những tuyến phố ô bàn cờ của châu Âu với các tòa nhà mang dáng dấp kiến trúc Pháp xuất hiện được ở Hà Nội là nhờ vào một hiệp ước. Năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp hiệp ước cho phép người Pháp được đặt lãnh sự trên ba vùng của nước ta là Hà Nội, Hải Phòng và Quy Nhơn.
Theo hiệp ước, triều đình cắt cho Pháp một khu đất ở Hà Nội gọi là “nhượng địa” để dùng làm trụ sở lãnh sự và là nơi cho 100 lính ở. Đất “nhượng địa” vốn là đồn thủy quân bên bờ sông Hồng, phía đông nam thành phố, với diện tích 2,5ha. Trên diện tích đó năm 1875 người Pháp đã xây những tòa nhà hai tầng đầu tiên, mở đầu cho sự hiện diện xâm lấn ồ ạt kiến trúc thực dân vào nước ta.
Người Pháp đã mạnh tay vạch một trục chính khá hoành tráng: Tràng Tiền-Hàng Khay-Tràng Thi-Cửa Nam để nối từ khu “nhượng địa” tới Hoàng Thành. Từ trục chính đó xuất hiện những “đường kẻ ngang” là các phố Bà Triệu, Ngô Quyền, Hàng Bài, Phan Chu Trinh bây giờ. Tiếp đó những đường làng, ngõ xóm được mở rộng để hình thành khu vực những phố lớn là phố Rollandes (Hai Bà Trưng ngày nay), Gambetta (Trần Hưng Đạo ngày nay), Carreau (Lý Thường Kiệt ngày nay). Cùng thời gian đó, giáo hội Thiên Chúa cũng phá hủy chùa Báo Thiên của thôn Báo Thiên để xây lên nhà thờ Thánh Giô-dép (nay là Nhà thờ Lớn).
Nhà thờ đó được xây chủ yếu bằng nguồn tiền thu được từ hai đợt quay xổ số năm 1884 và 1886, tổng cộng khoảng 16 vạn đồng. Cũng trong năm 1886, người Pháp cho đấu thầu phá hủy toàn bộ các dinh thự cũ trong khu vực Hoàng Thành để xây khu quân sự. Trong đợt phá hủy này, tất cả các kiến trúc cũ căn bản bị xóa sạch, khu Hoàng Thành chỉ còn sót lại hai di tích, là nền điện Kính Thiên với đôi rồng đá thời Lê và Cột cờ.
Từ hiệp ước năm 1884 đến nay đã hơn một thế kỷ trôi qua với bao biến thiên, bao du nhập, vậy mà diệu kỳ thay, Hà Nội vẫn đậm đà chất Việt của người Việt.
PHƯƠNG TÂN