Hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa (*)

Hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa (*)

LTS: Sáng 9-12, tại TPHCM đã khai mạc Hội thảo khoa học - thực tiễn toàn quốc về “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa” do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. Cuộc hội thảo đã quy tụ nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế. Đặc biệt, đến dự có các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở nhiều thời kỳ: Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng; Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương… Về phía TPHCM, tham dự hội thảo có các đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy...

Để bạn đọc có thể hiểu thêm về một số cách nhìn nhận, đánh giá cũng như giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển VHNT hiện nay, Báo SGGP xin trích đăng ý kiến tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt với gần 10 triệu người cư trú, làm việc, học tập, có vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và VHNT của cả nước. Sự phát triển kinh tế - văn hóa, VHNT của TP có xuất phát điểm khá thuận lợi như vị trí, tiềm năng, khả năng của một đô thị trung tâm, có cơ sở vật chất kỹ thuật khá phát triển so với mặt bằng chung của cả nước, có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đông đảo từ nhiều nguồn. Thuận lợi lớn nhất là truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo của một TP trẻ luôn khát khao vươn lên, phát triển.

Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Ảnh: Việt Dũng

Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Ảnh: Việt Dũng

Tuy nhiên, TP cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ sự tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bùng nổ công nghệ thông tin, tốc độ đô thị hóa cao cùng sự tăng nhanh dân số cơ học và phân tầng xã hội… TP cũng phải đương đầu với các loại sản phẩm phi văn hóa, độc hại, xâm nhập vào bằng nhiều con đường, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân nhất là thanh thiếu niên. Các tác phẩm VHNT từ nước ngoài có nội dung không lành mạnh, sáng tác tiêu cực như chủ nghĩa phi lý, hiện sinh, ca tụng lối sống trụy lạc, thác loạn… đang du nhập ngày càng nhiều, tác động xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng và khuynh hướng sáng tác, biểu diễn của văn nghệ sĩ trong nước. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn nội tại cũng nảy sinh như cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chưa đồng đều, chưa đi sâu, nội dung chưa sát với trình độ học vấn, điều kiện lao động, sinh hoạt của công nhân các khu công nghiệp mà số lượng đang tăng cao.

Trên cơ sở những thuận lợi và khó khăn đó, TPHCM đã nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế đóng góp 30% ngân sách quốc gia, về VHNT đã có những thành tựu cụ thể phản ánh qua 5 thành quả cơ bản. Một là xây dựng nếp sống văn minh đô thị với ba trọng tâm: Chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng. Thành quả của quá trình này được thể hiện khá rõ nét tại một số hoạt động lớn của TP như Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa Xuân, Hội sách TPHCM… Hai là chủ trương đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực VHNT. TP hiện có 16 hãng phim, 12/22 rạp liên doanh, 5 sân khấu kịch, 40 nhóm hài, 30 nhóm nhạc và múa, gần 700 doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, 45 trung tâm băng đĩa nhạc, trên 2.000 cửa hàng bán và cho thuê băng đĩa… tất cả góp phần mang đến cho người dân các sản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú. Thành tựu thứ ba của TP là chính sách đầu tư phát triển VHNT. Từ năm 2005, TP đã có chính sách đầu tư cho sáng tác, quảng bá hàng năm cho 9 Hội VHNT chuyên ngành với gần 5.000 hội viên; hỗ trợ văn nghệ sĩ lão thành hàng tháng; thành lập Quỹ Hỗ trợ tài năng nghệ thuật nhằm hỗ trợ cho các tác phẩm âm nhạc, văn học, sân khấu, điện ảnh… có những tìm tòi, sáng tạo mới. Đầu tư cho các thiết chế văn hóa là thành tựu thứ tư của TP với các công trình lớn như Công viên Lịch sử Văn hóa-Dân tộc, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các công viên Trung tâm Văn hóa, Cung văn hóa, Nhà văn hóa, mở rộng các nhà thiếu nhi cấp TP, quận, huyện, đầu tư cho hệ thống các thư viện đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí của nhân dân. Thứ năm là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai sâu rộng đến các tổ chức cơ sở Đảng, đến các doanh nghiệp, trường học, khu dân cư, là cơ sở thúc đẩy xây dựng đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa trong nhân dân, cán bộ và đảng viên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực tiễn phát triển VHNT TPHCM vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như thành tựu VHNT chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của TP, chưa thể hiện tốt vai trò nền tảng tinh thần xã hội. Việc chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện lệch lạc, nhất là xu hướng thương mại hóa trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật có lúc chưa kịp thời, có lĩnh vực chưa vững chắc, chất lượng hoạt động văn hóa còn thấp, có khuynh hướng chạy theo thị hiếu tầm thường. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao chưa nhiều. Môi trường xã hội bị ô nhiễm bởi sự xâm nhập của các sản phẩm phi văn hóa, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống thực dụng, lai căng, nhất là một bộ phận trong giới trẻ, rất đáng lo ngại. Chưa đầu tư đúng mức đến việc chăm lo đội ngũ trí thức văn hóa, văn nghệ TP…

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển VHNT đúng với tầm vóc, TP đề xuất 3 kiến nghị. Đầu tiên là cần xây dựng và ban hành “Chiến lược quốc gia về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan trung ương và địa phương hoạch định các chính sách nhằm phát triển văn hóa một cách đồng bộ, nhất quán phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay và lâu dài. Thứ hai là đẩy nhanh việc thể chế hóa các quan điểm đường lối, định hướng của Đảng về VHNT nhằm tương ứng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, giữa đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Cuối cùng, TPHCM và một số địa phương phía Nam vốn có tính đặc thù về VHNT trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. Do vậy, sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương về văn hóa cần phải có sự hài hòa, nhuần nhuyễn, thích hợp với từng lúc, từng nơi, trong quá trình đó sự thống nhất của các cơ quan Trung ương và TP là điều hết sức quan trọng.

---------------------------

(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt.

Tham dự hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, phản ánh thực tế mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn học, văn hóa, nghệ thuật (VHNT) hiện nay. Có ý kiến tập trung xoáy sâu vào tình hình thực tế, nêu bật những mặt tích cực cũng như tồn tại trong công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển VHNT. Có ý kiến khác nghiêng về việc xem xét thực trạng mối quan hệ giữa kinh tế và VHNT dưới góc độ lý luận, có tính học thuật nhưng cũng có nhiều ý kiến tập trung vào những mâu thuẫn thực tiễn của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển VHNT. Các đại biểu cũng nêu ra nhiều phương hướng, biện pháp để khắc phục, giải quyết những tồn tại, tiêu cực trong mối quan hệ giữa kinh tế và VHNT.

T.Vy

Tin cùng chuyên mục