Hà Tĩnh khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý rừng ngập mặn bị chết

Qua kiểm tra, bước đầu chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến cây rừng ngập mặn ven biển ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị chết và loại trừ nguyên nhân do các đối tượng sinh vật gây hại.

Sau khi Báo SGGP có bài viết “Rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh chết khô”, mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp địa phương và đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể, khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để xử lý việc rừng ngập mặn bị chết tại thị xã Kỳ Anh theo đúng quy định.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn UBND thị xã Kỳ Anh và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nội dung thanh lý số diện tích rừng bị chết và trồng lại rừng thay thế.

Hà Tĩnh khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý rừng ngập mặn bị chết ảnh 1
Hà Tĩnh khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý rừng ngập mặn bị chết ảnh 2 Cây rừng ngập mặn ven biển ở xã Kỳ Hà chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân
Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về diện tích rừng ngập mặn bị chết tại địa bàn xã Kỳ Hà. Theo đó, sau khi kiểm tra thực địa và làm việc với UBND thị xã Kỳ Anh, cho thấy: Rừng ngập mặn thuộc lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 358B xã Kỳ Hà có diện tích 43,21ha, chủ yếu là loài cây mắm biển có tên khoa học Avicennia Marina (Forssk) Vierh, được trồng năm 1994, thuộc đối tượng quy hoạch phòng hộ chắn sóng, với chiều cao bình quân từ 1m (đối với khu vực cây thấp) và 2,5m (đối với khu vực cây cao), mật độ 6.200 cây/ha.

Toàn bộ diện tích rừng trồng này thuộc dự án Oxfam (năm 1994). Hiện nay, UBND xã Kỳ Hà đang giao khoán cho 2 thôn Tây Hà và Bắc Hà quản lý, bảo vệ. Trong đó, diện tích rừng có cây chết không có khả năng phục hồi là 25,81ha (trong tổng số 43,21ha), chiếm tỷ lệ 60%; diện tích rừng có cây đang sống 17,4ha, chiếm tỷ lệ 40%.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, trong số cây chết không có khả năng phục hồi, toàn bộ cây bị trụi lá hoàn toàn, cành bị khô, gãy và bị bong tróc vỏ ngoài, rễ khí sinh (rễ thở) cũng đã bị thối, khô héo. Trong quá trình kiểm tra không phát hiện các loài sinh vật gây hại như: giáp xác, sâu đục thân, hà bám vào thân cây. Qua kiểm tra, bước đầu chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến cây rừng trồng ngập mặn bị chết và loại trừ nguyên nhân do các đối tượng sinh vật gây hại; thời điểm cây chết cách thời điểm kiểm tra khoảng 1 đến 3 tháng.

Hà Tĩnh khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý rừng ngập mặn bị chết ảnh 3
Hà Tĩnh khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý rừng ngập mặn bị chết ảnh 4 Nhiều cây rừng ngập mặn cao từ 1m đến hơn 2m bị chết khô
Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh giao Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp UBND thị xã Kỳ Anh và các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến tình hình rừng ngập mặn bị chết, bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường. Đề nghị UBND tỉnh xem xét mời các cơ quan đầu ngành về rừng ở Trung ương và các đơn vị liên quan để xác định nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết, đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, UBND thị xã Kỳ Anh có kế hoạch thanh lý số diện tích bị chết và trồng rừng thay thế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để trồng mới được rừng ngập mặn rất khó khăn và mất nhiều thời gian, kinh phí. Theo tính toán sơ bộ, để trồng mới rừng ngập mặn (cây mắm, đước, sú, vẹt) và quá trình chăm sóc phát triển thành rừng phát huy được tác dụng, hiệu quả thì phải mất thời gian khoảng 5 năm, với mỗi hecta cần chi phí lên đến khoảng 350 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục